Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Hoạt động thương mại biên giới góp phần tích cực trong tiêu thụ sản phẩm, hàng hoá sản xuất trong nước; cung cấp hàng hoá, nguyên vật liệu cho nhu cầu sản xuất. Từ đó góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, an toàn khu vực biên giới.
![google news](/assets/images/gg-news-v2.png)
Vai trò quan trọng trong hoạt động giao thương
Theo Sở Công thương, năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt hơn 10 tỷ USD, tăng 43,37% so cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu đạt 5,6 tỷ USD, tăng 61,83% so cùng kỳ; nhập khẩu 5 tỷ USD, tăng 27,29% so cùng kỳ.
Trong đó, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá với Campuchia của các doanh nghiệp tỉnh đạt hơn 1,5 tỷ USD, tăng 40,68% so cùng kỳ (1,1 tỷ USD), chiếm 14,52% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu.
Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là hàng hoá do phía Việt Nam sản xuất gồm: hàng tạp hoá, gỗ và các sản phẩm từ gỗ; giấy và các sản phẩm từ giấy; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; sản phẩm từ chất dẻo; dây diện và dây cáp điện….
Năm 2024, tổng doanh thu đạt 200 tỷ đồng với các mặt hàng thực phẩm chức năng, rượu, bia, thuốc lá, sữa, mỹ phẩm… Tổng trị giá mua, bán, trao đổi của cư dân biên giới đạt 91,6 triệu USD.
Sở Công thương cho biết, toàn tỉnh hiện có 20 chợ khu vực biên giới đang hoạt động/22 chợ/14 xã biên giới. Hàng hoá trao đổi của cư dân ở các chợ biên giới chủ yếu là hàng Việt Nam gồm đồ dùng gia đình bằng nhôm, nhựa gia dụng, mì ăn liền, dầu ăn, trái cây, bột giặt, vật liệu xây dựng; hàng của cư dân Campuchia gồm mì lát, mì tươi, hạt điều nguyên liệu, đậu các loại, lúa gạo…
Thời gian qua, sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị chức năng tại cửa khẩu, tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá, xuất nhập cảnh người, phương tiện giao thông vận tải qua lại cửa khẩu theo hướng đơn giản hoá thủ tục hành chính.
Tạo hành lang pháp lý đẩy mạnh phát triển thương mại biên giới
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực nhưng hoạt động thương mại biên giới còn một số khó khăn cần được tháo gỡ. Việc vận chuyển mía qua cửa khẩu chính gặp khó khăn do khoảng cách vận chuyển từ ruộng mía đến cửa khẩu chính xa hơn rất nhiều so với cửa khẩu phụ, làm phát sinh chi phí vận chuyển rất lớn.
Việc vận chuyển mía về qua cửa khẩu phụ theo hợp đồng mua bán, nộp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) do Vương quốc Campuchia cấp để được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo các Hiệp định thương mại mà Việt Nam là thành viên lại tiếp tục gặp vướng mắc, cụ thể mặt hàng “Mía cây” chưa đưa vào danh mục hàng hoá được phép mua bán, trao đổi qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới.
Sở Công thương đề nghị các cấp các ngành sớm xem xét cho phép các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân tỉnh Tây Ninh được thực hiện hoạt động vận chuyển mía nguyên liệu do doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân trồng tại các tỉnh giáp biên của Campuchia về Tây Ninh qua các cửa khẩu phụ đã được UBND tỉnh công bố danh mục cửa khẩu phụ được thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hoá qua biên giới theo mùa vụ hàng năm (mùa vụ bắt đầu từ tháng 11.2024 đến tháng 4.2025).
Về lâu dài, Sở Công thương kiến nghị xem xét, bổ sung mặt hàng "mía cây" vào danh mục hàng hoá được phép mua bán, trao đổi qua các cửa khẩu phụ, lối mở nằm ngoài khu kinh tế cửa khẩu.
Sở Công thương cho biết thêm, hiện nay, tại một số cửa khẩu, chưa có địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hoá xuất nhập khẩu ở khu vực biên giới. Sở kiến nghị UBND tỉnh xem xét quy hoạch, bố trí quỹ đất phù hợp, kêu gọi đầu tư để xây dựng hai bãi tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hoá xuất riêng, nhập riêng nằm hai bên trục đường giao thông, tạo thuận lợi cho các phương tiện vận chuyển hàng hoá xuất nhập khẩu tập kết, cũng như bảo đảm công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan Hải quan.
Trong thời gian tới, nhằm tiếp tục phát triển thương mại biên giới, Sở Công thương tăng cường hướng dẫn doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân trên địa bàn tỉnh trong hoạt động hỗ trợ đầu tư, hợp tác sản xuất nông sản với các tỉnh giáp biên thuộc Vương quốc Campuchia và vận chuyển nông sản sau thu hoạch về Tây Ninh.
Trong năm 2025, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng nâng cao chất lượng công tác nắm, dự báo tình hình, bảo đảm an ninh trật tự khu vực cửa khẩu; chủ động tham mưu, đề xuất các chủ trương, biện pháp, đối sách bảo đảm kịp thời, linh hoạt, hiệu quả trong đấu tranh, ngăn chặn các loại tội phạm lợi dụng hoạt động cửa khẩu để vi phạm pháp luật và xử lý các tình huống xảy ra tại khu vực cửa khẩu bảo đảm yêu cầu nghiệp vụ, pháp luật.
Cục Hải quan tỉnh thường xuyên nghiên cứu, rà soát các chính sách để phục vụ, hướng dẫn hỗ trợ thương nhân, cư dân trong hoạt động thương mại biên giới được thuận lợi, nhanh chóng, kịp thời, đúng pháp luật.
Tăng cường phối hợp hiệu quả với các cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn trong công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại; phòng, chống ma tuý, vận chuyển trái phép hàng hoá, ma tuý, tiền tệ qua biên giới; duy trì thúc đẩy mở rộng quan hệ hợp tác với Hải quan Campuchia nhằm nâng cao hiệu quả, tạo thuận lợi cho hàng hoá xuất nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện xuất nhập cảnh qua biên giới.
Ban quản lý Khu kinh tế tiếp tục theo dõi và thực hiện công tác thu, quản lý và sử dụng phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng đối với phương tiện ra, vào cửa khẩu Mộc Bài, Xa Mát và Tân Nam; phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu phí đạt vượt chỉ tiêu kế hoạch được UBND tỉnh giao trong năm 2025 hơn 244 tỷ đồng.
Nhi Trần