Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Trong quá trình kiểm tra việc ông Dũng xử lý khu bãi rác, chính quyền địa phương phát hiện ông có thuê người dùng máy Kobe móc đất đổ lấp phần lớn bãi chất thải nguy hại…
Ngày 10.7, Báo Tây Ninh có đăng bài “Cần làm rõ một hoạt động liên quan đến hóa chất và xả rác quy mô lớn ra môi trường”. Bài báo phản ánh tình trạng nhiều năm qua, tại ấp Bến Kênh, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng tồn tại một bãi rác thải công nghiệp lộ thiên và hoạt động chưng cất hóa chất (“nấu keo”) diễn ra tại đó.
Phần lớn diện tích bãi rác thải được phủ lên một lớp đất khá dày.
Đáng nói, hoạt động này không hề có giấy phép. Sau khi báo đăng, cùng ngày 10.7, UBND xã Đôn Thuận đã vào cuộc kiểm tra, lập biên bản đối với ông Ngô Văn Bon (người đang trông coi và quản lý điểm nấu keo nêu trên). Qua làm việc, ông Bon cho biết ông chỉ là người làm thuê, ông chủ thật sự tên Lâm Thành Dũng hiện ngụ tại TP.HCM. Mỗi tháng, ông chủ về đây ba ngày để nấu keo.
Theo hồ sơ vụ việc, tại vị trí khu đất có bãi chất thải và hoạt động nấu keo, nhiều năm trước đây do ông Dũng quản lý sử dụng. Tháng 7.2016, ông Dũng sang nhượng lại khu đất cho ông Hoàng Trọng Dương (ngụ TP.HCM). Đến tháng 9.2016, ông Dương cho một công ty tư nhân thuê lại khu đất với thời hạn 40 năm. Mục đích của bên thuê đất là xây dựng và hoạt động nhà máy sản xuất đất, phân trùn quế, giống vật nuôi và cây trồng.
Về nguyên nhân vì sao ông Dũng đã bán đất nhưng vẫn còn tổ chức hoạt động nấu keo trên một phần của khu đất qua nhiều năm, tạm thời chúng tôi chưa liên hệ được với ông Dương để xác minh cụ thể.
Ngày 16.7, đại diện Sở Tài nguyên Môi trường, Phòng Cảnh sát môi trường, Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Trảng Bàng, Công an huyện Trảng Bàng, công ty thuê đất của ông Dương và chính quyền địa phương đã đến khu đất để kiểm tra, xác minh thông tin phản ánh trên báo.
Qua khảo sát thực tế, UBND xã Đôn Thuận có ý kiến như sau: Cách nay khoảng 10 năm, ông Dũng có đến khu đất này để nấu hóa chất (dạng keo) với 3 lò nấu. UBND xã đã lập biên bản đối với ông Dũng, yêu cầu ông phải thực hiện đầy đủ các thủ tục có liên quan theo quy định trước khi hoạt động.
Có thể nhận thấy rõ việc đổ đất chồng lên chất thải nguy hại khi quan sát tại vị trí dãy đất tiếp giáp với bãi rác hiện trạng.
Sau đó, ông Dũng đã phá bỏ 2 lò nấu. Tuy nhiên, cứ khoảng từ 2 đến 3 tháng ông Dũng lại đến đây nấu một “mẻ” hóa chất (trong biên bản làm việc vào ngày 10.7, ông Bon cho biết mỗi tháng ông Dũng về đây 3 ngày để “nấu keo”- PV).
Về hiện trạng khu đất tại thời điểm kiểm tra vào ngày 16.7, theo đoàn công tác nhận xét, nhiều thùng nhựa và sắt tại bãi đã được thu gom về một chỗ, nước mưa chảy tràn cuốn theo các tạp chất đổ dồn về khu trũng thửa đất, xung quanh khu vực lò nấu có hóa chất rơi vãi…
Đoàn công tác yêu cầu UBND xã Đôn Thuận mời ông Hoàng Trọng Dương- là người đứng tên quyền sử dụng đất và các cá nhân, tổ chức có liên quan lên xã làm việc. Qua đó, buộc phải tháo dỡ lò nấu, thu gom, xử lý toàn bộ chất thải phát sinh tại khu đất, phục hồi lại hiện trạng đất ban đầu trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày 16.7.
Chính quyền địa phương có vai trò kiểm tra, giám sát việc xử lý bãi rác, tuyệt đối không để tái diễn tình trạng nấu hóa chất và thải rác phát sinh ra môi trường, báo cáo kết quả về Sở Tài nguyên Môi trường sau 15 ngày (kể từ ngày 16.7), báo cáo kết quả hoàn thành khắc phục trong thời hạn 30 ngày như đã nêu trên. Công an huyện Trảng Bàng hỗ trợ địa phương giám sát hoạt động tại khu đất.
Ngày 22.7, ông Lâm Thành Dũng đã đến UBND xã Đôn Thuận để giải quyết vụ việc. Tại đây, chính quyền địa phương có nêu lại quá trình diễn biến vụ việc cho đương sự biết rõ. Xã yêu cầu ông Dũng phải tháo dỡ lò nấu hóa chất, thu gom và thuê công ty chuyên xử lý chất thải nguy hại, trả lại hiện trạng đất ban đầu theo đề nghị tại biên bản làm việc vào ngày 16.7.
Ông Dũng cam kết sẽ thực hiện theo yêu cầu của cơ quan chức năng, đồng thời còn cho hay đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Thương mại – Xử lý môi trường Thành Lập (trụ sở tại Quận 7, TP.HCM) để thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại. UBND xã Đôn Thuận yêu cầu ông phải thực hiện trong vòng 30 ngày, kể từ ngày 22.7, tức từ ngày làm việc được với đương sự.
Ngày 29.7, xác minh qua số điện thoại được ghi trên bản hợp đồng, ông Tăng Tư Thế, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại – Xử lý môi trường Thành Lập thừa nhận có ký hợp đồng với ông Lâm Thành Dũng về việc xử lý chất thải nguy hại. Tuy nhiên, do công ty mới ký hợp đồng nên hiện tại vẫn chưa tiến hành thu gom hay vận chuyển bất cứ khối lượng chất thải nào ra khỏi khu đất.
Hiện trạng khu lò nấu hóa chất tại thời điểm quan sát vào ngày 26.7
Trước đó, ngày 26.7, cùng có mặt với Phó chủ tịch UBND xã Đôn Thuận tại khu bãi rác, chúng tôi thấy vẫn còn nhiều thùng sắt cỡ nhỏ trong số rác bị đốt cháy sém tại vùng trũng giáp suối. Lò nấu hóa chất chưa được tháo dỡ. Phần lớn diện tích bãi rác thải nguy hại được đổ phủ lên một lớp đất khá dày, dùng tay bới rộng xuống đất thì để lộ ra lớp chất thải màu đen.
Có thể nhận thấy rõ việc đổ đất chồng lên chất thải nguy hại khi quan sát tại vị trí dãy đất tiếp giáp với bãi rác hiện trạng. Mặt khác, tại đống phế phẩm chất dẻo khá cao, nhiều màu sắc, được thải ra từ bồn nấu hóa chất đã có dấu bị tác động cào bằng, thậm chí nhiều chỗ còn lấn tràn xuống tận bờ suối tự nhiên liền kề.
Thiết nghĩ, thời hạn 30 ngày để ông Dũng thực hiện theo cam kết vẫn còn. Tuy nhiên, trong khi đại diện phía Công ty ký kết hợp đồng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải khẳng định vẫn chưa tiến hành thu gom hay vận chuyển bất khối lượng chất thải nào… thì những việc làm bất thường như đổ đất chôn lấp phần lớn rác thải nguy hại, cào bằng phế phẩm từ lò nấu hóa chất ra đến tận bờ suối là một vấn đề rất cần được cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát, hướng dẫn người vi phạm thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, tránh tình trạng khó khắc phục hậu quả về sau.
Quốc Sơn