Hiện tại, cuộc sống của các em rất khó khăn. Con đường đến trường của các em đầy gập ghềnh, trắc trở. Để ước mơ của các em bay cao bay xa rất cần những bàn tay nhân hậu tiếp sức.
Tấn bên căn chòi của mình |
Là một giáo viên tôi đã từng chứng kiến biết bao học trò vượt khó vươn lên học giỏi. Nghị lực vươn lên của các em khiến tôi cảm thấy ấm lòng để tiếp tục đứng vững trên con đường đã chọn dẫu biết rằng có lắm chông gai. Đã không ít lần nước mắt tôi rơi trước những số phận bất hạnh của các em. Trong đó có 2 em Trần Quang Tấn, học sinh lớp 10 B6, Trường THPT Tây Ninh và Lê Thị Hồng Trúc, lớp 9A3- Trường THCS Nguyễn Viết Xuân (Thị xã).
Đi học để có kiến thức, đi học với hy vọng sẽ thoát nghèo là động lực giúp em Trần Quang Tấn, học sinh lớp 10A6, Trường THPT Tây Ninh vượt qua muôn ngàn khó khăn để bước tiếp đến trường. Nhìn đôi mắt sáng ngời, luôn tự tin trong học tập tôi cứ nghĩ em có một cuộc sống hạnh phúc nhưng đâu ngờ…
Ba Tấn bỏ đi khi Tấn học lớp 3. Vài tháng sau, người mẹ cũng bỏ đi, giao lại Tấn và đứa em gái khi ấy mới biết đi chập chững cho ông bà nội. Hai thân già, hai đứa cháu thơ dại nương tựa vào nhau mà sống. Đêm đêm, nghe tiếng khóc của đứa em gái vì nhớ mẹ. Tấn lại tự nhủ phải cố gắng học thật giỏi để là chỗ dựa cho em. Lỡ mai này không còn ông bà thì mình còn có thể lo cho em gái học tiếp. Hằng ngày sau giờ học, Tấn lại trông em, phụ bà tráng bánh, đi bán. Cuộc sống bế tắc, gia cảnh túng thiếu, có lúc tưởng chừng như gục ngã. Nhìn bạn bè có ba mẹ ở bên, nghĩ tới ông bà đã già, em không cầm được nước mắt. Chính khát khao được đến trường, khát khao được học tập đã giúp Tấn có thêm nghị lực để vươn lên trong cuộc sống. Chín năm liền là học sinh giỏi, là người anh gương mẫu, là người cháu hiếu thảo.
Nhờ sự giúp đỡ tận tình của thầy cô Trường THCS Nguyễn Viết Xuân em đã không phải nghỉ học. Với em, mỗi ngày đến trường đã thực sự là ngày vui khi em được sống trong tình thương yêu của thầy cô và bè bạn. Bây giờ, Tấn lên học cấp 3. Con đường từ nhà em đến trường xa hơn rất nhiều. Hằng ngày, em thức dậy lúc 4 giờ sáng lo cơm nước rồi đạp xe tới trường. Buổi trưa tan học, em lại đạp xe 21km về nhà. Thư bảy, chủ nhật khi nào có người kêu đi cắt bông mãng cầu em lại đi. Mấy hôm trước, em đang rất lo vì không biết kiếm đâu ra hơn 400.000 đồng để đóng tiền trường. Và em đã quyết định đi phụ việc ở căn tin Bệnh viện Đa Khoa Tây Ninh vào buổi chiều để có tiền đi học và nuôi giấc mơ bước vào giảng đường đại học.
Em Lê Thị Hồng Trúc thì may mắn hơn vì có mẹ ở bên. Cha mất khi Trúc đang học lớp 5. Mẹ đi làm thuê, làm mướn. Nhà không có đất sản xuất, gia cảnh hết sức khó khăn. Nghỉ hè, Trúc thường theo mẹ đi cắt bông mãng cầu thuê. Làm cật lực từ 6 giờ đến 12 giờ cũng chỉ được 45.000 đồng. Nhưng đâu phải ngày nào cũng có việc để làm. Khó khăn là vậy nhưng 8 năm liền Trúc đều là học sinh giỏi.
Và em Lê Thị Hồng Trúc, học sinh lớp 9A3, Trường THCS Nguyễn Viết Xuân |
Trong căn nhà mái tôn vách gỗ, nóng hầm hập, trong lúc ngồi trò chuyện với tôi, Trúc cho biết: “Thấy mẹ khổ cực đi làm thuê, làm mướn, em tranh thủ đi làm giúp mẹ để có thêm thu nhập nhưng năm nay em học lớp 9, lại trong đội tuyển học sinh giỏi môn Hoá của trường nên không phụ thêm mẹ được nhiều. Em muốn học lên cấp 3 và thi đại học để sau này có nghề nghiệp ổn định, có thể phụ mẹ nuôi 2 em còn nhỏ. Nhưng mẹ em bảo, lên cấp 3 đi học xa nhà, tiền trường nhiều, mình mẹ không còn khả năng lo cho ba chị em đi học. Chắc em phải nghỉ học cô ơi! Em sợ lắm. Nghỉ học thì tương lai của em sẽ tăm tối thôi”. Nghe em nói mà lòng tôi đau nhói.
Hiện tại, cuộc sống của các em rất khó khăn. Con đường đến trường của các em đầy gập ghềnh, trắc trở. Để ước mơ của các em bay cao bay xa rất cần những bàn tay nhân hậu tiếp sức.
NTT