BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cần làm rõ hiệu quả của quỹ tài chính ngoài ngân sách

Cập nhật ngày: 10/10/2016 - 03:30

Đại diện Quỹ Đầu tư phát triển phát biểu tại buổi giám sát.

Như tin đã đưa, ngày 4.10, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức giám sát tình hình tổ chức và hoạt động của quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách đối với Quỹ Đầu tư phát triển Tây Ninh và một số loại quỹ tài chính khác như Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã, Quỹ Bảo trì đường bộ, Quỹ Phát triển đất, Quỹ Bảo vệ môi trường… Tham dự buổi giám sát có bà Phan Thị Điệp– Phó Chủ tịch HĐND cùng lãnh đạo các ban của HĐND tỉnh và đại diện các sở, ban, ngành liên quan.

TỶ LỆ NỢ XẤU CAO

Báo cáo với đoàn giám sát, đại diện Quỹ Đầu tư phát triển Tây Ninh cho biết, cơ quan này được thành lập năm 2002 do Ngân hàng Phát triển chi nhánh Tây Ninh kiêm nhiệm. Tháng 4.2010, Quỹ Đầu tư phát triển tách ra hoạt động độc lập cho đến nay. Chức năng, nhiệm vụ của đơn vị là tiếp nhận vốn ngân sách của tỉnh, vốn tài trợ, viện trợ, huy động các nguồn vốn trung và dài hạn từ các tổ chức, cá nhân trong cũng như ngoài nước theo quy định của pháp luật để tạo nguồn vốn thực hiện các dự án phát triển hạ tầng. Quỹ Đầu tư phát triển còn thực hiện chức năng cho vay đầu tư, đầu tư trực tiếp và góp vốn thành lập doanh nghiệp.

Kết quả hoạt động của Quỹ trong 4 năm (2012 – 2015) cho thấy, trong hoạt động đầu tư trực tiếp, doanh số đầu tư đạt gần 70 tỷ đồng. Quỹ góp 400 triệu đồng thành lập Công ty cổ phần Đầu tư TDIF và góp 14 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Tân Hội (Tân Châu). Theo đánh giá, mặc dù các khoản góp vốn, hợp tác đầu tư xây dựng công trình còn ít, nhưng qua đó cũng đã góp phần thu hút nguồn vốn tư nhân, thể hiện được chức năng của Quỹ là đầu tư phát triển. Đối với hoạt động cho vay đầu tư, tính riêng 6 tháng của năm 2016, tổng dư nợ cho vay của Quỹ hơn 121 tỷ đồng, lãi suất cho vay hơn 8% năm.

Đối tượng cho vay gồm các dự án thuộc lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, môi trường, phát triển nông nghiệp nông thôn… Về kết quả huy động vốn, lãnh đạo Quỹ cho biết, hoạt động huy động vốn được bắt đầu từ năm 2012, tuy nhiên do lãi suất huy động không hấp dẫn như ngân hàng thương mại nên kết quả huy động hãy còn hạn chế. Chất lượng tín dụng của Quỹ Đầu tư phát triển được nhìn nhận là còn có những vấn đề cần quan tâm. Tính đến cuối tháng 6 vừa qua, tỷ lệ nợ xấu của Quỹ đang ở mức hơn 26%.

Đối với Quỹ Phát triển đất, trên cơ sở quy định của Chính phủ, tháng 6.2012, UBND tỉnh đã ban hành điều lệ tổ chức và hoạt động của đơn vị này. Theo quyết định của UBND tỉnh, các huyện trích từ 30- 50% từ nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất nộp về Quỹ Phát triển đất của tỉnh. Thế nhưng trong thời gian qua, các địa phương trong tỉnh thực hiện việc này chưa kịp thời, chưa nghiêm túc. Theo con số mới nhất, tổng số tiền các huyện, thành phố còn phải nộp về cho Quỹ Phát triển đất tỉnh hơn 51 tỷ đồng. Trong số các huyện, thành phố, chỉ có Hoà Thành là trích nộp về Quỹ đúng tiến độ theo quy định.

Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã được thành lập vào năm 2014. Từ đầu năm đến nay, đã có 3 đơn vị tiếp cận nguồn vốn của Quỹ này nhưng chỉ có một đơn vị thuộc đối tượng được cho vay. Tính theo luỹ kế, có 9 đơn vị có nhu cầu vay, nhưng qua thẩm định đa số các dự án không đúng đối tượng, không phù hợp với quy chế cho vay của Quỹ. Có trường hợp tuy đúng đối tượng, phù hợp với quy chế nhưng lại… không có nguồn để trả nợ.

Về Quỹ Bảo vệ môi trường, quỹ này có chức năng nhận vốn ngân sách sau đó cho vay với lãi suất ưu đãi cho những dự án, chương trình liên quan đến phòng chống, khắc phục ô nhiễm, suy thoái về môi trường.

Qua đánh giá chung, lãnh đạo Quỹ Đầu tư phát triển Tây Ninh nhận định, hoạt động của Quỹ Đầu tư phát triển và các loại quỹ tài chính khác đã góp phần phát triển kết cấu hạ tầng của tỉnh nhà. Mặc dù hoạt động cho vay đầu tư trực tiếp vào các dự án còn ít, nhưng cũng góp phần giảm áp lực về vốn cho nhu cầu đầu tư của địa phương, giảm bớt gánh nặng ngân sách Nhà nước. Tồn tại lớn nhất trong hoạt động của Quỹ Đầu tư phát triển là tỷ lệ nợ xấu còn cao. Nguyên nhân là do một số doanh nghiệp vay vốn đã làm ăn thua lỗ.

Tại buổi làm việc, khi đề cập đến Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã, có ý kiến cho rằng, việc tiếp cận nguồn vốn, giải ngân quỹ này không phải dễ dàng. Một số cá thể kinh doanh, sản xuất giỏi nhưng lại không muốn vào hợp tác xã. Cũng có ý kiến đánh giá, năng lực của những người làm hợp tác xã rất yếu, nhất là năng lực, kiến thức tài chính. Do vậy, Quỹ Đầu tư phát triển không dám cho vay vì sợ khó thu hồi nợ. Nhận định này trùng hợp với ý kiến của lãnh đạo Quỹ Đầu tư phát triển. Theo đó, các hợp tác xã không có tài sản hoặc tài sản không đủ để thế chấp vay vốn. Phần lớn hợp tác xã còn khó khăn trong công tác quản trị, tính hiệu quả của dự án không cao. Đại diện Sở Tài chính đề nghị: trong thời gian tới, Quỹ Đầu tư phát triển phải vừa tăng cường giải ngân cho vay vừa tiếp tục thu hồi nợ xấu.

Ông Lê Anh Tuấn- Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh trong phát biểu của mình cho biết, đây là lần đầu tiên HĐND tỉnh làm việc với Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh. Ông đề nghị đại diện Quỹ cần nói rõ hơn thực tế nợ xấu ra sao, nguyên nhân do đâu. Riêng về hoạt động đầu tư, Quỹ đã làm được những gì, đầu tư vào đâu, hiệu quả thế nào... cần có thông tin chi tiết hơn. Bà Phan Thị Điệp– Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cũng đề nghị đại diện Quỹ nói thêm về vai trò của cán bộ quản lý trước những vấn đề phát sinh.

Giải trình những vấn đề được thành viên đoàn giám sát nêu, đại diện Quỹ Đầu tư phát triển cho biết, đơn vị đang nỗ lực để giảm nợ xấu.

YÊU CẦU VỀ SỰ MINH BẠCH

Sau khi làm việc với Quỹ Đầu tư phát triển, Thường trực HĐND tỉnh tiếp tục giám sát về hoạt động của Quỹ Bảo trì đường bộ. Báo cáo với đoàn, lãnh đạo Sở Giao thông – Vận tải cho biết, Quỹ này thành lập năm 2013. Tổng nguồn thu của Quỹ tính từ thời điểm thành lập đến tháng 9.2016 đạt hơn 105 tỷ đồng. Trong đó, nguồn thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe ô tô (do Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương chuyển về) được hơn 96 tỷ đồng. Nguồn thu phí đối với xe mô tô trên địa bàn tỉnh được hơn 8 tỷ đồng. Việc theo dõi, giám sát đối với các đơn vị thụ hưởng nguồn quỹ này, theo lời vị đại diện Sở Giao thông- Vận tải, Quỹ Bảo trì đường bộ tỉnh phối hợp với Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương và Sở kiểm tra, thống nhất danh mục công trình sửa chữa hằng năm.

Trên cơ sở danh mục sửa chữa theo kế hoạch, hội đồng quản lý quỹ họp công khai vốn chi tiết cho từng công trình. Việc thực hiện các dự án theo quy định về đầu tư xây dựng công trình được thực hiện theo nguyên tắc, Sở Giao thông- Vận tải làm chủ đầu tư, Sở Kế hoạch – Đầu tư là đơn vị thẩm định và phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật, Sở Tài chính thẩm định và phê duyệt quyết toán công trình. Đối với UBND huyện, thành phố, theo quy định địa phương tự tổ chức lựa chọn công trình để sửa chữa và giao các phòng chuyên môn để kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn.

Bên cạnh thuận lợi, hoạt động của Quỹ bảo trì đường bộ cũng còn những hạn chế. Trong đó, việc thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô không đạt kế hoạch, có nơi thu, nơi không do đây là nguồn thu mới, còn có nhiều ý kiến khác nhau. Từ thực tế đó, đầu năm 2016, Chính phủ đã quyết định tạm dừng thu phí đối với loại phương tiện này.

Đường vào ấp Hiệp Bình, xã Hoà Thạnh, huyện Châu Thành đã xuống cấp nghiêm trọng.

Liên quan đến cơ chế hoạt động của Quỹ Bảo trì đường bộ, lãnh đạo Sở Giao thông - Vận tải kiến nghị cần xem xét, điều chỉnh Khoản 2, Điều 6 của Nghị định số 18/2-12/NĐ-CP ngày 13.3.2012 của Chính phủ. Theo quy định tại các điều khoản vừa nêu, phí sử dụng đường bộ thu được đối với xe ô tô được phân chia cho Quỹ Bảo trì đường bộ của Trung ương là 65%, Quỹ của địa phương là 35%. Lãnh đạo Sở Giao thông - Vận tải cho rằng, đối với Tây Ninh, quy định như vừa dẫn là chưa hợp lý bởi chiều dài quốc lộ tại Tây Ninh chỉ có hơn 111km, trong khi tổng chiều dài đường bộ của tỉnh hơn 8.000km.

Do đó, việc nộp về Trung ương 65% số tiền thu được khiến Tây Ninh bị thiệt thòi. Từ thực tế đó, đại diện Sở kiến nghị, Trung ương cần căn cứ vào chiều dài đường quốc lộ đi qua địa bàn từng tỉnh và chiều dài của hệ thống đường bộ của địa phương để phân chia tỷ lệ cho phù hợp hơn.

Phát biểu về hoạt động của Quỹ Bảo trì đường bộ, ông Phạm Văn Đặng- Phó Ban Kinh tế - Ngân sách đề nghị làm rõ hiệu quả của Quỹ này. Đối với việc sửa chữa đường bộ, ông Đặng cho rằng, ngành Giao thông nên lý giải cơ sở nào để chọn sửa chữa tuyến đường này mà không hoặc chưa sửa tuyến đường khác. Ông Mai Văn Hải- Chánh Văn phòng HĐND tỉnh cũng cho rằng: cử tri chưa hài lòng với công tác, chất lượng sửa chữa, bảo trì đường bộ.

Ông đề nghị làm rõ hiệu quả của các loại quỹ khác, đồng thời đề xuất phải có cơ chế giám sát, công khai minh bạch để tiền quỹ được sử dụng đúng mục đích. Bình luận thêm về các loại quỹ, ông Lê Anh Tuấn nêu ý kiến: đối với một số loại quỹ chỉ nên vận động, không được quy định cứng nhắc hoặc ép buộc. Và Sở Tài chính có thể nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh để xem xét trên địa bàn tỉnh nên tồn tại những loại quỹ nào, cần thiết thì lập, còn không thì thôi để tránh trùng lặp. Thường trực HĐND tỉnh đề nghị Sở Giao thông- Vận tải và các sở, ban, ngành khác hoàn thiện báo cáo để lãnh đạo tỉnh xem xét các vấn đề liên quan đến quỹ và phí.

VIỆT ĐÔNG


Liên kết hữu ích