Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Tại sao một hoạt động có liên quan đến hóa chất và xả rác với quy mô lớn như vậy… vẫn tồn tại được trong nhiều năm, trong khi chưa có giấy phép?
Rác thải để lẫn với nhiều thùng làm bằng kim loại (được dùng đựng hóa chất trước đó) tràn xuống tận bờ suối.
Vừa qua, người dân ấp Bến Kinh, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng phản ánh, tại địa phương này (phía sau và bên ngoài tường rào DNTN sản xuất gạch Đăng Quang) đang tồn tại một bãi rác thải công nghiệp lộ thiên trong nhiều năm qua. Tại bãi rác rộng khoảng 1.000m² này còn phát hiện thấy hoạt động đun nấu và chưng cất hóa chất, chưa rõ là chất gì nhưng rất dễ cháy.
Rác thải và nước có màu khác thường tồn đọng tại bãi.
Các thùng đựng hóa chất và phế phẩm từ việc chưng cất được xả lênh láng tại chỗ trên mặt đất, không có tường rào bao quanh. Đáng lo ngại, bãi rác đang đề cập lại nằm giáp với một con suối chảy thẳng ra sông Sài Gòn. Mỗi khi trời mưa, nước từ bãi rác chảy dồn xuống suối. Thỉnh thoảng, có người đốt rác và hóa chất phế phẩm, lửa cháy bốc lên làn khói đen cuồn cuộn bay xa trong gió.
Khi chúng tôi có mặt quan sát thực tế trong hai ngày 7 và 8.7, đúng là có bãi rác thải như người dân phản ánh. Nhiều thùng phuy rỗng được dùng để đựng hóa chất trước đó, có cả những thùng chứa đầy chất lỏng bên trong đang được để ngổn ngang tại bãi. Ngoài ra, còn có nhiều thùng khác nữa làm bằng kim loại và nhựa với thể tích nhỏ hơn thùng phuy, bên trong chứa chất lỏng màu xanh, đỏ, vàng…
Thùng đựng hóa chất với nhiều kích cỡ khác nhau.
Nhiều thùng tại bãi vẫn còn nhãn mác cảnh báo chất dễ cháy, nguy hiểm, độc hại. Theo hiện trạng, có dấu xử lý rác bằng cách đốt bỏ trước đó. Thực tế, vẫn còn vô số thùng bằng kim loại không cháy được nằm trộn lẫn trong bãi tàn tro kéo dài ra tận bìa suối. Nước đọng trên bãi nhiều màu sắc, bốc mùi gắt khó ngửi. Không ít khối chất lỏng trong thùng phuy đã đông đặc, bị vứt bỏ ngay tại bãi.
Cuối bãi rác, tại vị trí gần giáp suối là một lán trại che cất tạm bợ để hoạt động đun nấu và chưng cất hóa chất. Tại đó có lò nung hình tháp trụ được xây bằng gạch, trên lò đặt một bồn kim loại dùng để chứa hóa chất cần đun sôi, kế bên là ống cống chứa nước làm mát, kiểu như quy trình chưng cất rượu. Phế phẩm từ việc chưng cất khá dẻo (chất còn lại trong bồn kim loại), nhiều màu sắc, được đổ thành đống cao và chảy tràn xuống gần tới bờ suối.
Nhiều thùng tại bãi vẫn còn nhãn mác cảnh báo chất dễ cháy, nguy hiểm, độc hại.
Từ khu chưng cất hóa chất có một rãnh nhỏ được khai thông ra hướng chỗ trũng giáp suối, trong rãnh có chất lỏng màu vàng. Mặt khác, người quan sát còn phát hiện thấy kế bên rãnh có dòng chất thải màu vàng đã đông đặc, khá rộng, đổ dài từ trên khu lán trại xuống chỗ trũng. Cỏ dại như bị chết cháy tại những chỗ có chất thải chảy đến. Vào thời điểm quan sát, lò chưng cất hóa chất không hoạt động. Ngay đầu bãi rác có xây cất một số phòng bằng gạch chưa tô dành cho người ở.
Người trông coi tài sản tại đây cho biết ông chủ ngụ ở thành phố Hồ Chí Minh, đến đây thuê đất để “nấu keo”. Hóa chất được đổ vào bồn kim loại phía trên lò nung, sau khi đun sôi hơi thoát ra từ một ống dẫn trên đỉnh bồn, ống dẫn hơi ngang qua cống nước làm mát và cho ra sản phẩm. Chất chưng cất được dùng để bán cho những nơi đóng tàu ghe dùng làm chống thấm, dán máng nhựa trên cây cao su. Phế phẩm từ bồn nấu và rác thải tại bãi phát sinh từ việc “nấu keo”. Người này bảo, ông chủ sắp trả lại mặt bằng để di dời điểm “nấu keo” đi nơi khác.
Khu vực đặt lò chưng cất hóa chất.
Một người dân địa phương thường xuyên ra vào bãi rác cho hay, sản phẩm chưng cất ra là chất lỏng dễ cháy giống như xăng, thường dùng để pha với sơn PU, nếu muốn trét ghe tàu phải kết hợp với một chất khác nữa. Kể cả chất dẻo nhiều màu sắc thải ra từ bồn nấu vẫn còn cháy tốt. Thế nên, người đốt lò không dùng củi mà dùng chất dẻo này, hoặc các khối hóa chất trong thùng phuy đã bị đông đặc. Do số lượng chất dẻo thải ra nhiều hơn nhu cầu nguyên liệu cần đốt nên đống phế phẩm mới cao như vậy.
Quả nhiên, tại khu vực lò nấu không phát hiện thấy có dấu dùng củi đốt, khói đen ám dày trên thành lò. Mặc dù vậy, để kết luận chính xác hoạt động tại đây đun nấu ra chất gì, phế phẩm từ bồn chưng cất, rác thải lộ thiên tại bãi, nước thải chảy thẳng xuống suối có được xem là độc hại đối với sức khỏe của con người và tác động xấu đến môi trường hay không… thì rất cần cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc làm rõ.
Dòng chất thải màu vàng đã đông đặc, đổ dài từ trên khu lán trại xuống chỗ trũng bìa suối.
Ông Trần Văn Cảnh- Phó Chủ tịch UBND xã Đôn Thuận (huyện Trảng Bàng) cho biết: trước đây cử tri từng phản ánh bãi rác và hoạt động “nấu keo” nêu trên. Chính quyền địa phương có đến kiểm tra và lập biên bản đình chỉ hoạt động do cơ sở không cung cấp được giấy phép. Đoàn công tác của xã yêu cầu người bị lập biên bản phải bổ sung đầy đủ hồ sơ về bảo vệ môi trường, giấy phép, các thủ tục cần thiết có liên quan trước khi muốn hoạt động trở lại. Sau đó, điểm “nấu keo” đã ngưng hoạt động.
“Từ đó đến nay, UBND xã Đôn Thuận chưa nhận được phản ánh nào khác của người dân. Hiện tại, tôi chưa rõ người bị lập biên bản trước đó có lén lút hoạt động trở lại hay không. Về vấn đề này, xã sẽ cho kiểm tra và xác minh lại”, ông Cảnh nói.
Chất lỏng được chưng cất dễ cháy giống như xăng.
Qua trao đổi với Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Trảng Bàng, vị này nói chưa biết gì về bãi rác và hoạt động “nấu keo” từng diễn ra tại đây. Nhận được thông tin này, phòng sẽ phối hợp với UBND xã Đôn Thuận để xác minh, làm rõ.
Được biết, điểm “nấu keo” trên đã tồn tại cách nay khoảng 10 năm, việc ông chủ trước đây bị chính quyền địa phương lập biên bản có thật sự tạm ngưng hoạt động hay sắp trả mặt bằng để di dời đi nơi khác hay không thì vẫn phải xử lý bãi rác “khủng” này. Bởi theo hiện trạng, các loại rác tại đây có dấu hiệu nguy hại, độc hại đối với con người và môi trường.
Quốc Sơn