Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Giải quyết, xét xử án dân sự, hôn nhân và gia đình:
Cần làm tốt công tác phối hợp liên ngành và hoà giải, đối thoại
Thứ sáu: 23:33 ngày 09/06/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Để công tác giải quyết, xét xử án dân sự, hôn nhân và gia đình đạt hiệu quả cao cần có sự nỗ lực của ngành Toà án; sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả, trách nhiệm giữa các ngành, địa phương liên quan...

Ban Pháp chế HĐND tỉnh giám sát giải quyết, xét xử, thi hành án dân sự, hôn nhân và gia đình

Thiếu biên chế, áp lực công việc lớn là thực trạng chung của các cơ quan tố tụng trên địa bàn tỉnh, trong đó có ngành Toà án. Trong khi đó, số lượng án dân sự, hôn nhân và gia đình có xu hướng tăng trong những năm gần đây và tính chất ngày càng phức tạp. Để công tác giải quyết, xét xử án dân sự, hôn nhân và gia đình đạt hiệu quả cao cần có sự nỗ lực của ngành Toà án; sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả, trách nhiệm giữa các ngành, địa phương liên quan; tăng cường công tác hoà giải, đối thoại, ứng dụng công nghệ thông tin để góp phần giảm tải áp lực công việc.

Số lượng án tăng và ngày càng phức tạp

Thống kê từ ngày 1.1.2019 đến 31.3.2023, Toà án nhân dân (TAND) hai cấp đã thụ lý trên 31.100 vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình. Trong đó, đã giải quyết, xét xử 28.330 vụ việc, đạt tỷ lệ trên 91%; số vụ việc có kháng cáo trên 1.400 vụ; số vụ án có kháng nghị 81 vụ; số án bị huỷ 64,5 vụ (TAND tỉnh 13 vụ, TAND cấp huyện 51,5 vụ); số án bị sửa 177 vụ (TAND tỉnh 15 vụ, TAND cấp huyện 162 vụ).

Trong giải quyết, xét xử án dân sự, hôn nhân và gia đình, TAND hai cấp chú trọng làm tốt công tác hoà giải theo quy định của Luật Hoà giải đối thoại, tạo ra một hình thức mới để giải quyết tranh chấp trong nội bộ nhân dân một cách hiệu quả. Trong kỳ, đã hoà giải thành được 11.882 vụ việc.

Theo Chánh án TAND tỉnh Nguyễn Thị Tuyết Vân, các quan hệ tranh chấp dân sự chủ yếu là tranh chấp về đất đai, thừa kế tài sản, vay tài sản, tranh chấp hợp đồng góp hụi… Nguyên nhân làm phát sinh tranh chấp là do kinh tế thị trường phát triển, đất đai ngày càng có giá trị đã tác động tâm lý của nhiều người; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất các giai đoạn trước đây còn nhiều bất cập như cấp sai thửa, cấp nhầm, cấp trùng… Các giao dịch dân sự cũng trở nên phức tạp, một số đối tượng huy động vốn bằng cách vay tiền, góp hụi sau đó chiếm dụng, tẩu tán tài sản.

Đối với án hôn nhân và gia đình, nguyên nhân ly hôn chủ yếu là mâu thuẫn gia đình, như sử dụng rượu bia, không lao động, không quan tâm, chia sẻ công việc trong gia đình, mâu thuẫn về kinh tế, ngoại tình…

Đáng chú ý là độ tuổi ly hôn ngày càng trẻ hoá. Nhiều cặp đôi kết hôn khi tuổi đời còn trẻ, chưa chín chắn và chưa có sự chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cuộc sống hôn nhân, chỉ sau thời gian ngắn chung sống đã phát sinh mâu thuẫn dẫn đến ly hôn.  

Tình hình thụ lý, giải quyết, xét xử các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua có xu hướng tăng về số lượng, tính chất các vụ việc phức tạp, chủ yếu liên quan đến đất đai và dự báo trong thời gian tới những vụ việc này sẽ ngày càng nhiều.

Ông Thành Từ Dũ- Bí thư Huyện uỷ Tân Biên, thành viên Ban Pháp chế HĐND tỉnh cho rằng mốc thời gian khảo sát trong vòng hơn 3 năm, trong đó có hai năm dịch Covid-19 nhưng số lượng vụ án, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình rất lớn. Số lượng án hôn nhân và gia đình tăng (trung bình xét xử sơ thẩm khoảng 11 vụ/ngày), có xu hướng trẻ hoá độ tuổi ly hôn làm dấy lên lo ngại về giá trị đạo đức, sự bất ổn trong xã hội bởi vì gia đình là hạt nhân của xã hội.

Việc Ban Pháp chế HĐND tỉnh chọn chủ đề giám sát này phần nào giúp làm rõ một thực trạng của xã hội hiện nay, đây là vấn đề lớn mà tỉnh và các ngành chức năng liên quan của tỉnh cần quan tâm để có giải pháp phù hợp.

TAND huyện Tân Biên tiếp nhận đơn của công dân.

Nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử theo tinh thần cải cách tư pháp

Qua giám sát, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đánh giá công tác giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình được TAND hai cấp thực hiện bảo đảm tuân thủ đúng quy trình, quy định của pháp luật; chủ động xác minh, thu thập chứng cứ trong những trường hợp pháp luật quy định. Hầu hết bản án, quyết định của TAND bảo đảm tính khách quan, nghiêm minh, xét xử đúng thẩm quyền, áp dụng đúng pháp luật về nội dung.

Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế nhất định, đó là việc giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình của tỉnh chưa bảo đảm chỉ tiêu theo yêu cầu của cấp trên giao; số vụ việc quá hạn luật định chưa đưa ra xét xử vẫn còn xảy ra; số vụ việc bị kháng cáo, kháng nghị vẫn còn xảy ra tương đối nhiều. Mặc dù án bị sửa, huỷ do lỗi chủ quan của thẩm phán chiếm tỷ lệ thấp hơn so với chỉ tiêu thi đua do TAND tối cao quy định, nhưng số vụ việc bị huỷ do lỗi chủ quan của thẩm phán lại tập trung chủ yếu vào án phúc thẩm dân sự do cấp tỉnh xử...

Việc chuyển giao các văn bản tố tụng cho Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp vẫn còn vi phạm về thời hạn, chưa bảo đảm theo quy định. Một số hồ sơ vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình cấp sơ thẩm xây dựng chưa chặt chẽ, thu thập chứng cứ chưa đầy đủ, dẫn đến TAND cấp phúc thẩm phải huỷ án sơ thẩm để xét xử lại; sai sót về tố tụng như xác định thiếu người tham gia tố tụng; có bản án sai sót về tính án phí, về lỗi chính tả phải đính chính; thông báo trả đơn khởi kiện chưa đúng phải huỷ.

Ban Pháp chế HĐND tỉnh kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND các cấp, các cơ quan hành chính nhà nước, tổ chức hữu quan chấp hành nghiêm túc trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ hoặc các yêu cầu về giám định, định giá, thẩm định tại chỗ, tống đạt văn bản tố tụng của TAND....

Trong đó, chú ý thực hiện nghiêm túc các quyết định yêu cầu cung cấp chứng cứ của TAND khi giải quyết tranh chấp đất đai và giải quyết yêu cầu của đương sự về huỷ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; kịp thời cung cấp thông tin, trích lục bản đồ, thực hiện thủ tục điều chỉnh, chỉnh lý giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thẩm định hồ sơ đo đạc bảo đảm đúng thời gian theo quy định, lập sơ đồ hiện trạng sử dụng đất khi cơ quan thi hành án yêu cầu.

Đối với TAND tỉnh, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 liên quan đến thực hiện quyền tư pháp của TAND, đổi mới tổ chức phiên toà theo tinh thần cải cách tư pháp, tổ chức tốt các phiên toà rút kinh nghiệm.

Tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách hành chính tư pháp; công khai kịp thời, đầy đủ các bản án, quyết định của TAND trên Cổng thông tin điện tử TAND. Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc hướng dẫn, hỗ trợ trực tuyến cho đương sự trong việc nộp đơn khởi kiện, cung cấp tài liệu, yêu cầu cấp bản sao bản án, quyết định của TAND.

TAND hai cấp tập trung khắc phục triệt để những hạn chế, tồn tại thời gian qua; nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên toà; hạn chế tối đa án bị huỷ, bị sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán; không để xảy ra việc tạm đình chỉ nhiều lần đối với một vụ án.

Thực hiện tốt việc tiếp nhận, giải quyết đơn khởi kiện của công dân; tránh tình trạng nhận đơn nhưng kéo dài thời gian ra thông báo thụ lý và thụ lý giải quyết. Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình đã thụ lý; hạn chế việc tuyên án không rõ, khó thi hành; tăng cường công tác đối thoại, hoà giải trong giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình.

Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan có liên quan trong quá trình giải quyết, xét xử các vụ việc, nhất là với chính quyền địa phương, các cơ quan bổ trợ tư pháp trong thu thập chứng cứ, giám định, định giá tài sản; phối hợp với cơ quan Thi hành án dân sự trong rà soát, thi hành các quyết định của TAND... Chủ động xây dựng quy chế phối hợp với các cơ quan hành chính nhà nước có liên quan, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giải quyết các vụ việc.

TAND tỉnh chỉ đạo TAND cấp huyện thống nhất trong việc áp dụng bản đồ địa chính để tiến hành đo đạc, xác định diện tích, hiện trạng đất tranh chấp theo quy định, tránh tình trạng sử dụng bản đồ địa chính cũ có tỷ lệ sai số cao, thiếu chính xác, dẫn tới khó khăn trong công tác giải quyết án.

Đối với công tác cán bộ của ngành, mặc dù thiếu biên chế nhưng phải chú trọng nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử và cần áp dụng biện pháp mạnh đối với những nhân lực năng lực không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Tuệ Lâm

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục