Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Góc nhìn
Cần làm tốt công tác tư vấn tâm lý khi học sinh trở lại trường học
Thứ bảy: 00:48 ngày 22/01/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Kế hoạch năm học đứt đoạn; chương trình, nội dung giáo dục phải thay đổi theo hướng chỉ còn phần cốt lõi; gần 20 triệu học sinh, sinh viên phải tạm dừng đến trường; hơn 70.000 sinh viên ra trường không đúng thời hạn...

Đến trường (nh minh ho: Huỳnh Đông, chụp trước 27.4.2021).

Trong tình hình đó, khoảng 1,5 triệu giáo viên đã thể hiện tinh thần năng động, sáng tạo, trách nhiệm đã hành động vì nghĩa tình, vì học sinh thân yêu chuyển từ học trực tiếp sang học trực tuyến. Tưởng rằng đây là giải pháp tình thế nhưng dịch bệnh phức tạp khiến học trực tuyến kéo dài đã tạo ra hệ luỵ đối với học sinh.

Nhiều học sinh, đặc biệt là các em nhỏ tuổi đối mặt với tình trạng rối loạn thích ứng, rối loạn vận động, rối loạn lo âu dẫn tới trầm cảm. Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, bình thường có khoảng 20% trẻ em và vị thành niên rối loạn tâm thần, 50% trong số này khởi phát ở độ tuổi 14.

Trầm cảm cũng là một trong những nguyên nhân gây bệnh tật và tàn tật ở trẻ vị thành niên. Ở Việt Nam, báo cáo trước khi đại dịch Covid- 19 xảy ra, tỷ lệ trẻ em và vị thành niên mắc rối loạn tâm thần dao động từ 8%-29%.

Trong số đó, rối loạn cảm xúc là 11,5%, rối loạn ứng xử là 9,2%... Và đại dịch xảy ra, khi phải học trực tuyến kéo dài, mất những tương tác xã hội, chắc chắn tỷ lệ này sẽ tăng cao là điều không tránh khỏi.

Bác sĩ Nguyễn Thị Kiều Tiên, Trưởng Khoa khám Tâm lý - Tâm thần trẻ em, Bệnh viện Tâm thần TP. Hồ Chí Minh cho biết, thời gian gần đây, phòng khám tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân là trẻ em. Qua thăm khám, phát hiện rất nhiều trẻ rơi vào tình trạng rối loạn thích ứng, rối loạn vận động ngoài ý muốn.

Khi chuyển từ học trực tiếp sang học trực tuyến, phải thường xuyên tập trung trước màn hình máy tính đã gây ra những hệ luỵ về khúc xạ. Sóng wifi, sóng màn hình đã tác động lên hệ thần kinh, gây ra sự mệt mỏi cho hệ thần kinh.

Bên cạnh đó, ánh sáng xanh từ màn hình khiến các em bị rối loạn giấc ngủ, gây mất ngủ thường xuyên. Chu kỳ giấc ngủ bị đảo lộn, thức ngủ không có nề nếp, ảnh hưởng tiêu cực đến sinh hoạt, vận động, học tập.

Nhiều em trở nên lười học, quậy phá, không nghe lời, cãi cọ, chống đối người lớn, không tuân thủ kỷ luật… Đặc biệt, nhiều em học giỏi, học khá nhưng bất ngờ rơi vào trầm cảm, rối loạn lo âu do không hiểu được bài, không tiếp thu được kiến thức nhưng không biết hỏi ai, lại không dám nói với cha mẹ, thầy cô, khiến tâm lý lo âu dẫn đến trầm cảm, có suy nghĩ tiêu cực, nguy hiểm đến sức khoẻ và tính mạng.

Nhiều người cho rằng học sinh ngày nay chịu rất nhiều áp lực so với trước đây. Khi dịch bệnh bùng phát, phải học trực tuyến dù thầy cô đã có nhiều biện pháp, hình thức giúp các em thư giãn, vận động nhưng áp lực vẫn lớn do thiếu tương tác xã hội.

Dịch bệnh, các em phải ở nhà nhiều hơn, nhiều khi là 24/24 giờ nhưng quỹ thời gian kết nối, tương tác với cha mẹ, anh chị em ít hơn. Các em cũng không được ra ngoài để hoà vào thiên nhiên, để chạy nhảy, nô đùa, trao đổi với bạn bè.

Đó là chưa nói đến việc nhiều phụ huynh còn kiểm soát chặt chẽ, la mắng khi con mất tập trung, ngáp ngắn, ngáp dài… chỉ với mong muốn con phải tập trung, học giỏi, phải đạt điểm cao. Chính vì thế để giảm áp lực, giảm những tác hại của việc học trực tuyến, cha mẹ, nhà trường, thầy cô cần có sự quan tâm tinh tế, sự thấu hiểu.

Đây được xem là liều vaccine giúp các em vượt qua khủng hoảng, cân bằng cảm xúc, có niềm tin vào bản thân, có thái độ tích cực trong cuộc sống cũng như trong học tập. Cũng từ thực trạng này, khi chúng ta đã kiểm soát được dịch bệnh, dần thích ứng an toàn thì việc cho học sinh trở lại trường học là cần thiết, là niềm vui, đáp ứng sự mong mỏi của nhà trường, thầy cô, học sinh và phụ huynh. Tuy nhiên, cũng như từ học trực tiếp sang học trực tuyến, việc chuyển từ học trực tuyến sang học trực tiếp cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Cùng với nhiều tỉnh, thành khác, từ ngày 17.1.2022, học sinh lớp 9 và lớp 12 của tỉnh Tây Ninh đã trở lại trường học. Sớm muộn gì rồi học sinh các khối, lớp của các cấp học khác cũng sẽ trở lại trường.

Việc trở lại trường học lần này rất đặc biệt, không giống với trở lại trường sau kỳ nghỉ hè, nghỉ tết “tràn ngập niềm vui khi được gặp thầy, gặp bạn” mà thấp thỏm lo âu, sợ sệt bởi những “bóng ma dịch bệnh luôn lởn vởn, chực chờ” và những “sang chấn” tâm lý của việc học trực tuyến.

Có lẽ chỉ có học sinh khối lớp 9, 12 mong được trở lại trường vì sự thôi thúc của kỳ thi chuyển cấp, kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng. Còn phần đông học sinh các khối, lớp còn lại của các cấp học khác đều ngại đến trường do nghỉ dài, do học trực tuyến.

Từ giữa tháng 4.2021, tôi phải giữ hai đứa cháu ngoại đang học mầm non cho ba mẹ các cháu đi làm, cứ trông ngày trông đêm dịch bệnh kết thúc để các cháu đi học trở lại. Nhưng khi nghe nói đi học là đứa nào cũng giãy nãy lên và bảo con không đi học nữa đâu.

Thằng cháu nhà bên cạnh năm nay vào lớp 1, cũng xin mẹ cho con ở nhà luôn. Một thực trạng nảy sinh là học trực tuyến kéo dài, nhiều học sinh có tâm lý e ngại trở lại trường. Trò chuyện với cháu C.A.M đang học 11, Trường THPT T.N, cháu cho biết: “Học trực tuyến lâu ngày, con vẫn thấy ổn, ít bị kiểm tra việc làm bài tập, ít bị thầy, cô để mắt”.

Rất nhiều học sinh chia sẻ: Trước đây các bạn không thích học trực tuyến nhưng giờ thì khác. Học trực tuyến không phải dậy sớm, không mất công đi từ nhà đến trường, trang phục thoải mái, yêu cầu bài tập được giảm nhẹ, kiểm tra trực tuyến cũng nhẹ nhàng hơn, không phải thực hiện nội quy của trường, những quy định phòng, chống dịch, có nhiều thời gian sử dụng thiết bị công nghệ theo sở thích như xem phim, chơi game, lướt TikTok, Facebook…

Phải chăng ở nhà lâu ngày, học sinh đã hình thành nếp sống, tác phong mới? Bên cạnh đó, trong bối cảnh hiện nay, nhiều phụ huynh cũng chưa muốn cho con đi học trực tiếp, cũng tiếp thêm chỗ dựa cho tâm lý ngại trở lại trường của học sinh. Đó là trở ngại, là thách thức rất lớn cho nhà trường và thầy cô giáo đối với việc kiến tạo nên tâm lý yên tâm, niềm vui, niềm tin cho học sinh khi trở lại trường.

  Khi có kế hoạch cho học sinh trở lại trường, nhà trường cần thông báo rộng rãi cho học sinh và phụ huynh biết rõ thông tin để tạo sự đồng thuận. Phải có sự chuẩn bị kỹ về cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật như nước sát khuẩn, máy đo nhiệt độ, phòng cách ly, phòng y tế, cài đặt mã QR, phòng học thông thoáng, vệ sinh sạch sẽ.

Nếu có điều kiện nên làm mới khuôn viên của trường, làm đẹp, lạ phòng học để tạo ấn tượng tốt cho các em. Những ngày đầu tiên các em học trực tiếp không tránh khỏi bỡ ngỡ, rụt rè do thay đổi môi trường. Bộ GD&ĐT đã có Thông tư 31/2017/TT-BGDĐT hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông, nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, đa số các trường học chưa có được.

Nhiều trường đã thành lập Hội đồng tư vấn học đường bao gồm đại diện ban giám hiệu, tổng phụ trách Đội, bí thư chi đoàn, giáo viên chủ nhiệm… với nhiều hoạt động như tổ chức chuyên đề, ngoại khoá tâm lý về tuổi dậy thì, phòng, chống bạo lực học đường, toạ đàm về tác động tiêu cực của mạng xã hội… Nhưng nhìn chung, việc huy động nhân lực và tổ chức hoạt động gặp nhiều khó khăn cho nên mới dừng lại ở… tên gọi.

Trong điều kiện dịch bệnh hiện nay, vai trò của nhà trường và đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn cực kỳ quan trọng. Giáo viên chủ nhiệm cần có thái độ niềm nở, ân cần hướng dẫn học sinh xây dựng nội quy, chăm sóc tinh thần, điều hành chống dịch hiệu quả.

Giáo viên bộ môn cần quan tâm thấu hiểu, tinh tế quan sát sự hoà nhập, tiến bộ của học trò để ngợi khen, khích lệ, giảm bớt yêu cầu môn học, thay vào đó là chia sẻ nhiều hơn. Trong môi trường dịch bệnh đang diễn biến phức tạp thì nhà quản lý, thầy cô giáo chính là người kiến tạo cho học sinh tâm lý an toàn, xua tan lo ngại, chăm sóc và tạo ra “vitamin hạnh phúc”, thúc đẩy tinh thần vui vẻ đến lớp của các em.

Dù dịch bệnh còn diễn biến phức tạp nhưng ngành Giáo dục vẫn quyết tâm, cùng với các lực lượng chống dịch sớm đưa học sinh trở lại trường với những quyết sách mạnh mẽ hơn. Nhưng khi học sinh trở lại trường, toàn ngành Giáo dục đặt trọng tâm là quan tâm làm tốt công tác tư vấn tâm lý để học sinh làm quen với môi trường học trực tiếp để thực sự “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, trên cơ sở đó rà soát, củng cố kiến thức, kỹ năng đã có tạo nền tảng vững chắc cho các năm học sau.

D.M

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục