Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Bài dự thi cuộc thi viết “Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” tỉnh Tây Ninh năm 2018:
Cần “lành mạnh” hoá karaoke di động
Thứ bảy: 12:55 ngày 08/09/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nhiều người thuê dàn karaoke di động phục vụ các cuộc nhậu, đám, tiệc... ca hát không kể giờ giấc, ngày đêm, gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người dân.

Khoảng 5 năm trở lại đây, Tây Ninh xuất hiện và phát triển rất nhanh loại hình văn nghệ được gọi nôm na là “karaoke di động”. Về bản chất, đây là loại hình giải trí lành mạnh, góp phần đáp ứng nhu cầu thiết thực của một bộ phận người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Từ khi có loại hình giải trí này, hầu như đám, tiệc gì cũng có dàn âm thanh “nhạc sống” hoặc dàn karaoke di động phục vụ. Nhiều cuộc nhậu tại gia cũng thuê dàn karaoke di động giúp vui.

Tuy nhiên, người dân lẫn người kinh doanh dàn âm thanh, dàn karaoke di động chưa tự giác trong việc chấp hành lối sống văn hoá ở khu dân cư. Nhiều người mở âm thanh quá lớn, hoạt động ầm ĩ trong giờ nghỉ ngơi đã “tra tấn” cộng đồng dân cư xung quanh, gây bức xúc. Ðáng nói hơn, trong quá trình ca hát đã nảy sinh nhiều trường hợp mâu thuẫn, xô xát và thậm chí có người phải vướng vòng lao lý.

Theo một cán bộ Sở VH,TT&DL, hiện nay, hầu hết các địa phương chưa rà soát, chưa có thống kê chính xác số người kinh doanh dịch vụ dàn âm thanh di động, karaoke di động. Đồng thời, hầu hết những người kinh doanh loại hình dịch vụ này cũng chưa đăng ký kinh doanh nên rất khó kiểm soát, quản lý.

Hiện Sở đang tham mưu UBND tỉnh tiếp tục ban hành một số văn bản chỉ đạo để quản lý tốt hơn hoạt động của các dàn âm thanh di động, karaoke di động trong thời gian tới.

Bạo lực phát sinh

Theo Công an huyện Châu Thành, chỉ riêng trên địa bàn huyện hiện đã có gần 150 người kinh doanh dịch vụ dàn karaoke di động. Thời gian qua, từ quá trình ca hát ở các đám, tiệc, cuộc nhậu có thuê dàn karaoke di động đã nảy sinh nhiều vụ gây mất an ninh trật tự.

Cụ thể như, khoảng 19 giờ ngày 13.4.2018, bà Nguyễn Thị Cẩm Nhung (sinh năm 1956, ngụ ấp Xóm Mới, xã Trí Bình) đến Công an xã Trí Bình trình báo sự việc con trai bà là anh Trà Minh Vương (sinh năm 1979) bị Cao Văn Cu (sinh năm 1984, cùng ngụ xã Trí Bình) đánh gây thương tích.

Dàn karaoke di động phục vụ một tiệc vui tại gia.

Công an xã Trí Bình đã cử lực lượng xuống hiện trường giải quyết vụ việc. Ði đến quán nước của bà Nữ (ấp Tầm Long), Công an xã thấy Cu đang cầm liềm hăm doạ đòi chém một số người trong quán. Lực lượng Công an yêu cầu Cu bỏ liềm xuống, về Công an xã làm việc.

Tuy nhiên, y không những không chấp hành mà còn cầm liềm đuổi chém công an, buộc các anh này phải chạy tránh và gọi điện báo Công an huyện Châu Thành. Sau đó, Cu bỏ trốn, đến ngày 8.5 thì đến Công an huyện đầu thú. Hành vi của Cu đã phạm vào tội “Chống người thi hành công vụ”, tội phạm và hình phạt được quy định tại Khoản 1 Ðiều 330 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Trước đó, Cu và anh Minh Vương cùng ngồi uống rượu với một số người tại nhà một người quen. Chủ nhà có thuê dàn karaoke di động đến giúp vui. Trong lúc hát karaoke, giữa Cu và anh Minh Vương phát sinh mâu thuẫn gây ẩu đả, sau đó dẫn đến hành vi chống người thi hành công vụ. 

Một vụ khác cũng xảy ra trên địa bàn huyện Châu Thành. Khoảng 12 giờ ngày 23.5.2018, anh Dương Văn Tâm (sinh năm 1984, ngụ ấp Trường, xã Hảo Ðước) cùng một số người khác tổ chức uống rượu tại nhà ông Ðỗ Văn Quanh (sinh năm 1977, ngụ ấp An Ðiền, xã An Bình). Cuộc rượu này cũng được giúp vui bằng dàn karaoke di động.

Ðến khoảng 15 giờ cùng ngày, anh Tâm và anh Phạm Minh Ðủ (tự Tế, sinh năm 1987) phát sinh mâu thuẫn vì giành hát karaoke. Mọi người can ngăn hai anh này và dừng cuộc vui. Tuy nhiên, khi anh Tâm ra đến sân nhà ông Quanh thì bị anh Ðủ lấy khúc củi tre đánh. Lúc này, anh Nguyễn Hoàng Tùng (sinh năm 1990) và anh Ngô Văn Hoà (sinh năm 1984) cũng lao vào “đánh hội đồng” anh Tâm. Ðủ, Tùng, Hoà còn đánh một số người đến can ngăn ẩu đả.

Sau đó, anh Tâm đi bộ ra về, vừa đi vừa chửi và anh Phạm Văn Cầm (sinh năm 1988) nghe thấy. Tức khí, anh Cầm ra sau nhà ông Quanh lấy cây kéo đâm 2 nhát vào người anh Tâm (1 nhát trúng vùng hạ vị bên phải, 1 nhát trúng vùng bụng) thì được một số người chạy đến can ngăn.

Sau khi bị hành hung, Tâm bị 4 vết thương, phải điều trị đến ngày 29.5.2018 mới xuất viện. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây ra cho anh Tâm là 12%. Tuy nhiên, anh Tâm đã rút yêu cầu khởi tố hình sự đối với những người đã gây thương tích cho anh nên họ chỉ bị xử phạt hành chính.

Khó quản lý

Trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV, cử tri Tây Ninh phản ánh, karaoke di động được nhiều người ưa chuộng và đang trở thành trào lưu văn nghệ quần chúng phổ biến mọi lúc, mọi nơi trong tỉnh. Tuy nhiên, hình thức giải trí này đang gây phiền hà, thậm chí gây bức xúc đối với cộng đồng vì ô nhiễm tiếng ồn.

Nhiều người thuê dàn karaoke di động phục vụ các cuộc nhậu, đám, tiệc... ca hát không kể giờ giấc, ngày đêm, gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người dân. Cử tri đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo ngành chức năng và chính quyền các địa phương quan tâm tuyên truyền, hướng dẫn để người dân nâng cao ý thức sinh hoạt cộng đồng, không gây ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của người khác. Ðồng thời, cũng cần phải có quy định chế tài xử lý nghiêm những người cố tình không thực hiện nếp sống văn hoá ở cộng đồng dân cư.

Vấn đề này được UBND tỉnh trả lời như sau: từ năm 2017, qua thực tiễn hoạt động của loại hình giải trí nói trên, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2203/KH-UBND ngày 21.8.2017, triển khai thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 9.5.2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo.

Trong đó, UBND tỉnh phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành địa phương. Riêng Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm tăng cường tổ chức các hoạt động văn hoá văn nghệ lồng ghép nội dung tuyên truyền sự ảnh hưởng tiêu cực của các loại hình âm thanh lưu động, nhất là loại hình karaoke di động đến đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân. 

Ngành Văn hoá cũng đã ban hành Văn bản số 1062/SVHTTDL-QLVH ngày 27.7.2017 về việc tăng cường công tác quản lý đối với loại hình dịch vụ âm thanh di động trên địa bàn tỉnh, đề nghị UBND các huyện, thành phố tăng cường hướng dẫn các tổ chức cá nhân cho thuê âm thanh di động đăng ký kinh doanh (quy định tại khoản 2, Ðiều 3, Nghị định số 103/2009-CP).

Ðồng thời, ngành Văn hoá cũng đề nghị chỉ đạo, nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, đoàn thể, Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” địa phương, đặc biệt là vai trò của Phòng Văn hoá và Thông tin cấp huyện, ƯBND cấp xã trong việc phối hợp quản lý loại hình hoạt động này...

Qua đó, thời gian gần đây, hoạt động của các dàn âm thanh, dàn karaoke di động có phần đi vào nề nếp hơn. Tuy nhiên, các hoạt động này vẫn còn gây ảnh hưởng không tốt đến sinh hoạt hằng ngày của nhân dân.

Sẽ chấn chỉnh

Trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục đề ra các giải pháp tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao hơn nữa ý thức của các cá nhân, tập thể cho thuê và tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí có sử dụng dàn âm thanh, dàn karaoke di động sao cho vừa làm phong phú thêm đời sống tinh thần, vừa không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày của người dân, và kiên quyết xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Về chế tài đối với loại hình hoạt động karaoke di động, hiện chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện cụ thể. Tuy nhiên, trong thời gian qua, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã hướng dẫn các phòng chức năng thuộc Sở, Phòng Văn hoá - Thông tin các huyện, thành phố phối hợp các ngành liên quan và địa phương căn cứ Nghị định số 155/2016/NÐ-CP ngày 18.11.2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường để kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về độ ồn vượt mức quy định; căn cứ Nghị định số 167/2013/NÐ-CP ngày 12.11.2013 của Chính phủ (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự an toàn xã hội, phòng - chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy, phòng - chống bạo lực gia đình) để kiểm tra xử lý vi phạm hành chính đối với loại hình hoạt động karaoke di động gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của nhân dân.

Tuy nhiên, việc xử lý hoạt động này gặp nhiều khó khăn, nhất là khi đội kiểm tra liên ngành văn hoá - xã hội các cấp chưa được trang cấp thiết bị đo âm thanh, chưa được tập huấn kỹ thuật sử dụng thiết bị đo...

Qua học tập kinh nghiệm của một số tỉnh, sắp tới, UBND tỉnh giao Sở VH,TT&DL tích cực phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo về quản lý hoạt động loại hình âm thanh di động; tham mưu UBND tỉnh ban hành quy chế về quản lý hoạt động loại hình karaoke di động có sử dụng âm thanh công suất lớn.

Trên cơ sở đó, các ngành tham mưu UBND tỉnh củng cố, kiện toàn đội kiểm tra liên ngành Văn hoá - Xã hội các cấp, có bổ sung cán bộ ngành Tài nguyên - Môi trường, bổ sung tramg thiết bị cần thiết để kiểm tra, xử lý dàn âm thanh di động, karaoke di động vi phạm quy định.

Trước đó, tại kỳ họp thứ tư HÐND tỉnh khoá IX, đại biểu cũng đưa ra nội dung chất vấn liên quan đến tác động tiêu cực của karaoke di động. Lãnh đạo Sở VH,TT&DL trả lời cho biết, đây là loại hình hoạt động văn nghệ quần chúng, không bắt buộc phải có giấy phép và không thực hiện thông báo biểu diễn. Cơ quan Nhà nước chủ yếu quản lý thông qua các hoạt động tuyên truyền, hậu kiểm, xử lý nếu có vi phạm.

Thời gian qua, Sở VH,TT&DL đã triển khai các quy định về âm thanh đến UBND cấp xã, huyện, các đội kiểm tra liên ngành, các chủ phương tiện cho thuê âm thanh. Tuy nhiên, đến nay, hoạt động của loại hình dàn âm thanh di động, karaoke di động vẫn còn nhiều mặt tiêu cực. Căn cứ theo quy định hiện hành, việc xử lý vi phạm vượt mức độ ồn thuộc trách nhiệm chủ yếu của ngành Tài nguyên - Môi trường.

BẢO TÂM

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục