BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cần lập lại trật tự đánh bắt thuỷ sản trong hồ Dầu Tiếng

Cập nhật ngày: 20/04/2009 - 11:53

Đánh bắt bằng ghe

Từ nhiều năm nay, hồ Dầu Tiếng là nơi hội tụ của nhiều người hành nghề khai thác thuỷ sản, khắp nơi trong nước về đây sinh sống, làm ăn. Không chỉ những ngư dân trên biển thuộc các tỉnh duyên hải miền Trung, sông nước miền Tây, đồng bằng sông Hồng, hồ thuỷ lợi Thác Bà, ở phá Tam Giang… còn có hàng chục hộ gia đình là Việt kiều từng dọc ngang trên Biển Hồ (Campuchia) cũng trở về đây kiếm sống. Họ sống đời dân vạn chài lênh đênh trên mặt nước.

NƠI HỘI TỤ DÂN HẠ BẠC THA PHƯƠNG

Ông Phan Tấn Sướng, một ngư dân ở miền Tây, nghe nói hồ Dầu Tiếng nhiều cá tôm dễ đánh bắt, năm 1986 ông đưa cả gia đình lên cư ngụ trong hồ hành nghề kiếm sống. Ông Sướng đã qua đời, hiện 4 người con ông đều lấy việc đánh bắt thuỷ sản làm nghề chính, ông Sướng còn để lại hai việc đánh bắt rất được nhiều người “mê” đó là dùng “dớn đăng”, và bắt cá chạch bằng cào sắt. Vì có biệt tài đánh bắt cá chạch, nên mọi người đặt cho ông biệt danh “Tư cá chạch”. Anh Thành, gia đình ở Phước Bình 2, gần bờ hồ, bỏ nhà đi biệt tăm gần 20 năm, nay dẫn về cô vợ người Khmer và hai đứa con. Thành cho biết: “Những năm qua tôi sống bằng nghề đánh bắt thuỷ sản ở Biển Hồ, nay bên đó làm căng quá đành dẫn vợ về quê, đánh bắt cá hồ Dầu Tiếng”. Hiện nay, chỉ riêng ở xã Suối Đá và thị trấn DMC có hàng trăm hộ hành nghề đánh bắt thuỷ sản trên hồ Dầu Tiếng. Mọi người tự do đánh bắt, không phải đăng ký, không có tổ chức nào quản lý, không phải nộp phí, thuế gì cả, chỉ được khuyến cáo là không dùng phương tiện đánh bắt mang tính huỷ diệt, nếu vi phạm sẽ bị phạt tiền và bị tịch thu phương tiện.

Người tham gia đánh bắt đông, nhiều thành phần, nhiều loại phương tiện, trong khi địa bàn rộng, phạm vi ranh giới giữa các địa phương không rõ ràng, lực lượng bảo vệ quá ít… nên tình hình trật tự trong hồ rất phức tạp. Ngư dân tranh giành, cát cứ, đánh lộn, phá hoại tài sản của nhau và nạn trộm cắp phương tiện, ngư cụ diễn ra thường xuyên. Anh N.V.T ở đảo Nhím bỏ tiền ra “mua” khu vực gần Hốc Cò, khi nước rút một số người đem dớn đến đăng phía ngoài, nhóm người này còn dùng khí đá (đất đèn) đặt ở phía trong để cá tép nghe mùi chạy vào dớn. Anh T buồn tình bỏ ngang không “mua” mặt nước nữa, nhưng không biết ai đã “trả thù” giùm anh T bằng việc xé rách te tua toàn bộ dàn dớn đăng. Anh Phan Thành Nhân, sinh 1975 (con ruột ông Phan Tấn Sướng) sau khi cha qua đời, hai vợ chồng ở “căn nhà”của cha mẹ để lại trong hồ, tiếp tục hành nghề gia truyền. Tích cóp nhiều năm, anh Nhân vay mượn thêm mới mua được chiếc vỏ lãi composite với giá 6 triệu đồng, máy đẩy 3,5 triệu đồng và dàn lưới bén khổ lớn hết 5 triệu đồng để đi đánh bắt xa bờ. Vì ở gần bờ ít cá và phần lớn đìa, hầm cạp, trảng đều đã có chủ, người khác không thể đánh bắt. Toàn bộ ghe máy, lưới mới mua chưa được bao lâu thì vào lúc 10 giờ đêm, ngày 29.3.2009 tài sản của anh Nhân để ở bến Suối Cùng bị kẻ gian lấy mất, mang đi biệt tăm. Cũng trong đêm 29.3.2009, tại bến ngã ba Bờ hồ có 2 chiếc ghe bị kẻ gian lấy mất. Anh Lê Văn Toản, một ngư dân cho biết: “Vì tài sản của Nhân có giá trị, nên mới báo Công an huyện vào cuộc điều tra, tìm kiếm, còn những vụ mất ghe đóng bằng cây, hay mất lưới có giá trị ít hơn thì hầu như ngày nào cũng xảy ra mất trộm, nhưng ít ai báo”. Người ta cho rằng, các vụ trộm, cắp ghe, máy, ngư cụ, hay phá hoại ngư cụ không ai khác, do chính những người đánh bắt thuỷ sản trong hồ gây ra.

VIỆC XỬ LÝ VI PHẠM CÒN NHIỀU KHUẤT TẤT

Anh Nguyễn Công Minh, SN 1954, cùng vợ là Phạm Thị Ngọc, SN 1963, gắn bó với nghề đánh bắt thuỷ sản trên hồ gần 20 năm. Không đủ tiền mua đất cất nhà ngoài lòng hồ, họ đành sang nhượng miếng đất bán ngập, cất nhà ở trong lòng hồ. Nay người con lớn có vợ cũng cất nhà ở gần cha mẹ làm nghề đánh bắt thuỷ sản. Thấy mấy người làm lưới cào có ăn, vợ chồng anh Minh bàn nhau vay mượn 6 triệu đồng sắm dàn lưới cào, đang hành nghề thì bị bắt quả tang, bị phạt 500.000 đồng và bị tịch thu phương tiện đánh bắt có tính huỷ diệt này. Chị Ngọc rầu rĩ cho biết: “Vợ chồng tui bị người ta phá, báo công an mới bị bắt, chứ mấy người khác họ cũng làm công khai hà rầm có ai bị bắt đâu”. Một ngư dân khác tỏ ra bức xúc: “Đó họ xài máy chích” công khai suốt ngày, có ai bị bắt đâu, nhưng nếu có người lạ chỉ cần đưa máy chích xuống hồ chừng năm mười phút là có người đến bắt liền” (!?). Vụ việc Công an xã Suối Đá bắt phạt những người thuốc cá bằng thuốc độc, nhưng lại đứng ra “làm chứng” cho nhóm thuốc cá này “phải” mua lại khu vực mặt nước (Báo Tây Ninh đã đăng hồi đầu tháng 4), cho thấy cách xử lý không theo nguyên tắc nào. Nhóm người dùng thuốc độc đánh cá bị phạt là đúng, thậm chí nếu đủ yếu tố có thể truy tố trước pháp luật; bị cấm hành nghề đánh bắt thuỷ sản… Đằng này lại phải “mua” lại khu vực mặt nước? Thật hết sức khó hiểu.

Thực tế người tham gia đánh bắt trên hồ Dầu Tiếng như nghề nghiệp chính hiện nay đã lên đến con số ngàn. Số ghe máy, phương tiện đánh bắt cũng hàng trăm. Với hàng chục bến bãi nằm rải ở địa bàn 12 xã thuộc 6 huyện, 3 tỉnh, nhưng lực lượng bảo vệ chỉ chưa tới hai chục người. Về phía chính quyền và công an các địa phương ven hồ chỉ quản lý về mặt hành chính (đơn thuần) chứ không có thực quyền đối với diện tích trong hồ. Trong khi số người sống và hành nghề trên hồ không định cư hay hành nghề ổn định ở một vị trí nhất định, rất khó quản lý; khi họ vi phạm khó sử dụng biện pháp chế tài.

Để quản lý những người đánh bắt thuỷ sản trên hồ, thiết nghĩ chính quyền và ngành chức năng nên đứng ra tổ chức lại thành các tổ liên kết, tổ lưới bén, tổ đặt lợp, tổ câu… để khi hội đủ yếu tố sẽ tiến đến thành lập Hợp tác xã đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản trên hồ Dầu Tiếng. Ngoài việc quản lý của Nhà nước, rất cần sự tham gia công tác chặt chẽ của chính những người dân đang sinh sống trên hồ. Khi người dân ý thức được việc đánh bắt theo kế hoạch hợp lý và hồ nước chính là tài sản của họ, nuôi sống họ, thì tin chắc là họ sẽ có ý thức bảo vệ. Nhiều người được hỏi ý kiến, đều trả lời rất tán thành việc thành lập các tổ, hoặc các HTX đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản trên hồ Dầu Tiếng.

NGUYỄN TRẦN VĂN