BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xử lý ô nhiễm rác thải sinh hoạt, mùi hôi ở khu dân cư:

Cần lộ trình, kế hoạch lâu dài 

Cập nhật ngày: 12/07/2024 - 11:15

BTNO - Thời gian qua, tình trạng vứt rác bừa bãi; rác thải sinh hoạt tồn đọng trên địa bàn dân cư... là vấn đề nan giải mà ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh đang tìm kiếm giải pháp để tham mưu giải quyết dứt điểm.

Công nhân thu gom rác thải tại các khu dân cư đô thị. Ảnh minh hoạ

6 tháng đầu năm 2024, Sở TN&MT chủ trì, phối hợp Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với 6 khu công nghiệp, khu chế xuất; 60 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Qua kiểm tra phát hiện, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với 17 cơ sở với tổng số tiền 6,2 tỷ đồng; rút giấy phép môi trường đối với 1 cơ sở, lỗi vi phạm chủ yếu là xả nước thải xử lý chưa đạt tiêu chuẩn quy định ra môi trường.

Sở TN&MT yêu cầu các cơ sở nhanh chóng thực hiện biện pháp khắc phục, cải tạo các công trình xử lý chất thải, tuyệt đối không xả nước thải chưa xử lý đạt quy chuẩn ra môi trường, lắp đặt hệ thống quan trắc tự động (thuộc đối tượng xả thải từ 500 m3/ngày.đêm trở lên) để truyền dữ liệu về Sở và Trung tâm Giám sát điều hành tập trung tỉnh Tây Ninh để theo dõi, giám sát, chậm nhất là ngày 31.12.2024; sau thời gian nêu trên, doanh nghiệp nào không thực hiện sẽ xử lý theo quy định.

Rác thải vứt bừa bãi một phần do ý thức người dân

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), tỷ lệ người dân thực hiện phân loại rác tại nguồn theo quy định trên địa bàn tỉnh hiện rất thấp, hầu như chưa có gì; có địa phương chỉ đạt 50%-60% hộ dân đăng ký thu gom rác thải sinh hoạt, đặc biệt là ở các vùng ven đô thị, nông thôn; tình trạng vứt rác bừa bãi dọc theo các tuyến đường gây mất mỹ quan đường phố, ảnh hưởng vệ sinh môi trường đã giảm mạnh nhưng vẫn còn xảy ra.

Chính quyền xã, phường, thị trấn chưa quyết liệt trong việc tuyên truyền, giám sát, kiểm tra cũng như chế tài xử lý đối với các trường hợp vi phạm, do đó, các hộ gia đình chưa hoàn toàn chủ động trong việc phân loại, đăng ký thu gom rác.

UBND cấp huyện chưa bố trí được các điểm tập kết, trung chuyển rác sinh hoạt, nhất là tại khu vực đô thị (thành phố, thị xã, thị trấn) bảo đảm vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị theo Điều 76 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Hạ tầng cơ sở từ thu gom, vận chuyển, tái chế, tái sử dụng, xử lý rác thải... cần được thực hiện đồng bộ, có lộ trình định hướng cụ thể cho từng giai đoạn; trong khi đó, hiện nay cơ sở hạ tầng của các địa phương chưa được đầu tư đồng bộ và đúng mức.

Tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định “Quy định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Tây Ninh” thay thế Quyết định số 16/QĐ-UBND ngày 14.5.2020 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.

Triển khai thực hiện các đề tài: điều tra, đánh giá khả năng phát thải và thành phần trong chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, đề xuất quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2026 – 2030; đề tài số hoá và đổi mới sáng tạo hệ thống phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn; truyền thông phổ biến kiến thức, tuyên truyền và triển khai mô hình điểm phân loại rác tại nguồn cho các đơn vị cấp huyện, xã, các tổ chức chính trị - xã hội, các khu dân cư, tổ tự quản.

Khu vực xây dựng Nhà máy xử lý rác tại xã Long Phước, huyện Bến Cầu.

UBND tỉnh ban hành Danh mục dự án thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2024 tại Quyết định số 857/QĐ-UBND ngày 26.4.2024. Trong đó, tập trung kêu gọi đầu tư nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt theo quy hoạch tại Quyết định số 1736/QĐ-TTg ngày 29.12.2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trong việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn theo Công văn số 3895/UBND-KT ngày 29.11.2023.

Vẫn khó khăn trong xử lý ô nhiễm tiếng ồn

Tình trạng gây ô nhiễm tiếng ồn trong khu dân cư phát sinh chủ yếu từ các hoạt động: các cơ sở thu mua, phân loại phế liệu; garage sửa chữa ô tô, xe tải, xe máy các loại; các điểm hàn, tiện cửa sắt, nhôm các loại; xây dựng, giao thông; hát karaoke... mang tính thời điểm, tức thời, không liên tục nên cơ quan chức năng khó kiểm tra, xử lý, chủ yếu vận động nhắc nhở.

Căn cứ điểm a Khoản 1 và điểm b Khoản 2 Điều 49 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, các hoạt động trên thuộc thẩm quyền cấp giấy xác nhận đăng ký môi trường và quản lý của UBND huyện, thị xã, thành phố và cấp xã, phường, thị trấn. Do đó, Sở TN&MT đề nghị các cấp chính quyền địa phương, UBMTTQ, tổ chức chính tr ị- xã hội tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thực hiện đầy đủ các nội dung bảo vệ môi trường trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã được pháp luật quy định, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.

Sở TN&MT cũng đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, có lộ trình di dời các cơ sở hoạt động sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư nếu không có khả năng khắc phục.

Xe chuyên dụng gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn thị xã Hòa Thành.

Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh phân vùng khu vực tập trung xử lý rác thải sinh hoạt, đáp ứng nhu cầu thực tế hiện nay.

Theo đó, các huyện Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành, Dương Minh Châu và thành phố Tây Ninh hợp đồng xử lý với Công ty cổ phần Công nghệ môi trường Tây Ninh (xã Tân Hưng, huyện Tân Châu). Các huyện, thị xã: Trảng Bàng, Gò Dầu, Bến Cầu, Hoà Thành hợp đồng xử lý với Công ty TNHH MTV Môi trường xanh Huê Phương Việt Nam, xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu. Nhờ đó, tình trạng rác thải tồn đọng hằng ngày tại Nhà máy xử lý rác thải Tây Ninh thuộc Công ty cổ phần Công nghệ môi trường Tây Ninh đã được xử lý dứt điểm.

Nâng cao trách nhiệm chính quyền cơ sở về quản lý nước thải sản xuất, kinh doanh

Về mùi hôi, nước thải phát sinh gây khó chịu trong khu dân cư chủ yếu là từ các cống rãnh, hệ thống thu gom, thoát nước ở khu dân cư, đô thị do tiếp nhận nước thải, thức ăn thừa của các khách sạn, nhà hàng, cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, hộ chăn nuôi quy mô hộ gia đình...

Sở TN&MT đã phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, thống kê các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát sinh nước thải với lưu lượng từ 1m3/ngày.đêm đến dưới 50 m3/ngày.đêm, hướng dẫn thực hiện đầy đủ các thủ tục bảo vệ môi trường theo quy định (phải có các công trình xử lý môi trường trước khi thải ra hệ thống thoát nước khu vực), tiến hành thu phí bảo vệ môi trường đối với các cơ sở này theo quy định.

Sở TN&MT đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục rà soát kiểm tra, giám sát công tác triển khai thực hiện đầu tư các công trình xử lý môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát sinh nước thải với lưu lượng từ 1m3/ngày.đêm đến dưới 50 m3/ngày.đêm, trong đó yêu cầu các cơ sở chưa có hệ thống xử lý phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải phù hợp trước khi xả ra môi trường, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung, yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở theo quy định của pháp luật.

Căn cứ Quyết định số 20/2024/QĐ-UBND ngày 13.6.2024 của UBND tỉnh về việc ban hành danh mục các khu dân cư thuộc khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, đề nghị UBND cấp huyện rà soát lập danh mục, xây dựng lộ trình di dời các hộ chăn nuôi ra khỏi các khu vực dân cư theo quy định; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư trên địa bàn thành phố Tây Ninh, thị xã Hoà Thành, thị xã Trảng Bàng và các huyện Châu Thành, Gò Dầu, Bến Cầu.

Thế Nhân