Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Quản lý kinh doanh vàng trên địa bàn tỉnh:
Cần lộ trình và tăng trách nhiệm của doanh nghiệp, của cơ quan quản lý nhà nước
Thứ tư: 14:48 ngày 22/05/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Các doanh nghiệp kinh doanh vàng bày tỏ mong muốn tuân thủ pháp luật với các quy định rõ ràng và có lộ trình để doanh nghiệp thực hiện.

Tại hội nghị tiếp xúc cử tri các sở, ngành và doanh nghiệp trước kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV, ông Huỳnh Huy Cường- Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết, thời gian qua, theo chủ trương của Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước (QLNN) siết chặt công tác quản lý đối với doanh nghiệp kinh doanh vàng, từ đó bộc lộ một số khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp cũng như các cơ quan quản lý.

Giao dịch mua bán vàng tại tiệm vàng Phương Thảo (Ảnh: Tâm Giang)

Ngày 25.4 vừa qua, Hiệp hội Doanh nghiệp tổ chức đối thoại giữa các doanh nghiệp kinh doanh vàng và các cơ quan quản lý liên quan, ghi nhận và tổng hợp các ý kiến. Theo các doanh nghiệp kinh doanh vàng, khó khăn lớn nhất hiện nay là chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hoá.

Ông Huỳnh Huy Cường nêu: “Phần lớn doanh nghiệp kinh doanh vàng trên địa bàn tỉnh là doanh nghiệp tư nhân, chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể (cửa hàng vàng bạc) sang doanh nghiệp theo yêu cầu của QLNN. Do đó, tài sản, hàng hoá, vốn kinh doanh còn chưa rõ ràng. Ví dụ như số vàng của gia đình (có khi là từ nhiều đời để lại) được đưa vào kinh doanh mà không ghi trong vốn khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, không kê khai. Bên cạnh đó, việc mua vàng lẻ của người dân không được doanh nghiệp lấy thông tin và kê khai, bản thân người bán cũng ngại cung cấp thông tin. Vàng mua từ nhiều người dân được doanh nghiệp nấu chung, phân kim thành một khối chung, lúc bấy giờ không thể xác định rõ nguồn gốc”.

Qua theo dõi, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phản ánh thực trạng hiện nay có nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng vẫn hoạt động theo thói quen của hộ kinh doanh, chưa thực hiện đúng chuẩn mực kế toán dẫn đến tình trạng chênh lệch giữa sổ sách và thực tế; gây khó khăn cho công tác kiểm tra và quản lý của cơ quan nhà nước. Mặt khác, công tác tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật của cơ quan chức năng có mặt còn hạn chế, khiến doanh nghiệp chủ quan, lơ là trong thực hiện các quy định.

Các doanh nghiệp kinh doanh vàng bày tỏ mong muốn tuân thủ pháp luật với các quy định rõ ràng và có lộ trình để doanh nghiệp thực hiện; được các cơ quan QLNN phổ biến rộng rãi các quy định liên quan về quản lý, kinh doanh vàng, đặc biệt là các hành vi vi phạm và chế tài xử lý, công bố lộ trình quản lý, siết chặt quản lý, thông báo kế hoạch thanh tra, kiểm tra… trong trường hợp kiểm tra đột xuất cần bảo đảm minh bạch, đúng quy định.

“Hiệp hội Doanh nghiệp, đại diện cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng đề xuất cho phép lộ trình doanh nghiệp tự kê khai lại hàng hoá tồn kho, theo một thời điểm mà Nhà nước quy định. Bảng kê khai này được coi là căn cứ xác định nguồn gốc số vàng hiện có. Sau thời điểm đó, mọi hàng hoá nhập vào, xuất ra, doanh nghiệp sẽ phải thực hiện đúng/đủ các quy định về quản lý liên quan”- Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Huỳnh Huy Cường nêu kiến nghị tới các đại biểu Quốc hội.

Đối với vấn đề nhãn hàng hoá, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết, hiện nay người dân có nhu cầu về trang sức vàng có hình dạng logo của các nhãn danh tiếng thế giới, vì vậy đề nghị cơ quan Nhà nước công bố danh mục nhãn hiệu được bảo hộ để doanh nghiệp không vi phạm.

Để làm rõ hơn về công tác QLNN của ngành Thuế về hoạt động kinh doanh vàng trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Tấn Lợi- Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết, vàng là mặt hàng đặc biệt, ảnh hưởng đến vấn đề kinh tế vĩ mô và thị trường. Kinh doanh vàng là lĩnh vực đang được điều chỉnh trong QLNN, rất cần cộng đồng trách nhiệm giữa Nhà nước và doanh nghiệp. Trong 2 năm gần đây, qua điều chỉnh công tác quản lý, các doanh nghiệp kinh doanh vàng trên địa bàn tỉnh đã chấp hành chế độ mở sổ sách kế toán, định kỳ có kê khai nộp thuế theo quy định Luật Thuế.

Để tăng cường công tác quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết, ngành đang triển khai hoá đơn điện tử để quản lý đầu ra (doanh thu) khởi tạo từ máy tính tiền để đối chiếu, siết chặt quản lý vàng theo đúng quy định pháp luật.

Về quản lý nguồn gốc vàng, hiện đang có hai nguồn chính là vàng miếng từ các công ty được quyền xuất nhập khẩu, chế tác vàng theo quy định pháp luật và nguồn vàng trong dân; nguồn thứ ba là vàng nhập lậu. Vấn đề quản lý như thế nào để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường, Chính phủ sẽ trình Quốc hội có sự điều chỉnh thể chế hoá các quy định pháp luật.

Phương Thuý

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục