BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cần mạnh tay xử lý tàu “lậu”, khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng 

Cập nhật ngày: 22/07/2022 - 14:30

BTNO - Từ năm 2018, các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước thành lập tổ công tác liên ngành kiểm đếm tàu khai thác cát của các doanh nghiệp, nhằm chấn chỉnh hoạt động này trong hồ Dầu Tiếng, được dư luận hoan nghênh.

Số tàu khai thác cát “ lậu” không nằm trong danh sách đăng ký của doanh nghiệp với cơ quan chức năng tại hồ Dầu Tiếng bị lực lượng chức năng tỉnh phát hiện, xử lý tịch thu thời gian qua.

Do Tây Ninh có nhiều doanh nghiệp khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng, nên công tác quản lý được quan tâm thực hiện chặt chẽ. Qua các đợt kiểm tra, các tỉnh, sở, ban, ngành, các địa phương phối hợp với Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Phước Hoà – Dầu Tiếng phát hiện và trục xuất ra khỏi hồ Dầu Tiếng nhiều tàu không nằm trong danh sách đăng ký khai thác của các doanh nghiệp. Kết quả kiểm tra của ngành TN&MT mới đây ghi nhận, Tây Ninh không có tàu “lậu”, hầu hết đều nằm trong danh sách đã được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền.

Vấn đề đặt ra là, tại sao tổ liên ngành của các tỉnh nhiều lần kiểm tra, kiểm đếm, vẫn còn một số tàu không đăng ký, khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng? Trong đợt kiểm tra gần nhất, tổ liên ngành của các tỉnh và Công ty Dầu Tiếng – Phước Hoà phát hiện hơn 10 tàu “lậu” không có tên trong danh sách đăng ký của bất kỳ địa phương nào (!?).

Ông Trần Quang Hùng, Giám đốc Công ty Dầu Tiếng – Phước Hoà cho biết, đối với công tác quản lý hồ Dầu Tiếng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quy chế phối hợp với các tỉnh liên quan. Công ty cũng có quy chế phối hợp với chính quyền cấp huyện của các tỉnh liên quan để bảo đảm công tác quản lý hồ Dầu Tiếng chặt chẽ hơn, phục vụ cho mục đích phát triển đa mục tiêu của hồ, trong đó có hoạt động khai thác cát.

Lý giải về việc vẫn còn hơn 10 tàu “lậu” trong hồ Dầu Tiếng, ông Trần Quang Hùng cho rằng, lực lượng bảo vệ chuyên trách của hồ còn mỏng, chú trọng bảo vệ các mục tiêu quan trọng như các trạm bơm, đập xả lũ... nên không thể quản lý hết các hoạt động trong hồ. Hơn nữa, Công ty cũng không có chức năng xử lý các tàu “lậu”- nhất là việc trục xuất ra khỏi hồ, xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo nhận định của ông Trần Quang Hùng, có thể số tàu trên “né” được các tổ kiểm tra liên ngành nên còn còn sót lại sau các đợt kiểm đếm. Cũng có khả năng, số tàu “lậu” này được đưa vào hồ tại các cửa khẩu hồ nằm trên địa phận một huyện của tỉnh liên quan, chứ phải ở Tây Ninh vì tỉnh không có cửa khẩu hồ.

Ông Trần Quang Hùng kiến nghị, để không còn tình trạng tàu “lậu” xuất hiện trong hồ Dầu Tiếng, các địa phương cần tăng cường hơn nữa việc thực hiện quy chế phối hợp đã ký, cũng như có giải pháp mạnh tay xử lý các tàu “lậu” khai thác cát trong hồ.

Công an huyện Tân Châu đang điều tra, làm rõ để xử lý theo quy định pháp luật một tàu khai thác cát thuộc doanh nghiệp tư nhân C.G khai thác không đúng theo quy định.

Trước đó, lúc 6 giờ 10 phút ngày 20.7.2022, tại khu vực suối Tha La thuộc ấp 4, xã Suối Dây, huyện Tân Châu, Đội Cảnh sát kinh tế, Công an huyện phát hiện và bắt quả tang tàu mang biển kiểm soát TN – 0164 do ông Lê Thanh Tùng, 45 tuổi ngụ xã Tân Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre điều khiển đang bơm hút cát không đúng quy định.

Ông Tùng là nhân viên doanh nghiệp tư nhân C.G. Tại thời điểm bắt quả tang, tàu khai thác cát không đúng khung thời gian quy định cho phép và khai thác chưa đúng vị trí được phép, trên tàu chứa trên 9m 3  cát.

Hiện Công an huyện Tân Châu đang phối hợp Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện tiếp tục làm rõ.

T.N – Minh Nhật

Thiên Tâm