Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Cần một công trình tưởng niệm nạn nhân chiến tranh biên giới Tây Nam
Thứ hai: 06:00 ngày 11/01/2016

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Cũng như nhiều tỉnh khác, những năm 1977-1978, Tây Ninh phải gánh chịu hậu quả đau lòng của cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam. Chỉ tính riêng ở xã Tân Lập (huyện Tân Biên) đã có gần 600 người dân vô tội bị cướp đi mạng sống. Thế nhưng, đến nay ở địa phương này chỉ có một khu chứng tích tội ác quân Khmer Đỏ.

Nếu không cố ý tìm kiếm, nhiều người sẽ không biết nơi đây là Khu chứng tích tội ác Khmer đỏ.

Đã 37 năm trôi qua, kể từ khi chiến tranh biên giới Tây Nam kết thúc, nhưng đối với nhiều người dân đã từng chứng kiến những tội ác của bọn Pôn Pốt gây ra, thì vẫn cảm thấy tang thương trong lòng. Cuối năm 2015, chúng tôi có dịp gặp lại ông Nguyễn Hữu Hạnh, 75 tuổi, nguyên Chủ tịch UBND xã Tân Lập.

Ông Hạnh kể, thời điểm đó, hầu hết người dân trong xã làm nghề nông. Đến 12 giờ kém 5 phút đêm 24.9.1977- thứ bảy, rạng sáng chủ nhật, bất ngờ ông Hạnh nghe thấy có tiếng dân la lối gần nhà. Ông bật dậy, mở cửa ra xem thì nghe có tiếng súng nổ đùng đoàng. Một trái pháo bắn vào gần cổng, khiến ông té ngã. Định thần nhìn lại, ông thấy nhiều người dân chạy trên đường. Người ẵm con, người thì bị thương, tay chân máu me bê bết. Họ vừa chạy vừa kêu lớn: “Quân Pôn Pốt đốt nhà, giết dân”.

Ông Hạnh liền trở vào nhà gọi điện báo tình hình cho Huyện đội rồi bất chấp nguy hiểm, ông chạy ngược về ấp Tân Thạnh, nơi khói lửa ngất trời. Để tránh bị địch phát hiện, ông không chạy trên đường mà chạy tắt trên đồng ruộng. Cứ vừa chạy vừa nấp theo ruộng mía. Khi đến gần khu dân cư ông thấy bọn Pôn Pốt xả súng bắn vào dân rất dã man. Đau lòng nhất là có 11 thầy, cô giáo của Trường phổ thông cấp 1 Tân Lập bị sát hại, ném xác xuống dưới giếng.

Đến 9 giờ sáng hôm sau, lực lượng Sư đoàn 7, Sư đoàn 9 lên tới, quân Pôn Pốt rút về nước. Ông Hạnh và lực lượng dân quân đi gom xác dân lành. Ông tận mắt chứng kiến nhiều cái chết thương tâm. Hầu hết những người không kịp chạy đều bị chúng giết hại. Chúng dùng những thủ đoạn hết sức dã man. Thời điểm đó, các gia đình đều có đào hầm trú ẩn. Những người xuống hầm trú ẩn đều bị chúng rút chốt lựu đạn thảy xuống, chết hết.

Ngoài ra, chúng còn dùng nhiều hình thức giết người man rợ khác như đập đầu, mổ bụng, hãm hiếp phụ nữ, xé xác trẻ em v.v... UBND xã có dành một phần đất làm nghĩa trang để chôn cất những người dân đáng thương này. Một năm sau, bà con mới lác đác trở về địa phương sinh sống. Phần lớn người dân trong xã vì quá hoảng sợ nên đã bỏ xứ, kéo nhau qua khu vực Tha La 2 cất nhà lập nghiệp (thuộc xã Tân Phú, huyện Tân Châu ngày nay).

Sau khi tình hình biên giới ổn định, người dân Tân Lập đến nghĩa địa của xã bốc cốt người thân bị giết chết trong chiến tranh đem về chôn cất gần nhà. Vì thế, hiện nay ở Tân Lập không còn nghĩa địa chôn cất những nạn nhân vô tội của bọn Pôn Pốt.

Năm 1999, tại địa điểm Trường TH Tân Lập, nơi có 11 thầy, cô giáo bị sát hại được đầu tư xây dựng khu chứng tích tội ác quân Khmer Đỏ, nhưng khu di tích này có diện tích hơi nhỏ, chưa tương xứng với sự mất mát to lớn của người dân Tân Lập. Ông Hạnh nói: “Trước đây, trong những lần dự họp ở huyện, tỉnh, tôi đều đề nghị tỉnh ta nên đầu tư xây dựng khu di tích lịch sử lớn hơn để trưng bày cho thế hệ sau thấy hết tội ác của bọn Pôn Pốt, nhưng vì nhiều lý do tế nhị, đến nay chưa được chấp thuận”.

Chúng tôi đã nhiều lần đi ngang qua Khu chứng tích tội ác, muốn vào tham quan nhưng lần nào cũng thấy cổng rào bị khoá. Mãi đến thời gian gần đây, khi phía trước khu chứng tích dựng một tấm bảng với nội dung: “Di tích lịch sử - văn hoá. Khu chứng tích tội ác quân Khmer Đỏ Pôn Pốt - Iêng Xary”, chúng tôi mới có dịp vào xem. Bên trong có đặt lư hương và dựng bia chứng tích tội ác quân Khmer Đỏ. Trên bia có tóm tắt diễn biến cuộc xâm lược biên giới Việt Nam của quân Khmer Đỏ và nêu số người thiệt mạng. Bên cạnh bia có khắc hoạ hình tượng một số người dân bị chết dưới bàn tay hung bạo của quân Khmer Đỏ. Cạnh đó, còn có bia tưởng niệm và danh sách 11 thầy, cô giáo Trường phổ thông cấp 1 xã Tân Lập bị quân Khmer Đỏ giết hại và cái giếng nơi quân Khmer Đỏ giết chết 11 giáo viên. Khuôn viên khu chứng tích là cụm rừng dầu um tùm với cả trăm cây cao to, rậm rạp che khuất gần như toàn bộ bia chứng tích, bia tưởng niệm và cái giếng. Phía sau khu chứng tích là một vườn cao su rộng lớn hàng chục năm tuổi, càng làm tăng thêm vẻ âm u cho khu chứng tích.

Cuối tháng 11.2015 vừa qua, chúng tôi có dịp đến tham quan nhà mồ Ba Chúc (thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, An Giang). Trong chiến tranh biên giới Tây Nam, ở thị trấn Ba Chúc cũng có hơn 3 ngàn người dân vô tội bị chết thảm dưới bàn tay tàn sát dã man của bọn Pôn Pốt. Chính quyền địa phương đã xây dựng một nhà mồ rộng lớn với hình hoa sen cách điệu. Bên trong nhà mồ trưng bày hài cốt của 1.159 nạn nhân trong vụ thảm sát Ba Chúc. Cạnh đó, còn có nhà trưng bày chứng tích tội của bọn Pôn Pốt. Trong đó đang trưng bày nhiều hình ảnh người dân bị chết và nhiều dụng cụ của bọn Pôn Pốt dùng để giết người. Hằng ngày, có nhiều người dân địa phương và du khách khắp nơi về đây tham quan, cúng viếng.

Ông Trần Đình Bộ, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập cho rằng: “Theo tôi, tỉnh nên đầu tư xây nhà tưởng niệm lớn hơn cho xứng đáng với mất mát đau thương quá lớn của người dân Tân Lập. Hiện nay, đất công của xã- nơi đã xây dựng khu chứng tích tội ác quân Khmer Đỏ còn nhiều, đủ để mở rộng xây nhà tưởng niệm với quy mô lớn hơn”.

Theo thông tin chúng tôi được biết, vừa qua, đoàn lãnh đạo Sở VH,TT&DL Tây Ninh, đại diện HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh đến tham quan nhà mồ Ba Chúc để về tham mưu cho UBND tỉnh về việc đầu tư xây dựng một công trình tưởng nhớ những nạn nhân vô tội đã bị thiệt mạng trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam ở Tây Ninh. Hiện, Sở VH,TT&DL Tây Ninh mới ghi vốn xây dựng công trình này vào giai đoạn năm 2016- 2020.

Đại Dương

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục