Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Ô nhiễm sông Vàm Cỏ Ðông:
Cần một giải pháp căn cơ
Thứ hai: 00:27 ngày 07/12/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Năm nay, theo người dân, ô nhiễm sông Vàm Cỏ Ðông nghiêm trọng hơn nhiều năm trước, nước sông có thời điểm chuyển sang màu đen, bốc mùi hôi thối, cá chết… Do đó, người dân kiến nghị tỉnh nên có giải pháp căn cơ để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng ô nhiễm trên sông Vàm.

Cá nuôi bè trên sông Vàm Cỏ Ðông, đoạn qua khu vực xã Trí Bình, huyện Châu Thành chết hàng loạt hồi tháng 6.2020. Ảnh: Nguyên Vũ

Tình trạng ô nhiễm trên sông Vàm Cỏ Ðông xảy ra nhiều năm qua. Cứ đến đầu mùa mưa, người dân lại lên tiếng về tình trạng này, gây ảnh hưởng đến môi trường, hoạt động nuôi cá bè, sản xuất của người dân. Năm nay, theo người dân, ô nhiễm sông Vàm Cỏ Ðông nghiêm trọng hơn nhiều năm trước, nước sông có thời điểm chuyển sang màu đen, bốc mùi hôi thối, cá chết… Do đó, người dân kiến nghị tỉnh nên có giải pháp căn cơ để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng ô nhiễm trên sông Vàm.

SÔNG Ô NHIỄM, NGƯỜI NUÔI CÁ BÈ sống dở, chết dở

Có thể thấy, thời điểm sông Vàm Cỏ Ðông xảy ra tình trạng ô nhiễm trong năm nay là vào khoảng tháng 3. Khi đó, người dân nuôi cá bè khu vực xã Hảo Ðước, huyện Châu Thành phát hiện có hiện tượng cá ngoi đầu lên và chết, nước sông có mùi tanh hôi.

Ðỉnh điểm là khoảng trung tuần tháng 4, các hộ dân nuôi cá lồng bè tại ấp Bến Kéo, xã Long Thành Nam, thị xã Hoà Thành rơi vào cảnh “sống dở, chết dở”. Trao đổi với chúng tôi hồi tháng 4, trong nước mắt, các hộ dân nuôi cá bè tại ấp Bến Kéo cho biết, ngay từ đầu tháng, nước sông Vàm đoạn qua khu vực người dân nuôi cá bè xuất hiện tình trạng có nhiều bọt, bốc mùi hôi thối.

Chỉ vài ngày sau, hàng chục ngàn con cá gần đến ngày thu hoạch bắt đầu phơi bụng, chết trắng. Hơn mười mấy hộ gia đình nuôi cá lồng bè đều có cá chết, hộ nào ít cũng vài ba tấn, thiệt hại lên đến gần cả tỷ đồng.

Các hộ dân nuôi cá bè nhanh chóng gọi thương lái đến bán tháo để thu hồi vốn nhưng bị ép giá nên số tiền thu lại chẳng là bao so với số vốn đầu tư. Thương lái không thu mua hết mà chỉ mua một phần. Tiếc của, nhiều hộ dân tranh thủ làm thịt, phơi khô, còn số cá chết thì vớt bỏ ra sông.

Công sức mà họ phải bỏ ra sau một vụ nuôi cá bè coi như trôi theo dòng nước. Một hộ dân nuôi cá bè nói với chúng tôi đầy chua chát: “Nuôi cá bè trên sông Vàm Cỏ Ðông những năm gần đây giống như chơi một “canh bạc” mà tỷ lệ thua của người nuôi rất lớn.

Vì mưu sinh nên chúng tôi phải tiếp tục gắn bó với nghề này”. Người dân nuôi cá bè mong muốn các ngành chức năng sớm có giải pháp căn cơ nhất để hạn chế tình trạng ô nhiễm trên sông Vàm Cỏ Ðông, góp phần bảo vệ môi trường, tạo thuận lợi cho người dân sản xuất.

Khi phát hiện tình trạng ô nhiễm sông Vàm Cỏ Ðông, ngành TN&MT tỉnh đã kịp thời vào cuộc, lấy mẫu nước sông từ đoạn bến Băng Dung đến bến Bực Lở, nơi có các hộ dân nuôi cá bè có cá chết. Kết quả phân tích cho thấy, nước sông tại đoạn này có nhiều chỉ số vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước mặt -QCVN 08:2015/BTN&MT, cột B dùng cho mục đích tưới tiêu thuỷ lợi hoặc mục đích khác khi có yêu cầu chất lượng tương tự.

Song song đó, ngành TN&MT tiến hành kiểm tra các nhà máy mì tại các xã Phước Vinh, huyện Châu Thành và xã Hoà Hiệp, huyện Tân Biên, tuy nhiên hệ thống xử lý nước thải của các nhà máy vẫn hoạt động bình thường.

CẦN CÓ GIẢI PHÁP CĂN CƠ

Khi đó, ngành TN&MT, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiến hành kiểm tra, khảo sát chất lượng nước sông. Kết quả cho thấy, từ tháng 3.2020 nước sông bắt đầu tăng nồng độ các thông số ô nhiễm. Nguyên nhân được xác định do Tây Ninh đang vào mùa khô nên nhiệt độ nước sông thay đổi nhanh giữa ban đêm và ban ngày, thời tiết nắng nóng, lưu lượng dòng chảy của các sông, suối xuống thấp, chất lượng nước có nồng độ ô nhiễm cao.

Từ ngày 12.4 đến ngày 13.4, trên địa bàn tỉnh diễn ra mưa lớn nhiều nơi, cuốn theo nhiều tạp chất, chất bẩn, bùn tích tụ, tồn đọng từ các cống rãnh, cánh đồng chảy vào hệ thống kênh rạch, mương thoát nước đổ ra sông Vàm Cỏ Ðông làm gia tăng mức độ ô nhiễm. Ðồng thời, dưới tác động dòng chảy đổ vào sông, thuỷ triều sông ảnh hưởng đến cấu trúc địa chất có lượng bùn đáy lớn, yếm khí lâu ngày tạo mùi hôi, nước màu đen…

Ngành TN&MT đề nghị các huyện, thị xã, thành phố theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ nguồn thải, chất lượng sông nước trên địa bàn quản lý, xây dựng kế hoạch bảo vệ nguồn nước các sông, suối trên địa bàn mùa khô 2020. Ðồng thời khuyến cáo, vận động người dân cùng giám sát, phát hiện, có thông tin về ô nhiễm môi trường để kịp thời xử lý.

Thế nhưng, việc trả lời về nguyên nhân gây ra ô nhiễm sông Vàm Cỏ Ðông của ngành TN&MT tỉnh khi đó chưa được dư luận đồng tình.

Ngày 23.9.2020, Sở TN&MT tiếp tục có văn bản báo cáo HÐND tỉnh về nguyên  nhân khách quan lẫn chủ quan gây ra tình trạng ô nhiễm sông Vàm Cỏ Ðông vào đầu mùa mưa năm nay.

Theo Sở TN&MT, có 7 nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng ô nhiễm sông Vàm Cỏ Ðông như mùa mưa năm 2019 kết thúc sớm, lượng nước mưa giảm so với cùng kỳ hằng năm; lưu lượng nước từ thượng nguồn (Campuchia) đổ về rất thấp; cấu trúc địa chất của sông Vàm Cỏ Ðông… đặc biệt là trong các ngày 12 và 13.4.2020, trên địa bàn tỉnh mưa lớn diện rộng cuốn theo nhiều tạp chất, chất bẩn, bùn tích tụ, tồn đọng từ các cống rãnh chảy vào hệ thống kênh rạch, mương thoát nước đổ ra sông Vàm Cỏ Ðông làm gia tăng mức độ ô nhiễm…

Ngoài ra, có 4 nguyên nhân chủ quan được Sở TN&MT nêu ra là mặc dù chất lượng nước sông Vàm trong những năm gần đây liên tục được cải thiện, nhưng các chất ô nhiễm tồn lưu dưới dạng bùn đáy còn rất lớn và chưa được xử lý.

Hiện nay các khu công nghiệp, cơ sở chế biến nông sản (mì, mía, cao su), cơ sở y tế đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn cột A quy chuẩn xả thải quốc gia về môi trường trước khi xả vào các lưu vực sông. Tuy nhiên, cũng có thời điểm hệ thống xử lý nước thải của một vài cơ sở hoạt động không ổn định hoặc do tác động của thời tiết có lúc xả thải không đạt quy chuẩn ra môi trường (!?).

Bên cạnh đó, một số nguồn thải chưa được xử lý như nước thải sinh hoạt tại các khu đô thị, khu dân cư, các cơ sở sản xuất, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ… có nồng độ các chất ô nhiễm hữu cơ cao trực tiếp ra kênh, rạch đổ về sông Vàm Cỏ Ðông như chất xúc tác thúc đẩy nhanh quá trình chuyển hoá, phân huỷ các chất ô nhiễm gây mùi hôi thối tại các đoạn sông uốn khúc, dòng chảy chủ yếu, nguồn nước ô nhiễm này theo nước thuỷ triều di chuyển lên xuống tại một đoạn sông…

Sở TN&MT đưa ra đề xuất một số giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm trên sông Vàm Cỏ Ðông trong thời gian tới như tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ- nhất là đối với hệ thống xử lý nước thải tại các cơ sở kinh doanh; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các cơ sở xả nước thải chưa xử lý hoặc xử lý chưa đạt chuẩn quy định ra môi trường, kiên quyết đình chỉ hoạt động của các cơ sở kinh doanh không chấp hành nghiêm công tác bảo vệ môi trường…

Lãnh đạo Sở TN&MT cho biết thêm, trong thời gian tới sẽ lắp đặt thêm các trạm quan trắc tại một số vị trí trên sông Vàm Cỏ Ðông, các kênh nhằm phát hiện kịp thời dấu hiệu bất thường của nguồn nước ô nhiễm để kiểm tra, xử lý.

Hệ thống quan trắc kiểm tra mức độ ô nhiễm nguồn nước được lắp đặt trên rạch Tây Ninh.

Cũng có ý kiến kiến nghị, hiện nay, việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại các đô thị còn chậm, chỉ có huyện Dương Minh Châu có nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt. Trong khi đó, tại thành phố Tây Ninh, thị xã Hoà Thành, huyện Châu Thành… những địa phương có các kênh, rạch thải nước thải trực tiếp ra sông Vàm Cỏ Ðông chưa xây dựng nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt để xử lý bảo đảm chất lượng nước thải trước khi xả ra sông Vàm Cỏ Ðông.

Bên cạnh đó, ngành TN&MT cần yêu cầu các cơ sở sản xuất chế biến có xả thải ra sông Vàm Cỏ Ðông xây dựng đường truyền về  kết quả quan trắc tại các trạm xử lý nước thải của các cơ sở trên về Sở TN&MT, cũng như hệ thống quản lý dữ liệu của tỉnh để kịp thời giám sát việc xử lý nước thải sản xuất của các cơ sở này.

 Trước thực trạng ô nhiễm sông Vàm Cỏ Ðông, HÐND tỉnh có thông báo kết luận nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp lần thứ 17 vào tháng 8.2020. Theo đó, HÐND tỉnh yêu cầu Sở TN&MT đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung tại các khu đô thị, khu dân cư tập trung các các huyện, thị xã còn lại để xử lý nguồn nước bảo đảm tiêu chuẩn trước khi thải ra lưu vực sông.

Ðồng thời chủ trì phối hợp với các đơn vị chức năng sớm có kết luận chính thức về nguyên nhân chính gây ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Vàm Cỏ Ðông trong năm nay, và công bố cho người dân biết.

Tin rằng trong thời gian tới, với sự chỉ đạo quyết liệt của HÐND tỉnh, UBND tỉnh, cũng như sự vào cuộc của các cơ quan có thẩm quyền trong việc tìm nguyên nhân ô nhiễm sông Vàm Cỏ Ðông. Từ đó, tỉnh sẽ có những giải pháp căn cơ nhất để giải quyết tình trạng ô nhiễm sông Vàm Cỏ Ðông tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất và bảo vệ môi trường.

Thế Nhân

Tin cùng chuyên mục