Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng:
Cần một kênh tiêu cho cánh đồng Bình Phú, Bình Phước và Gò Ngãi
Thứ năm: 09:37 ngày 25/08/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Tuyến đường Cà Nhen đi qua các ấp Bình Phú, Bình Phước và Gò Ngãi xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng được nâng cấp, tráng nhựa người dân trong vùng rất vui mừng, việc lưu thông, vận chuyển nông sản rất thuận lợi, không còn cảnh sình lầy khi mùa mưa đến.

Một số diện tích lúa gieo sạ được gần một tháng cũng bị thiệt hại.

Khi con đường được nâng cấp, nhiều hộ dân 2 bên đường bắt đầu xây dựng nhà cửa khang trang hơn, ai cũng muốn “vươn” ra mặt tiền cho thuận tiện. Cùng với đó là việc nâng cấp sân, nền cao bằng mặt đường.

Hai bên tuyến đường này vẫn còn nhiều diện tích đất nông nghiệp, chuyên trồng lúa và các loại hoa màu ngắn hạn. Nhưng không có kênh tiêu thoát nước nên người dân gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất.

Những cơn mưa lớn liên tiếp trung tuần tháng tám vừa qua làm hơn 15 ha lúa mùa mới xuống giống ở ấp Gò Ngãi bị thiệt hại, nông dân phải gieo sạ lại. Trong khi chi phí cày, bừa làm đất, lúa giống gần 5 triệu đồng/ha. Trước mắt người nông dân đã thiệt hại ngay đầu vụ. Chưa kể phân bón, thuốc trừ sâu đều tăng, sau 3 tháng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” người nông dân lổ vốn nếu giá lúa không tăng.

Ông Nguyễn Văn Tân, ở ấp Gò Ngãi cho biết, ông thuê một ha đất để sạ lúa, mấy cơn mưa lớn vừa qua ngập trắng đồng, bơm nước mấy ngày không xuể, đến khi bơm cạn được thì lúa úng hết không lên được, phải sạ lại. “Tui đang lo, mới xuống giống lại mà trời cứ âm u kiểu muốn mưa nữa, kỳ này mưa ngập chắc bỏ luôn”, ông Tân cho biết.

Nhiều đám ruộng ở ấp Bình Phú (xã Phước Bình) bị nước ngập trắng xóa.

Ông Lê Văn Nguyên- Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Bình Phước cho biết, cánh đồng Bình Phước có khoảng 30 ha, cánh đồng Gò Ngãi có đến 50 ha đất nông nghiệp, vụ mùa chủ yếu sạ lúa, nhưng lại không có kênh thủy lợi tưới tiêu nên nông dân không chủ động trong canh tác.

Nguồn nước tưới thì có thể bơm từ giếng khoan, nhưng tiêu thoát thì không có kênh tiêu nên rất khó khăn. Trong số 15 ha lúa mới sạ bị ngập thiệt của bà con nông dân ấp Gò Ngãi có một số diện tích đã phải sạ lại đến lần thứ ba. Vì cứ xuống giống mà gặp mưa hai ba ngày nước không thoát được là lúa giống bị úng hết, lúa non vài ngày tuổi cũng bị chết.

Ông Nguyên canh tác 2 ha lúa đang chính tới, ông cho biết nếu không mưa đã thu hoạch rồi, nhưng trời mưa nước ngập hơn nửa cây lúa, ông phải bơm suốt 3 ngày mới cạn để thu hoạch.  

Ông Nguyên cho biết thêm, bà con nông dân các ấp Bình Phước, Bình Phú và Gò Ngãi có đất cặp đường Cà Nhen đang gặp rất nhiểu khó khăn trong việc chủ động tiêu thoát nước để sản xuất. Giá vật tư nông nghiệp tăng cao, cộng thêm chi phí phải bơm nước và thiệt hại giống như vừa qua làm chi phí đầu vào tăng, làm xong một vụ lúa nông dân không có lãi.

Một số diện tích lúa chính nhưng chưa thu hoạch được do ngập nước.

Phải khu vực này có kênh tiêu thì bà con chủ động hơn trong việc chọn các loại cây trồng khác để trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế. “Nhiều bà con cho biết, có đất mà bỏ hoang thì tiếc, còn trồng cây lúa tính ra không có lời, coi như lấy công làm lời, mua lúa rẻ để ăn, không thể làm giàu được”, ông Nguyên chia sẻ.

Một bác nông dân nhà ở ấp Bình Phú có 2 ha đất ven đường Cà Nhen đang sạ lúa vụ mùa được gần một tuần cho biết: “Nhà tui phải bơm mấy ngày mới sạ được, nhưng giờ cũng lo, không biết mưa nhiều như vừa rồi lúa có lên kịp để tránh nước ngập không.

Lúc làm đường này mấy ông địa phương xin dân móc đất 2 bên đường có hứa là làm đường xong sẽ làm hai con kênh để tiêu thoát nước, nhưng làm đường xong rồi không làm mương, đoạn nào dân làm ruộng thì còn để mương, có đoạn dân tự san lấp, rồi có chổ thì dân cất nhà làm cái cống có chút xíu làm sao nước thoát được. Giờ mạnh ai nấy bơm. Bà con làm ruộng ở đây mong nhà nước quan tâm làm con kênh tiêu để bà con làm ruộng được thuận lợi hơn”.

Ở đoạn đầu đường Cà Nhen hướng Tây (ấp Bình Phú), bà con có chừa mương thoát nước, nhưng điểm cuối để thoát nước thì bị hạn chế bởi các con đường nhựa vừa được nâng cấp, cống qua đường nhỏ không thoát nước kịp nên nhiều diện tích đất nông nghiệp chưa thể xuống giống vụ mùa do nước tràn đồng.

Người dân làm nhà nâng sân, nền cao bằng mặt đường.

Đoạn cuối ấp Bình Phú, cũng hướng Tây một số diện tích đất ở đây ngập trắng xóa vì không có đường thoát nước, do đoạn giữa ấp một số hộ dân cất nhà kiên cố làm sân nền ra tới mép đường, chỉ làm cái cống nhỏ, khi mưa lớn không thoát nước kịp. Một chủ đất cuối ấp Bình Phú (giáp với Bình Phước) phải nối một cái ống làm bằng bao ni long dài hơn 20 mét ngang qua một đám ruộng khác để bơm nước ra. Ông cho biết đã bơm mấy ngày mà chưa cạn để sạ cho kịp thời vụ.

Theo ông Lê Văn Nguyên- Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Bình Phước, chính quyền địa phương đã biết việc khó khăn trong tiêu thoát nước sản xuất trên cánh đồng các ấp Bình Phú, Bình Phước và Gò Ngãi. Với trách nhiệm là Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp, vừa là người có đất sản xuất trong khu vực, ông Nguyên hiểu được cái khó của người dân và nắm chắc tình hình thực tế trên cánh đồng này, ông đã có báo cáo lãnh đạo xã ý tưởng về việc làm một con kênh tiêu cho cánh đồng Bình Phước và Gò Ngãi.

Người dân phải dùng ống dài hàng chục mét để bơm nước chống úng.

Bước đầu lãnh đạo xã đã đồng ý và bàn kế hoạch thực hiện, người dân trong vùng cũng sẽ ủng hộ kế hoạch này. Thế nhưng, để làm được tuyến kênh tiêu trên cánh đồng Bình Phước và Gò Ngãi cần có sự quan tâm và hỗ trợ của cấp trên.

Gia Huy- Nhật Quang

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục