BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cần một nhà truyền thống cách mạng cho vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát

Cập nhật ngày: 25/07/2009 - 04:33

Bia kỷ niệm Phòng Hội hoạ Giải phóng trong rừng Lò Gò - Xa Mát.

Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát được xây dựng năm 2002 trên một khu vực đầy ắp các sự kiện lịch sử trong kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta. Các địa danh như Lò Gò- Xóm Giữa, bến Ra, bến Tư (Tuyên) Truyền, Tà Nốt, Đa Ha, Xa Mát, Thiện Ngôn quá quen thuộc đã lưu dấu bao nhiêu chiến công hiển hách của quân và dân ta. Và nơi đó, bao nhiêu người con yêu dấu của cách mạng đã hy sinh thân mình cho hoà bình của dân tộc.

Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, một lực lượng to lớn cán bộ chiến sĩ ta từ căn cứ rầm rộ tiến về Sài Gòn tiếp quản bộ máy chính quyền của chế độ cũ.

Từ đó đến nay, nhiều người có điều kiện đã trở lại thăm chiến khu xưa nhưng cũng có nhiều người không còn dịp thăm lại nơi mình đã từng sống, chiến đấu, từng trải qua tuổi thanh xuân gian khổ mà vô cùng tươi đẹp.

Những dấu tích một thời oanh liệt ngày nay không còn rõ ràng để nhận ra. Tuy nhiên nhiều đoàn cán bộ năm xưa khi về lại nơi cũ đều có những dấu hiệu riêng để xác định nơi mình từng sinh sống. Đó là những gốc cây, hố bom, ụ mối, là con suối từng cùng nhau tắm mát mùa hè, là nơi hái lá bứa, hái trái trường, trái gùi, chòi mòi ngon ngọt… ẩn chứa biết bao kỷ niệm của một thời gian lao mà anh dũng.

Với sự góp sức của những cựu chiến binh, đến nay Nhà nước đã xây dựng được một số bia kỷ niệm tại những vị trí cũ như: Ban Tuyên huấn TW Cục, Đài Phát thanh giải phóng, Thông tấn xã Giải phóng, Xưởng phim Giải phóng, Nhà in Trần Phú… Tuy nhiên số lượng đó còn quá ít ỏi so với số lượng đơn vị và những sự kiện lịch sử trong quá khứ dân tộc.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam đã làm biết bao thanh niên ngã xuống tại khu vực rừng của Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát. Còn nhiều, còn nhiều nữa những tấm gương anh dũng trong chiến đấu, những kỷ niệm khó quên của một thời đạn bom, khói lửa.

Với từng ấy đơn vị, từng ấy chiến tích vẻ vang thì chỉ một vài tấm bia kỷ niệm có lẽ là chưa đủ tầm so với máu xương bao người đã đổ xuống và cũng chưa đủ để giáo dục cho thế hệ thanh niên hôm nay và mai sau về những chiến công hiển hách của cha anh mình.

Một nhà truyền thống cách mạng có quy mô vừa phải, tập trung được tất cả những chiến tích của tất cả các đơn vị đã từng đứng chân chiến đấu trên địa bàn là vô cùng cần thiết và cấp bách. Cần thiết vì chỉ với một điểm tập trung này có thể lưu giữ một cách cơ bản các hoạt động của những đơn vị đã từng chiến đấu nơi đây, tổ chức giáo dục truyền thống có hiệu quả cho mọi tầng lớp thanh niên học sinh, là nơi giới thiệu cho khách du lịch những chiến tích oai hùng của những người đi trước, là nơi có thể lưu tên của những liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập dân tộc. Cấp bách là vì hầu hết cán bộ kháng chiến năm xưa nay đều đã cao tuổi. Họ chính là những nhân chứng sống của những chiến công hiển hách. Nếu để quá trễ, e rằng mai này không còn ai là người có thể kể lại cho chúng ta nghe những câu chuyện lịch sử sống động và xác thực.

Gần đây trong kế hoạch viết lại lịch sử và làm phim về hoạt động cách mạng chiến khu Bắc Tây Ninh, một số cán bộ đã từng hoạt động tại khu vực Tà Nốt trong Ban Tuyên huấn TW Cục, Đoàn văn công, Thông tấn xã, Đài Phát thanh Giải phóng… rất tâm đắc và vui mừng khi nghe VQG có kế hoạch xây dựng nhà truyền thống cách mạng tại khu vực này. Một điều được mọi người ủng hộ rất cao là trước hết làm thế nào tổ chức được một cuộc hội thảo có tầm cỡ, mời được những nhân chứng lịch sử đang còn sống về đây để trao đổi, cung cấp thông tin nhằm làm cho tư liệu của nhà truyền thống được phong phú, trở thành nơi giáo dục lịch sử có hiệu quả trong hoạt động du lịch về nguồn của Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát.

Bia tưởng niệm liệt sĩ Biên phòng.

Một thuận lợi rất to lớn là hiện còn rất nhiều cán bộ lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và các sở ban ngành, đoàn thể đã từng sống, chiến đấu và học tập trong rừng Lò Gò - Xa Mát năm xưa. Đó chính là những “pho tư liệu sống” hết sức quý giá.

L.Đ