Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Cần nâng cao chất lượng giống cây trồng
Chủ nhật: 18:21 ngày 07/10/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Hiện nay, tỉnh Tây Ninh đang đẩy mạnh việc thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng bền vững. Để sản phẩm nông nghiệp có chất lượng thì giống cây trồng vẫn là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu.

Từ cây trồng

Tây Ninh đang phát triển nhiều loại giống cây ăn trái tiềm năng quy mô tập trung, có giá trị kinh tế cao như nhãn, mãng cầu, sầu riêng, xoài, chuối... Đây là những cây trồng dài ngày, đòi hỏi khâu đầu tư ban đầu khá lớn, sản phẩm đạt chất lượng cạnh tranh với thị trường.

Một doanh nghiệp chăn nuôi bò sữa trên địa bàn xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng đang tính đến việc phát triển thêm cây sầu riêng theo hướng VietGAP với diện tích khá lớn. Tuy nhiên, theo doanh nghiệp này, giống cây sầu riêng ở các tỉnh miền Tây không còn chất lượng như trước vì khâu bảo tồn giống hiện nay chưa được bảo đảm.

Vì vậy, doanh nghiệp mong muốn được nhà nước hỗ trợ giống cây sầu riêng có chất lượng để góp phần phát triển nông nghiệp của tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, bền vững.

Thu hoạch sầu riêng.

Hiện nay, trên địa bàn có rất nhiều cơ sở kinh doanh giống cây trồng, và đều có điểm chung là mỗi loại cây giống được người bán quảng cáo bằng hình ảnh cây trái sum suê, kèm theo lời cam kết  rằng đây là giống được sản xuất từ những cơ sở uy tín, bảo đảm chất lượng. Tuy nhiên, không có cơ sở nào chứng nhận thông tin quảng cáo trên là đúng. Người nông dân chỉ biết mua giống về trồng và... hồi hộp chờ kết quả.

Ông Phước (ngụ ấp Năm Trại, xã Trường Đông, huyện Hòa Thành) chia sẻ, đối với nông dân, khi cắm rễ một cây trồng nào đó xuống đất là họ đã đặt vào đó nhiều tâm huyết và hy vọng. Do đó, nếu lỡ mua phải cây giống kém chất lượng thì công sức của họ xem như… “đổ sông đổ biển”.

Vài năm trước, với kinh nghiệm nhiều năm trong việc trồng cây ăn trái, ông Phước xác định đặc điểm đất trồng ở địa phương rất thích hợp với cây sầu riêng. Vấn đề còn lại là cây giống. Được người bạn giới thiệu một cơ sở sản xuất giống cây trồng ở miền Tây, ông tin tưởng đặt mua 500 gốc sầu riêng về trồng với chi phí đầu tư ban đầu khá lớn.

Tuy nhiên, đến lúc cây cho trái, chất lượng trái không đạt, sản phẩm không tìm được chỗ đứng trên thị trường, nhiều năm liền cây không cải thiện chất lượng trái, ông Phước đành phá bỏ toàn bộ vườn sầu riêng để trồng cây trồng khác.

Theo ông Phước, để có sản phẩm chất lượng cung cấp cho thị trường, thì khâu chọn giống là hết sức quan trọng. Do đó, nhà nước nên có phương án liên kết với các doanh nghiệp khảo sát từng vùng địa phương, phân tích đặc điểm thổ nhưỡng thích hợp với những loài cây trồng gì để định hướng cho người dân.

Công ty Lavifood cho biết, để tạo ra sản phẩm chất lượng, Công ty đã phối hợp với các đơn vị sản xuất giống cây ăn trái trong và ngoài nước cung ứng cây giống đúng chất lượng với giá bán ưu đãi cho người trồng. Ngoài ra, tất cả cây giống ghép đều có vườn cây đầu dòng, có quy trình kỹ thuật, kiểm soát chất lượng để bảo đảm cho người trồng tạo ra sản phẩm tối ưu.

Đến lúa giống

Vừa qua, tại hội nghị sơ kết sản xuất vụ Hè Thu năm 2018, Cục Trồng trọt cho biết, để sản phẩm lúa gạo đứng vững trên thị trường trong và ngoài nước, thì giống lúa phải có khả năng cho năng suất cao và ổn định; khả năng chống chịu các điều kiện bất lợi như chịu hạn, chịu nóng, chịu lạnh, chịu phèn, chịu mặn, không đổ ngã và có khả năng kháng sâu bệnh trong vùng. Ngoài ra, lúa phải có phẩm chất tốt, đáp ứng được yêu cầu của thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu.

Nông dân tham quan mô hình trồng giống lúa Đài Thơm 8 tại ấp Trà Sim, xã Ninh Điền, huyện Châu Thành.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bến Cầu, hiện nay trên địa bàn huyện đang hướng đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm lúa gạo. Tuy nhiên, trong suốt một thời gian dài, việc nông dân tự ý sản xuất giống và trao đổi giống lúa với nhau theo kiểu “nhà nhà làm giống, người người làm giống” đã tác động tiêu cực đến chất lượng giống, đặc biệt độ lẫn tạp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến độ đồng nhất, đồng đều của gạo thương phẩm.

Hiện huyện Bến Cầu là địa phương có diện tích lúa lớn nhất cả tỉnh (khoảng 28.000 ha). Trong vụ Hè Thu 2018, Phòng NN&PTNT huyện Bến Cầu đã liên kết với Công ty Giống cây trồng Trung ương đầu tư cung cấp giống lúa RVT, trồng thí nghiệm trên diện tích 50 ha. Kết quả, giống RVT có khả năng gieo trồng ở những vùng phèn, mặn, có phạm vi thích ứng rộng. Năng suất vụ Hè Thu đạt 5 - 6 tấn/ha và dự kiến Đông Xuân đạt 6-8 tấn/ha.

Sản xuất giống lúa RVT cho lợi nhuận đạt khoảng 24 triệu đồng/ha, hiệu quả kinh tế cao hơn 6,5 triệu đồng/ha so với sản xuất bằng giống OM- 5451. Được nông dân tin tưởng, Công ty Giống cây trồng Trung ương tiếp tục cung cấp giống để mở rộng diện tích lúa chất lượng trên địa bàn huyện.

Theo Cục Trồng trọt, hiện nay, nhiều  doanh nghiệp hoàn toàn đủ điều kiện tạo ra được những giống cây trồng chất lượng, và doanh nghiệp là yếu tố quyết định trong việc nâng cao giá trị giống cây trồng nói chung, giống lúa nói riêng.

Trong hơn 100 giống lúa ở khu vực đồng bằng Sông Cửu Long hiện nay, có ít nhất  4 giống có thể sản xuất ra gạo bán được với mức giá từ 600-800 USD/tấn. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt là khi đã có giống tốt nhưng khâu tổ chức quản lý, sản xuất, cơ giới hóa lại chưa được làm tốt khiến nông sản làm ra kém sức cạnh tranh.

Nhi Trần

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục