Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Cơ quan quản lý Nhà nước cần nâng cao năng lực thẩm định, nghiệm thu các sản phẩm quy hoạch, thực hiện tốt việc này sẽ tránh được lãng phí hoặc quy hoạch không hiệu quả...
Ông Phạm Hùng Thái- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu chỉ đạo tại buổi giám sát.
“Công tác xã hội hoá để huy động nguồn lực cho thực hiện quy hoạch là cần thiết. Tuy nhiên, cần lưu ý việc quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch không bị chi phối bởi các doanh nghiệp tài trợ.
Cơ quan quản lý Nhà nước cần nâng cao năng lực thẩm định, nghiệm thu các sản phẩm quy hoạch, thực hiện tốt việc này sẽ tránh được lãng phí hoặc quy hoạch không hiệu quả...”- đó là phát biểu chỉ đạo của ông Phạm Hùng Thái- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh - Trưởng đoàn giám sát việc 'thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch đối với UBND tỉnh.
Hội nghị diễn ra vào sáng 27.12 tại hội trường UBND tỉnh. Cùng dự có bà Hoàng Thị Thanh Thuý- Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh; ông Trần Hữu Hậu- đại biểu Quốc hội khoá XV; bà Nguyễn Đài Thy- Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; ông Dương Văn Thắng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện một số sở, ngành.
Theo báo cáo của đại diện UBND tỉnh, dự án lập quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh), từ khi khởi động đến nay, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, đôn đốc tiến độ lập quy hoạch để nhanh chóng được triển khai, sát với thực tiễn địa phương và là mục tiêu, định hướng dài hạn cho sự phát triển. Việc lựa chọn tư vấn lập quy hoạch bảo đảm tính công khai, minh bạch, cạnh tranh trong quá trình lựa chọn nhà thầu.
Định kỳ, UBND tỉnh tổ chức phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản chỉ đạo hướng dẫn về công tác quy hoạch từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã trong việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng; ban hành đầy đủ các quy định chi tiết, phân công, phân cấp, hướng dẫn trong công tác quản lý quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng để triển khai thực hiện theo quy định…
Bên cạnh những kết quả đạt được thì hệ thống pháp luật có liên quan đến quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng vẫn còn một số tồn tại bất cập, vướng mắc, như việc bắt buộc lập quy chế quản lý kiến trúc cho tất cả đô thị và nông thôn làm tăng áp lực ngân sách chi cho công tác lập quy chế kiến trúc, tăng áp lực văn bản quản lý đến người dân.
Một số đồ án quy hoạch, việc lấy ý kiến trong quá trình lập đồ án còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao; do quy hoạch có nhiều nội dung mang tính chuyên môn nên người dân chưa quan tâm nhiều.
Hiện nay, công tác quy hoạch đã hoàn chỉnh báo cáo đầu kỳ. Tuy nhiên, các nội dung của quy hoạch tỉnh khá rộng, tích hợp nhiều nội dung, cần có sự phối hợp, khảo sát thực tế và trao đổi trực tiếp với nhiều đơn vị liên quan. Từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, đơn vị tư vấn gặp nhiều khó khăn trong công tác phối hợp, các chuyên gia không vào tỉnh được để làm việc trực tiếp, trao đổi, khảo sát thực tế, ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng lập quy hoạch tỉnh.
Chậm ban hành quy định về quản lý quy hoạch, kế hoạch thực hiện làm cơ sở quản lý quy hoạch theo quy định, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng và cấp giấy phép xây dựng.
Nhiều đồ án quy hoạch đã nhiều năm chưa triển khai, hoặc đang triển khai nhưng chưa được quan tâm rà soát, đánh giá việc thực hiện nhằm có kiến nghị điều chỉnh kịp thời. Mặt khác, sự phối hợp trong công tác quản lý chưa đồng bộ, thiếu kiên quyết, chưa kịp thời xử lý các hành vi vi phạm trong sử dụng đất gây khó khăn cho thực hiện quy hoạch. Năng lực đội ngũ cán bộ quản lý quy hoạch của địa phương vẫn còn thiếu, hạn chế so với yêu cầu, đặc biệt là đội ngũ quản lý xây dựng cấp huyện, cấp xã...
UBND tỉnh kiến nghị Quốc hội điều chỉnh, bổ sung một số nội dung như phân cấp mạnh hơn, giao trách nhiệm nhiều hơn cho UBND cấp tỉnh. Nhất là việc cập nhật, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch và điều chỉnh cơ cấu sử dụng các loại đất.
Theo đó, quy hoạch các khu chức năng nên giao cho UBND cấp tỉnh, cấp huyện. Cần quy định linh hoạt trong việc điều tiết, phân bổ các chỉ tiêu sử dụng đất khi cần thiết, phù hợp với yêu cầu của thị trường, tình hình thực tế địa phương, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.
Quy hoạch cấp trên xác định chỉ tiêu chung một số loại đất, còn nội hàm địa phương sẽ linh hoạt điều chỉnh. Trong quy hoạch và phân bổ chỉ tiêu đất trồng lúa, UBND tỉnh đề nghị Trung ương có chiến lược quy hoạch các vùng có thổ nhưỡng thích hợp, các tỉnh ngoài vùng an ninh lương thực thì cho phép chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất theo định hướng phát triển của địa phương...
Kết luận buổi giám sát, ông Phạm Hùng Thái đánh giá cao kết quả đạt được về quy hoạch UBND tỉnh đã nêu tại báo cáo, mặc dù trong quá trình thực hiện có gặp nhiều khó khăn, nhất là ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh đó, trưởng đoàn giám sát đề cập hạn chế như tiến độ triển khai quy hoạch còn chậm (gia hạn đến 31.12.2022).
Về tình trạng thiếu nguồn lực, ảnh hưởng đến chất lượng quy hoạch, chưa thu hút đầu tư, kéo dài trong nhiều năm... Trưởng đoàn giám sát đề nghị UBND tỉnh cùng các ngành quan tâm đến năng lực tư vấn quy hoạch, việc này cần được tính toán lại và có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Đối với thông tin quy hoạch, nhất là quy hoạch của tỉnh trong giai đoạn trước, các hồ sơ liên quan đến công bố quy hoạch thực hiện chưa đầy đủ, đề nghị UBND tỉnh kiểm tra, rà soát, công bố đầy đủ; tránh tình trạng quy hoạch chỉ có tên mà chưa bảo đảm về hồ sơ chi tiết theo quy định.
UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo quyết liệt hơn nữa về công tác quy hoạch, việc này phải làm đồng bộ, chặt chẽ, đây là điều kiện và nền tảng để thu hút đầu tư, phát triển. Ưu tiên nguồn lực để tập trung điều chỉnh quy hoạch tổng thể, các quy hoạch liên quan để bảo đảm tiến độ. Quan tâm, thực hiện tốt cơ chế phối hợp trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch.
Đối với quy hoạch đô thị, phải tính toán đến định hướng phát triển đô thị của tỉnh, tạo động lực tăng trưởng kinh tế. Trong đó, tính toán kỹ các nguồn lực, cơ chế để thực hiện quy hoạch đạt hiệu quả, tránh tình trạng quy hoạch treo gây lãng phí xã hội, bức xúc trong nhân dân.
Khắc phục việc tổ chức lấy ý kiến người dân đối với quy hoạch đô thị, bảo đảm ít tác động đến đời sống vật chất của người dân, tránh để người dân phản ứng trong quá trình triển khai thực hiện. Theo đó, cần làm tốt hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền, nhất là tuyên truyền pháp luật về quy hoạch, bảo đảm việc lấy ý kiến phải đúng thực chất, phát huy được vai trò giám sát cộng đồng trong thực hiện quy hoạch.
Ngoài ra, UBND tỉnh tiếp tục nâng cao quy hoạch xây dựng, đất đai, đặc biệt là quy hoạch phải có tính chiến lược, có tầm nhìn dài hạn, hạn chế điều chỉnh cục bộ làm thay đổi phương án quy hoạch đã được phê duyệt; tránh việc quy hoạch manh mún, thiếu tổng thể.
Ông Phạm Hùng Thái- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị UBND tỉnh cần bổ sung, làm rõ những khó khăn, vướng mắc do nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Việc này nhằm chỉ rõ trách nhiệm đối với các cơ quan liên quan để rút kinh nghiệm, đưa ra giải pháp khắc phục cụ thể, kịp thời. Về phía Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ ghi nhận các nội dung kiến nghị của UBND tỉnh, kể cả các nội dung mà đoàn giám sát đã làm việc trước đó với UBND huyện Tân Biên và thành phố Tây Ninh, Đoàn sẽ xem xét xử lý theo thẩm quyền.
Quốc Sơn
Ông Phạm Hùng Thái nhấn mạnh, công tác xã hội hoá để huy động nguồn lực cho thực hiện quy hoạch là cần thiết. Tuy nhiên, cần lưu ý việc quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch không bị chi phối bởi các doanh nghiệp tài trợ. Cơ quan quản lý Nhà nước cần nâng cao năng lực thẩm định, nghiệm thu các sản phẩm quy hoạch, thực hiện tốt việc này sẽ tránh được lãng phí hoặc quy hoạch không hiệu quả.