Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chống hàng nhái, hàng giả mạo:
Cần nâng cao ý thức của người bán lẫn người tiêu dùng
Thứ sáu: 00:31 ngày 03/12/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thời gian qua, tình trạng hàng giả mạo nhãn hiệu vẫn gia tăng và diễn biến phức tạp trên thị trường. Đấu tranh với tình trạng này là công cuộc gian nan, vất vả, cần sự chung tay của toàn xã hội.

Một cửa hàng kinh doanh quần áo bình dân (ảnh minh hoạ)

Không khó để tìm mua những sản phẩm nhái nhãn hiệu tại các chợ truyền thống, cửa hàng kinh doanh quần áo hoặc cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm vì được bày bán công khai. Một chủ sạp kinh doanh quần áo ở một ngôi chợ trên địa bàn thị xã Hoà Thành cho biết, chị thường lấy quần áo ở Thành phố Hồ Chí Minh với giá bình dân, còn nhãn hiệu như thế nào do các xưởng may gắn vào, chị không quan tâm đến vấn đề này. Hàng về, chị chỉ việc trưng bày và bán; hơn nữa, khách chọn mua quần áo tại các chợ truyền thống đều biết là hàng bình dân, ít ai quan tâm đến nhãn hiệu.

Trái ngược với sự thoải mái chia sẻ nguồn gốc sản phẩm của chủ các cửa hàng kinh doanh quần áo, những người kinh doanh mỹ phẩm tại chợ truyền thống đều tỏ ra e dè khi chúng tôi hỏi về nguồn gốc của các loại son, kem trang điểm… có xuất xứ nước ngoài. Họ chỉ nói chung chung là bán mấy chục năm nay rồi, ai sử dụng cũng khen tốt (!?).

Một nhân viên tiếp thị tên Đặng Thanh Huy, ngụ khu phố 4, phường Long Hoa, thị xã Hoà Thành cho biết, lương nhân viên chỉ tầm 6-7 triệu đồng/tháng nên anh thường chọn mua quần áo ở chợ hoặc các cửa hàng bán quần áo bình dân. Một cái quần jean có giá hơn 200 ngàn đồng, áo thun trên 100 ngàn đồng/cái. Anh Huy không quan tâm đến nhãn hiệu sản phẩm, chỉ cần quần, áo mặc vừa, đẹp, giá cả bình dân là được.

Anh Huy cho rằng, người có điều kiện sẽ lựa chọn vào các cửa hàng chính hãng, không ai đến những nơi trưng bày hàng hoá bình dân. Ở góc độ người tiêu dùng như anh đều hiểu “tiền nào của nấy”, nên ít ai phàn nàn về nhãn hiệu của sản phẩm, miễn sao đẹp là được.

Có ý kiến cho rằng, để giải quyết vấn nạn kinh doanh hàng giả nhãn hiệu trên thị trường, các ngành chức năng cần có kế hoạch dài lâu. Trong đó, cần nâng cao ý thức của người bán lẫn người mua về việc kinh doanh, sử dụng hàng giả nhãn hiệu là vi phạm pháp luật; người bán hàng không được nhập các mặt hàng giả nhãn hiệu, hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ để kinh doanh.

Theo Cục Quản lý thị trường, thời gian qua, Cục đã chỉ đạo Đội Quản lý thị trường các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên địa bàn phụ trách, thực hiện có hiệu quả kế hoạch kiểm tra thường xuyên năm 2021 và các kế hoạch kiểm tra chuyên đề; tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh; kiểm tra công tác quản lý địa bàn nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi buôn bán hàng hoá giả mạo nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm về các điều kiện trong kinh doanh, sản xuất thực phẩm; kiểm tra, xử lý việc buôn bán, vận chuyển thuốc lá điếu ngoại, đường cát nhập lậu và các nhóm mặt hàng khác như: xăng dầu, khí dầu mỏ hoá lỏng, rượu, thực phẩm, mỹ phẩm, điện tử, các mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19…

Gần đây, ngày 28.9.2021, Đội Quản lý thị trường số 4 phối hợp với Công an huyện Tân Châu kiểm tra hộ kinh doanh do bà Nguyễn Thị Thuý Hằng làm chủ, ngành nghề kinh doanh: mua bán quần áo, giày dép, mỹ phẩm ở tổ 6, ấp 2, xã Suối Dây, huyện Tân Châu.

Qua kiểm tra, bà Nguyễn Thị Thuý Hằng thừa nhận hành vi kinh doanh hàng hoá nhập lậu, giả mạo nhãn hiệu. Cục Quản lý thị trường đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh Nguyễn Thị Thuý Hằng với số tiền 36 triệu đồng; đồng thời tịch thu tang vật vi phạm gồm 117 hộp kem dưỡng tóc loại 500ml, nhãn hiệu Jena, xuất xứ Thái Lan; 83 hộp kem dưỡng tóc loại 500ml, nhãn hiệu BIO Extra, xuất xứ Thái Lan; 240 tuýp sữa rửa mặt loại 180ml, nhãn hiệu Rice milk, xuất xứ Thái Lan…; đình chỉ hoạt động kinh doanh 2 tháng và buộc tiêu huỷ tang vật vi phạm là 19 bộ quần áo thun giả mạo nhãn hiệu Adidas.

Tiếp đến, ngày 5.10.2021, Đội Quản lý thị trường số 4 phối hợp với Công an tỉnh kiểm tra hộ kinh doanh Thu Ngọc ở tổ 8, ấp Thạnh Hiệp, xã Thạnh Đông, huyện Tân Châu do bà Nguyễn Thị Ngọc Thư làm chủ, ngành nghề kinh doanh: buôn bán thời trang, mỹ phẩm.

Qua kiểm tra, bà Thư thừa nhận hành vi vi phạm bán hàng hoá giả mạo nhãn hiệu, kinh doanh hàng hoá nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Cơ quan chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính 58 triệu đồng đối với hộ kinh doanh Thu Ngọc và đình chỉ hoạt động kinh doanh 2 tháng đối với hành vi bán hàng hoá giả mạo nhãn hiệu; tịch thu tang vật vi phạm gồm: 45 cái quần jeans, 26 quần kaki, 108 dây thắt lưng dán nhãn hiệu Calvin Klein (CK) và 23 dây thắt lưng dán nhãn hiệu Levi’s.

Việc hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bày bán tràn lan không chỉ gây thiệt hại trực tiếp về kinh tế, ảnh hưởng người tiêu dùng, mà còn làm thua thiệt cho các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam, thất thu thuế cho Nhà nước.

Sự xuất hiện của hàng giả, hàng nhái trên thị trường làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nhà sản xuất, đẩy các doanh nghiệp làm ăn chân chính đến bờ thua lỗ, thậm chí phá sản. Vì vậy, phải kiên quyết xử lý tình trạng này, nhằm trả lại môi trường cạnh tranh lành mạnh cho những nhà sản xuất, kinh doanh chân chính phát triển.

Với hành vi vi phạm kinh doanh hàng hoá giả mạo nhãn hiệu, chủ cơ sở kinh doanh bị phạt tiền và đình chỉ hoạt động kinh doanh 2 tháng. Đây có thể xem là hình thức răn đe khi kinh doanh hàng hoá giả mạo nhãn hiệu.

Bên cạnh đó, cần thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về chất lượng hàng hoá, phải tỉnh táo lựa chọn những loại hàng có thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tránh được những rủi ro cũng như thiệt hại đáng tiếc do sử dụng hàng nhái, giả mạo, kém chất lượng.

Thế Nhân

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục