Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Cần "nâng cấp" toàn diện sản phẩm trái cây
Chủ nhật: 23:45 ngày 06/09/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, đến nay, đơn vị đã phối hợp với Công ty TNHH KIAG cài đặt và định vị mới phần mềm truy xuất nguồn gốc cho 72 hộ trồng cây ăn trái gồm: bưởi da xanh, sầu riêng, mít, thanh long, nhãn, nho, dưa lưới, xoài, bưởi, bơ… với diện tích 294,33 ha.

Bưởi da xanh đạt chuẩn VietGAP ở Tân Châu. Ảnh: Công Ðiều

Hiện nay, việc truy xuất nguồn gốc cũng như mã số vùng trồng được các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây quan tâm, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Văn Hùng (ấp Hiệp Thành, xã Hoà Thạnh, huyện Châu Thành) cho biết, qua tìm hiểu thị trường, ông nhận thấy bơ booth là cây ăn trái dễ trồng, ít tốn công chăm sóc lẫn chi phí đầu tư, lại mang về thu nhập lớn và ổn định cho hộ trồng.

Nếu áp dụng đúng kỹ thuật chăm sóc, cây bơ sẽ cho năng suất cao vượt trội, cải thiện đời sống kinh tế của hộ trồng một cách đáng kể nhờ giá thành bơ bán ra ngoài thị trường trong nước cũng như ngoài nước rất cao.

Ông Hùng chia sẻ: “Từ lúc bắt đầu trồng 4 ha bơ booth, ông đã áp dụng sản xuất theo hướng sạch, đạt chứng nhận VietGAP, sản phẩm làm ra có tem truy xuất nguồn gốc để giá bán cao hơn. Vui nhất là cái cảm giác khi người tiêu dùng cầm chiếc điện thoại quét qua tem QR là hiện lên thông tin về nguồn gốc quả bơ của mình làm ra”.

Nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, ông Nguyễn Văn Sol đã áp dụng tem truy xuất nguồn gốc trên trái na hoàng hậu, với diện tích 10 ha, tại ấp 7, xã Suối Dây, huyện Tân Châu. Theo ông Sol, năng suất của trái na hoàng hậu khoảng 4 tấn/ha/năm.

Chính vì vậy, việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm này không phải dễ dàng khi người trồng áp dụng phương thức truyền thống. "Nếu không tạo được niềm tin cho người tiêu dùng thì xem như sản phẩm mình làm ra đã thua trên thị trường trong nước, chứ đừng nói đến xuất khẩu"- ông Sol nói.

Ðể khẳng định vị thế sản phẩm na hoàng hậu trên thị trường, điều đầu tiên là người trồng phải áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đăng ký chứng nhận VietGAP và áp dụng truy xuất nguồn gốc cũng như mã vùng cho sản phẩm.

Ông Sol cho biết: “Ðã qua cái thời làm ra nông sản nào cũng bán được và nông dân chỉ quan tâm tăng năng suất để thu lợi nhuận cao. Bây giờ nông dân phải thực hiện truy xuất nguồn gốc và chứng nhận bảo đảm về chất lượng sản phẩm thì mới xuất khẩu được sang thị trường khó tính. Ðồng thời, nông dân cần hiểu rõ về nhu cầu, yêu cầu của thị trường để điều chỉnh sản xuất cho phù hợp”.

Nhãn là loại cây ăn trái giá trị kinh tế cao, dễ trồng, có thể xử lý ra hoa rải vụ quanh năm, giúp người dân thu lợi nhuận từ 350-400 triệu đồng/ha/năm. Xác định đây là một trong những ngành hàng chủ lực theo đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh, những năm gần đây, các nhà vườn ở thị xã Hoà Thành đã từng bước ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật như bao trái, chọn giống, tỉa cành tạo tán, xử lý ra hoa rải vụ, bón phân hữu cơ, đăng ký mã số vùng trồng, áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP.

Ông Nguyễn Văn Hoà (ấp Trường Xuân, xã Trường Hoà, thị xã Hoà Thành) cho biết, thời gian qua, trái nhãn gặp nhiều khó khăn và đầu ra không ổn định. Với quyết tâm làm giàu từ cây nhãn, ông Hoà thay đổi phương thức sản xuất và bắt đầu áp dụng tem truy xuất nguồn gốc cho trái nhãn với diện tích canh tác gần 2 ha.

Theo ông Hoà, sử dụng tem truy xuất nguồn gốc làm chi phí sản xuất tăng thêm (400-500 đồng/tem). Tuy nhiên, đây là giải pháp hữu hiệu để xác nhận trái nhãn mình làm ra và mạnh dạn khẳng định chất lượng, độ an toàn của sản phẩm.

Vào thời điểm hiện tại, giá nhãn đã tăng trở lại, nhiều người trồng nhãn phấn khởi, mạnh dạn áp dụng truy xuất nguồn gốc, từ đó khẳng định thương hiệu nhãn trên địa bàn thị xã Hoà Thành nói riêng và Tây Ninh nói chung.

Theo các nhà vườn trên địa bàn thị xã Hoà Thành, vào thời điểm hiện tại, giá nhãn xuồng loại đẹp được nông dân bán cho thương lái và các vựa thu mua trái cây ở mức 32.000-35.000 đồng/kg; nhãn Ido có giá 19.000-22.000 đồng/kg; nhãn tiêu da bò có giá khoảng 13.000-18.000 đồng/kg. Giá nhãn tăng do nguồn cung giảm vì thời điểm này nhiều vườn nhãn đã hết vụ thu hoạch.

Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ trái nhãn tại thị trường trong nước và một số thị trường xuất khẩu khởi sắc cũng tạo điều kiện đẩy giá lên. Theo tiểu thương và thương lái kinh doanh trái cây, dự báo giá một số loại nhãn có khả năng còn tăng trong thời gian tới, nhất là nhãn xuồng.

Riêng nhãn tiêu da bò và nhãn Ido đã được nông dân xử lý cho ra trái nghịch mùa, rải vụ quanh năm. Nếu dịch Covid-19 sớm được khống chế, xuất khẩu được đẩy mạnh, nhiều khả năng giá nhãn sẽ còn tăng trong thời gian tới.

Quảng bá na hoàng hậu tại địa phương.

Lợi ích của việc áp dụng truy xuất nguồn gốc trên cây ăn trái là góp phần khẳng định thương hiệu sản phẩm mình làm ra, mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, không ít nhà vườn vẫn còn khá lơ là về vấn đề này.

Nhiều nông dân có kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp, đã từng tham gia vào thị trường xuất khẩu vẫn có tâm lý chờ hỗ trợ mới triển khai chương trình này. Trong khi đó, hiện nay, thị trường ngày càng yêu cầu cao hơn về chất lượng, đòi hỏi các sản phẩm phải có truy xuất nguồn gốc.

 Thời gian tới, việc tổ chức lại sản xuất nông nghiệp của tỉnh theo hình thức liên kết, sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với chế biến, xây dựng nhãn hiệu hàng hoá, truy xuất nguồn gốc là việc làm cấp bách, có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị sản xuất.

NHI TRẦN

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục