Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Việc đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực du lịch là một trong những nhiệm vụ quan trọng, sẽ góp phần nâng cao chất lượng hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh.
Du lịch Tây Ninh được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, tổng doanh thu từ khách du lịch đạt từ 2.500 tỷ đồng, đón khoảng 4 triệu lượt khách tham quan, giải quyết việc làm cho khoảng 7.400 lao động. Việc đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực du lịch là một trong những nhiệm vụ quan trọng, sẽ góp phần nâng cao chất lượng hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh.
Du khách nước ngoài tham quan Toà thánh Cao Ðài Tây Ninh. Ảnh: Ðại Dương
Gia đình chị Nguyễn Thu An (ngụ quận Ba Ðình, Hà Nội) có thói quen đi du lịch hành hương thường xuyên về các tỉnh có nhiều danh lam thắng cảnh về tôn giáo. Hè này, gia đình chị quyết định đến thăm Tây Ninh và An Giang.
Ðến thăm Khu du lịch quốc gia núi Bà Ðen, chị An cho biết, đất nước mình nơi nào cũng đẹp, nhưng phát triển du lịch, hấp dẫn du khách nhất là các tỉnh Ðà Nẵng, Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hoà), còn các tỉnh miền Tây, Ðông Nam bộ như Tây Ninh, gia đình chị bị hấp dẫn bởi phong cảnh và văn hoá, lối sống của người dân rất gần gũi, thân thiện.
Theo chị An, chất lượng dịch vụ và nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch chính là sự khác biệt thu hút du khách. Chị An chia sẻ: “Nếu như ở Ðà Nẵng, Hội An hay Nha Trang, nhân viên luôn biết đoán ý du khách, quan tâm, chăm sóc, hướng dẫn bài bản, chu đáo, thì đối với Tây Ninh, dù người dân rất thân thiện nhưng hướng dẫn du khách chưa linh hoạt, còn bị động, cơ sở hạ tầng còn hạn chế nên chưa tạo được sự thoải mái cho du khách.
Việc giao tiếp, hướng dẫn du khách là cách nhanh nhất để tạo ấn tượng, nếu công tác này làm không tốt sẽ để lại ấn tượng không đẹp với du khách”.
Theo thống kê của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, nguồn nhân lực phục vụ cho ngành du lịch trên địa bàn tỉnh khoảng 2.600 người, trong đó, nhân lực chuyên môn trong công tác quản lý Nhà nước hiện chưa đến 100 người, phục vụ trực tiếp khoảng 2.500 người.
Ðông nhất là ở dịch vụ lưu trú khoảng 1.300 người, dịch vụ nhà hàng hơn 600 người, dịch vụ vui chơi giải trí khoảng 500 người; đặc biệt, nguồn nhân lực phục vụ lữ hành rất ít, chỉ khoảng 60 người. Số người có trình độ từ trung cấp đến đại học trong các cơ sở kinh doanh nhà hàng, khách sạn tư nhân rất ít, chủ yếu là lao động phổ thông.
Những hạn chế ngành du lịch tỉnh nhà đang gặp phải là trình độ chuyên môn, kỹ năng giao tiếp, thái độ phục vụ, ngoại ngữ để giao tiếp với khách du lịch nước ngoài…
Du khách tham quan tại Khu du lịch quốc gia núi Bà Ðen.
Theo định hướng đến năm 2020, số lao động trực tiếp trong ngành du lịch toàn tỉnh là 7.400 người, lao động gián tiếp của xã hội khoảng 4.800 người. Ðể ngành du lịch Tây Ninh đến năm 2030 trở thành ngành mũi nhọn yêu cầu đặt ra là phải chuyên nghiệp hoá đội ngũ lao động trực tiếp, gián tiếp, cũng như đội ngũ quản lý Nhà nước về du lịch trên địa bàn.
Xác định rõ những hạn chế, đồng thời nắm bắt được nhu cầu phát triển du lịch thời gian tới, bên lề kỳ họp lần 9, HÐND tỉnh khoá IX, ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết, tỉnh sẽ tập trung phát triển nguồn nhân lực du lịch theo hướng chuyên nghiệp.
Ðồng thời, đề ra giải pháp đối với 2 nhóm nguồn nhân lực. Ðối với nguồn nhân lực chuyên môn, sẽ tập trung điều tra, khảo sát và đánh giá thực trạng ở các cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực du lịch, tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại đối với nguồn nhân lực hiện có theo hướng gắn với thực trạng của địa phương.
Ðẩy mạnh công tác tuyển dụng và thu hút đối với những nguồn nhân lực có chất lượng cao để hình thành đội ngũ cán bộ tham mưu cho lãnh đạo tỉnh trong việc hoạch định, đề ra chính sách phát triển du lịch thời gian tới.
Ðối với nguồn nhân lực ngoài cộng đồng, sẽ tập trung một số giải pháp thực hiện đẩy mạnh điều tra, khảo sát, nắm chắc nguồn nhân lực của địa phương, đồng thời lên dự báo chính xác nhu cầu nguồn nhân lực để có chính sách đào tạo trong thời gian tới, ban hành cơ chế chính sách cho các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và người dân trong việc tham gia vào đào tạo nguồn nhân lực.
Biểu diễn múa lân tại ngày khai mạc Hội xuân Núi Bà Ðen 2018.
Ðể du lịch thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thu hút khách du lịch, ngoài công tác đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, UBND tỉnh đã ký thoả thuận hợp tác với Ðại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh với nhiều nội dung hợp tác phát triển, trong đó có đào tạo nhân lực phục vụ du lịch.
Tây Ninh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, đổi mới công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, kết hợp linh hoạt các hình thức quảng bá như hội chợ, hội thảo, triển lãm và các phương tiện truyền thông khác, thu hút và kêu gọi đầu tư phát triển ngành du lịch phù hợp với định hướng phát triển thị trường du lịch trong và ngoài nước.
Nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên, môi trờng du lịch và tăng cường hỗ trợ, tạo mọi điều cho nhà đầu tư, các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển du lịch địa phương…
Tin tưởng rằng, với những giải pháp quyết liệt, cụ thể, trong tương lai không xa, ngành du lịch tỉnh nhà sẽ cất cánh.
Vũ Nguyệt
Trong giai đoạn từ 2010-2017, tỉnh đã tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực, nhưng chỉ mở được 8 lớp, đào tạo hơn 300 học viên về du lịch.
Trong 2 năm 2017-2018, Trường cao đẳng nghề Tây Ninh tuyển sinh hệ trung cấp ngành Nghiệp vụ nhà hàng được 60 học viên, ngành Quản trị du lịch 60 học viên, hiện 2 ngành này đã tốt nghiệp được 46 học viên. Tuy nhiên, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm, Tây Ninh đón 2,38 triệu lượt khách tham quan các khu, điểm du lịch, tăng 9,8% so cùng kỳ.