Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Cân nhắc lùi thời điểm thực hiện chương trình phổ thông mới
Thứ bảy: 13:29 ngày 10/06/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Đó là đề nghị của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đối với Bộ GD-ĐT tại phiên họp chuyên đề nghe Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ báo cáo việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Bộ GD-ĐT cần có báo cáo toàn diện

Trong báo cáo kết quả phiên họp chuyên đề này vừa được gửi đến các thành viên, Ủy ban nhắc lại: theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới sẽ bắt đầu triển khai chính thức từ năm học 2018-2019.

Tuy nhiên, căn cứ vào thực tiễn thời gian còn lại, cũng như khối lượng công việc cần thiết để triển khai chương trình và sách giáo khoa mới, Ủy ban đề nghị Bộ GD-ĐT cân nhắc, kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh thời điểm bắt đầu thực hiện, nhằm bảo đảm chất lượng và tính khả thi.

Để giám sát việc thực hiện Nghị quyết 88, Ủy ban đề nghị Bộ GD-ĐT có báo cáo chính thức vào kỳ họp thứ tư của Quốc hội về việc thực hiện nghị quyết thời gian qua.

Đồng thời, Bộ GD-ĐT cũng cần báo cáo về kinh phí thực hiện Đề án xây dựng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông lần này, cũng như kinh phí thực hiện các đề án khác liên quan đến việc đổi mới giáo dục phổ thông, làm căn cứ để Ủy ban thực hiện chức năng giám sát theo quy định của pháp luật.

“Quan ngại về lộ trình thực hiện chương trình phổ thông mới”

Trong báo cáo, Ủy ban khẳng định “rất quan ngại về lộ trình thực hiện và các điều kiện bảo đảm cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới”.

“Việc triển khai thực hiện Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã bị chậm về tiến độ.

Nếu theo đúng lộ trình, chương trình và sách giáo khoa mới sẽ được thực hiện từ năm học 2018-2019. Thời gian còn lại chỉ là 15 tháng, trong khi vẫn còn nhiều công đoạn phải thực hiện: thông qua chương trình tổng thể; biên soạn, thẩm định, thực nghiệm chương trình các môn học và hoạt động giáo dục; biên soạn, thẩm định, thực nghiệm các bộ sách giáo khoa; bồi dưỡng, tập huấn giáo viên…

Áp lực thời gian có thể sẽ ảnh hưởng nhiều tới chất lượng của chương trình và sách giáo khoa mới”- báo cáo chỉ rõ.

Ngoài ra, từ sau khi có Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thực tế cho thấy các điều kiện để bảo đảm thực hiện chương trình mới chưa có nhiều chuyển biến.

Sự vào cuộc, tham gia của địa phương, cơ sở trong công tác chuẩn bị đổi mới chương trình “còn lúng túng, chưa rõ ràng”.

Ủy ban nhấn mạnh đến việc việc xây dựng đội ngũ giáo viên bởi lẽ ngay trong giảng dạy để đáp ứng yêu cầu của chương trình hiện hành cũng “đang là một vấn đề cần quan tâm”.

Theo đó, cần xây dựng chuẩn mực nhà giáo, tạo cơ sở thực hiện đúng Luật Viên chức đối với đội ngũ giáo viên trường công lập và xác nhận vị trí xã hội bình đẳng với giáo viên các trường ngoài công lập.

Do vậy, việc đổi mới giáo dục phổ thông nói chung, đổi mới chương trình, sách giáo khoa nói riêng, phải được thực hiện theo một lộ trình hợp lý trên cơ sở nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng.

Song việc xây dựng một chương trình tổng thể cần tính toán để có sự ổn định, thể hiện một chiến lược phát triển giáo dục phổ thông dài hạn.

Nguồn TTO

Tin cùng chuyên mục