Theo dõi Báo Tây Ninh trên
“Cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc còn tiếp diễn, buộc Việt Nam phải cân nhắc thấu đáo hơn trong tham gia các sáng kiến do hai nước này dẫn dắt” là khuyến nghị rất đáng lưu ý từ nhóm nghiên cứu của CIEM.
Hội thảo “Kinh tế Việt Nam 2018 và triển vọng 2019-2020: Vận hội mới – Yêu cầu mới” được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức sáng nay 17-1.
Báo cáo do CIEM thực hiện nhằm đánh giá diễn biến kinh tế vĩ mô quý IV và cả năm 2018; đánh giá triển vọng kinh tế vĩ mô năm 2019 dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2019 ước đạt 6,93%. Tăng trưởng xuất khẩu dự báo ở mức 9,4%. Thặng dư thương mại ở mức 2,04 tỷ USD. Mức tăng giá tiêu dùng bình quân là khoảng 3,88%.
Từ kết quả phân tích những tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 và mức độ sẵn sàng tham gia của Việt Nam, Báo cáo kết luận rằng Việt Nam có điều kiện và có lợi ích to lớn trong việc tham gia cách mạng công nghiệp 4.0.
“Việc tham gia nhanh hay chậm sẽ quyết định tốc độ cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng để đạt được năng suất cao hơn, năng lực cạnh tranh tốt hơn và mức độ thịnh vượng lớn hơn”, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Chính sách kinh tế vĩ mô, đại diện nhóm nghiên cứu của CIEM nhìn nhận.
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Chính sách kinh tế vĩ mô, đại diện nhóm nghiên cứu của CIEM trình bày Báo cáo tại Hội thảo
Nhìn thẳng vào những nhiệm vụ chưa hoàn thành sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 19 và những yêu cầu mới trong bối cảnh thế giới chuyển đổi mạnh mẽ nhằm thích nghi với nền sản xuất mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Báo cáo nhận định, bên cạnh việc tiếp tục duy trì mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh theo thông lệ quốc tế, phát triển các lĩnh vực Việt Nam có lợi thế so sánh, cần chú trọng nâng cao các yếu tố của công nghệ, đổi mới sáng tạo, chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng dịch vụ công.
Đáng lưu ý là thông qua việc chỉ rõ những nguyên nhân tại sao khu vực kinh tế tư nhân trong nước đóng góp khiêm tốn vào GDP với cách tiếp cận ước tính thặng dư sản xuất theo phương pháp thu nhập, Báo cáo khuyến nghị: cải cách tư pháp cần phải là một trọng tâm cải thiện môi trường kinh doanh sắp tới, song hành với cải cách hành chính.
Việt Nam bước vào năm 2019 với kỳ vọng về không ít cơ hội và thách thức đan xen. Niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước tiếp tục gia tăng sau những cam kết cải cách của Chính phủ cũng như khả năng ứng phó hiệu quả của Chính phủ trước cú sốc từ bên ngoài. Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, RCEP) và cách mạng công nghiệp 4.0 có thể tạo thêm xung lực cho cải cách và tiếp cận nguồn lực (kỹ năng, công nghệ, vốn) từ bên ngoài.
Tuy nhiên, Việt Nam cần tiếp tục xử lý thách thức mang tính căn bản về chất lượng thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc còn tiếp diễn, buộc Việt Nam phải cân nhắc thấu đáo hơn trong tham gia các sáng kiến do hai nước này dẫn dắt. Bản thân hoạt động kinh tế, thương mại và đầu tư có thể gặp khá nhiều bất định, đặc biệt trong nửa đầu năm 2019, do rủi ro suy giảm kinh tế ở không ít nền kinh tế chủ chốt…
Nguồn SGGPO