Pháp luật   Tin tức

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cân nhắc, trách nhiệm khi đăng, chia sẻ thông tin về dịch virus Corona 

Cập nhật ngày: 07/02/2020 - 15:15

BTN - Việc đăng, chia sẻ các tin tức thất thiệt liên quan dịch virus Corona cũng không khác gì việc nuôi dưỡng, phát tán một loại virus nguy hiểm, gây thiệt hại còn ghê gớm hơn so với virus Corona.

Khởi nguồn từ thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), dịch virus Corona nhanh chóng lan ra ở quy mô toàn cầu và đang diễn biến phức tạp. Thông tin về dịch bệnh này xuất hiện hầu như trên khắp các phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là trên các trang mạng xã hội. 

Bên cạnh các thông tin chính thống, đã xuất hiện ngày càng thường xuyên những thông tin không chính xác, thậm chí thất thiệt lan truyền với tốc độ chóng mặt trên không gian mạng. Đại loại như: “33 người chết vì virus Corona ở Chợ Rẫy”; “Hải Phòng đã có 1 ca nghi ngờ mắc Corona gây viêm phổi Vũ Hán”; “2 khách du lịch Trung Quốc bị mắc virus Corona ở phường Bãi Cháy”; “Bệnh viện Lê Lợi, TP.Vũng Tàu có hai người Trung Quốc đang nghi vấn virus Corona”; “Ở Vsip mình đã có trường hợp người Trung Quốc ra chết”; “một bệnh nhân ở Tây Ninh bị nhiễm virus Corona phải nhập viện cấp cứu”; “Thị trấn Tân Biên đã có dịch Corona…”; “virus Corona đã xuất hiện ở Phước Đông”…

Không chỉ phao tin thất thiệt, một số tài khoản Facebook còn ngang nhiên kích động: “Đình công thôi, thà đói, ăn ít bữa còn hơn mắc dịch bệnh”; “Tất cả công ty đình công vì dịch Corona, anh em nào cô đơn quá thì nghỉ nhé”… Đáng trách là, có cả một số văn nghệ sĩ nổi tiếng (Cát Phượng, Ngô Thanh Vân, Đàm Vĩnh Hưng) mà tài khoản Facebook của họ có hàng ngàn, chục ngàn người theo dõi cũng tham gia vào việc đưa, chia sẻ thông tin thất thiệt, sai sự thật liên quan dịch bệnh Corona. 

Với sức lan toả gần như tức thì và không bị giới hạn về không gian của mạng xã hội, chỉ sau vài phút, 1 có khi đã trở thành 100, 1.000 và hơn nữa. Việc đăng, chia sẻ các tin tức thất thiệt liên quan dịch virus Corona cũng không khác gì việc nuôi dưỡng, phát tán một loại virus nguy hiểm, gây thiệt hại còn ghê gớm hơn so với virus Corona.

Tin thất thiệt làm nhiễu loạn thông tin, thổi phồng vô căn cứ mối đe doạ và sự nguy hiểm của dịch bệnh; gieo rắc sự sợ hãi, hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội của địa phương và có thể dẫn đến những hệ luỵ khác như đình công, bãi thị, bỏ việc… Không quá để nói rằng, tình hình phức tạp do virus Corona đang gây nên, phần nào đó có sự tiếp tay đắc lực từ những thông tin thất thiệt, đồn thổi vô căn cứ đã và đang được tán phát, chia sẻ tuỳ tiện trên mạng xã hội.

Trước tình hình trên, cơ quan công an đã triệu tập hơn 170 đối tượng, yêu cầu cam kết và gỡ bỏ, xử lý vi phạm hành chính về bưu chính viễn thông, loan tin đồn sai sự thật liên quan dịch cúm Corona. Cơ quan chức năng đã xử lý phạt hành chính nhiều trường hợp vi phạm với số tiền không nhỏ, như 1 trường hợp ở Vũng Tàu bị phạt đến 30 triệu đồng. 41 trường hợp không hợp tác hoặc không thực hiện cũng đang được tiếp tục làm rõ để xử lý hình sự khi đủ điều kiện. Đây là các biện pháp rất quyết liệt cần thiết. 

Qua xử lý các trường hợp vi phạm, có thể tạm phân loại thành mấy dạng sau. Một là, đăng tin với động cơ tốt, muốn chia sẻ thông tin cho mọi người để chủ động phòng, chống dịch bệnh nhưng lại quá “vô tư”, cứ nghe gì là đăng mà không cần kiểm tra, kiểm chứng lại nguồn tin. Hai là, đăng tin có tính sốc nhằm câu view, câu like cho trang Facebook cá nhân, nôm na là muốn được “nổi tiếng”.

Ba là, cố ý đăng tin thất thiệt để kiếm tiền qua việc bán hàng online. Cuối cùng, cũng là nguy hiểm nhất, là dạng đăng tin nhằm cố tạo sự hoang mang, bất an trong dư luận xã hội. Dù là vì động cơ nào thì rõ ràng, hành vi tung tin sai sự thật về dịch bệnh Corona đều là vi phạm pháp luật và bị nghiêm cấm, tuỳ theo mức độ mà có thể bị xử lý hành chính, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Trên địa bàn tỉnh, đến nay chưa phát hiện trường hợp nào có dấu hiệu bị nhiễm hay nghi ngờ nhiễm virus Corona. Người dân có ý thức cao khi chia sẻ những thông tin chính thống về dịch bệnh cũng là một cách đóng góp cho việc phòng chống dịch bệnh của tỉnh nhà. Tuy nhiên, tình trạng đưa, chia sẻ thông tin không chính xác, thiếu kiểm chứng về tình hình dịch bệnh này trên mạng xã hội đã xuất hiện.

Hơn lúc nào hết, người dùng mạng xã hội cần cân nhắc kỹ càng khi tiếp nhận thông tin để có nhận thức đúng, không chủ quan, “điếc không sợ súng”, nhưng cũng không lo sợ thái quá. Đặc biệt, không tuỳ tiện đăng tải, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội, nhất là thông tin liên quan đến dịch cúm Corona, khi chưa chắc chắn đó là thông tin đúng hay sai. Nên nhớ, dù xuất phát động cơ gì, mọi hành vi đăng tải, chia sẻ thông tin thất thiệt, sai sự thật đều sẽ bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật. 

Thắng Nguyễn

Ngày 3.2.2020, Chính phủ ban hành Nghị định 15/2020/NĐ-CP về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

Một nội dung mới đáng chú ý trong Nghị định 15, cụ thể là ở Điều 101 quy định phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin cổ xuý các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi truỵ, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc;  cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc; cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu; quảng cáo, tuyên truyền, chia sẻ thông tin về hàng hoá, dịch vụ bị cấm; cung cấp, chia sẻ hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia; cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm.

Ngoài phạt tiền, Nghị định 15 quy định biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm nêu trên.

Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15.4.2020.

ĐAM VĨ