Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Căn cứ quy định của Nghị định 61 (đang có hiệu lực), thời hạn công tác tại vùng 135 đối với giáo viên nữ là 3 năm và giáo viên nam là 5 năm. Sau thời gian này, chính quyền địa phương phải bố trí cho họ trở về trường cũ. Nhưng với những giáo viên chưa từng dạy học ở vùng nội địa thì bố trí họ… đi đâu? Có nhiều người đã lớn tuổi, sau cả chục năm đi dạy ở vùng sâu vùng xa, sức khoẻ đã giảm sút, nay họ muốn về dạy học ở gần nhà thì có bố trí được không?

Giáo viên Trường TH Tân Lập, huyện Tân Biên trong giờ dạy.
Vừa qua, Sở Giáo dục - Đào tạo và một số cơ quan có liên quan đã tổ chức cuộc họp để lấy ý kiến về việc thực hiện chi trả chế độ đối với giáo viên đang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (thường gọi là vùng 135). Tham dự phiên họp, ngoài các cơ quan cấp tỉnh còn có lãnh đạo UBND 5 huyện có xã thuộc vùng 135, đại diện Phòng Giáo dục - Đào tạo, Phòng Nội vụ các huyện.
Theo tinh thần của cuộc họp, sau khi ghi nhận các ý kiến đóng góp, Sở Giáo dục - Đào tạo sẽ có bản dự thảo gửi đến các địa phương. Từ bản dự thảo này, các địa phương sẽ tham gia đóng góp bằng văn bản (gửi về Sở), sau đó dự thảo hoàn chỉnh sẽ được trình lên cấp có thẩm quyền xem xét, ra quyết định chính thức về việc chi trả chế độ đối với giáo viên đang dạy học ở vùng 135.
Chế độ đối với giáo viên vùng 135 được quy định tại các văn bản pháp lý sau: Nghị định 61 năm 2006; Nghị định 19 năm 2013 và Thông tư 35 hướng dẫn việc thực hiện Nghị định 19; Văn bản hợp nhất Nghị định 61 năm 2006 với Nghị định 19 năm 2013.
Tại thời điểm hiện nay, một số phòng Giáo dục - Đào tạo đã hoàn chỉnh các ý kiến của mình, trình UBND cấp huyện ký và gửi về Sở Giáo dục- Đào tạo. Mấu chốt của câu chuyện nằm ở chỗ: những đối tượng nào sẽ được hưởng chế độ? Theo tinh thần của Nghị định 61 năm 2006, những giáo viên đang dạy học ở vùng 135 sẽ hưởng chế độ thu hút và phụ cấp ưu đãi với mức đặc biệt cao (70% phụ cấp thu hút và 70% phụ cấp ưu đãi) trong vòng 5 năm.
Sau thời gian 5 năm, giáo viên chỉ được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi, không còn hưởng phụ cấp thu hút nữa. Tháng 2.2013, Chính phủ ban hành Nghị định 19, trong đó quy định: những giáo viên trước đó dạy tại vùng nội địa, nếu hết thời hạn công tác ở vùng sâu mà chưa trở về đơn vị cũ thì tiếp tục được hưởng 70% phụ cấp thu hút. Thông tư 35 (cụ thể hoá Nghị định 19) cũng dựa trên tinh thần đó.
Từ quy định như trên, nảy sinh một số khúc mắc khiến cho việc chi trả chế độ đối với giáo viên vùng 135 vừa chậm trễ vừa thiếu thống nhất.
Trước tiên, quy định chỉ thực hiện chế độ thu hút đối với những đối tượng chuyển công tác từ vùng nội địa đến vùng 135 hết thời hạn mà chưa trở về đơn vị cũ là không công bằng với một nhóm đối tượng còn lại. Nhóm đối tượng này chính là những sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp được điều động thẳng về vùng 135 công tác.
Theo một cách hiểu nào đó, những giáo viên trẻ vừa rời ghế nhà trường này cũng chính là giáo viên từ vùng nội địa được phân công về dạy học tại vùng 135, bởi vì trước đó, những giáo viên này chưa từng dạy học tại bất cứ trường nào. Mặt khác, những giáo viên này được điều về công tác tại vùng 135 khi tuổi đời còn trẻ, đời sống, điều kiện vùng 135 lúc đó (năm 2006) khó khăn hơn hiện nay nhiều.
Vậy tại sao họ lại không thuộc diện tiếp tục được hưởng chế độ thu hút, trong khi một số giáo viên, trước khi chuyển đến vùng 135 công tác thì đã có một thời gian dạy học ở vùng nội địa với điều kiện thuận lợi hơn. Rõ ràng, tính từ thời điểm năm 2006, những giáo viên trẻ thiệt thòi hơn nhiều so với giáo viên lớn tuổi.
Cũng liên quan đến việc điều động, có trường hợp giáo viên khi ra trường được điều về công tác ở vùng nội địa nhưng chỉ về có... một tuần hoặc mươi ngày rồi chuyển đến vùng sâu. Theo tinh thần của Nghị định 19 thì những đối tượng này lại tiếp tục được hưởng chế độ thu hút!
Căn cứ quy định của Nghị định 61 (đang có hiệu lực), thời hạn công tác tại vùng 135 đối với giáo viên nữ là 3 năm và giáo viên nam là 5 năm. Sau thời gian này, chính quyền địa phương phải bố trí cho họ trở về trường cũ. Nhưng với những giáo viên chưa từng dạy học ở vùng nội địa thì bố trí họ… đi đâu? Có nhiều người đã lớn tuổi, sau cả chục năm đi dạy ở vùng sâu vùng xa, sức khoẻ đã giảm sút, nay họ muốn về dạy học ở gần nhà thì có bố trí được không?
Ngoài những bất cập trên, hiện nay đang có thông tin trong mùa hè này, một số Phòng Giáo dục- Đào tạo sẽ điều chuyển những giáo viên đang dạy ở trường thuộc vùng nội địa nhưng thành tích thi đua thấp đến công tác tại vùng 135. Điều này có nghĩa, những người có thành tích thi đua kém cỏi hơn người khác lại được điều đến vùng công tác có mức thu nhập cao! Đó còn chưa kể, khi chuyển trường, số giáo viên này còn được lãnh chế độ hỗ trợ tiền di chuyển, tàu xe theo quy định.
Do bản dự thảo đang trong quá trình hoàn thiện nên chưa biết cụ thể những đối tượng nào sẽ tiếp tục được hưởng chế độ vùng 135. Nhưng dù thế nào thì các quy định trong bản dự thảo cũng không thể vượt ra ngoài hoặc làm khác với tinh thần của các nghị định, thông tư đã nêu ở phần trên.
Căn cứ vào các văn bản pháp luật hiện hành của Trung ương, các địa phương hoàn toàn có thể vận dụng để thực hiện việc chi trả chế độ đối với giáo viên. Nếu như việc thực hiện chi trả chế độ thiếu tính thuyết phục thì ắt chuyện khiếu nại, kiện cáo sẽ khó tránh khỏi, đặc biệt trong đó giáo viên có quyền yêu cầu đưa họ trở về vùng nội địa theo quy định của Nghị định 61 năm 2006.
Theo thông tin được biết, trong 5 huyện có xã thuộc vùng 135, chỉ mới có Tân Biên thực hiện chi trả bình thường, đầy đủ và kịp thời. Cũng liên quan đến chế độ đối với giáo viên vùng sâu, cách nay vài ngày, giáo viên đang dạy học tại xã Tân Lập (xã được phục hồi chế độ như vùng 135 trong hai năm 2014 - 2015 của huyện Tân Biên) đã được lãnh tiền. Theo thâm niên, bậc lương, có người được lãnh hơn một trăm triệu đồng.
Đ.V.T