Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Hội đồng Phối hợp PBGDPL Trung ương:
Cần nhân rộng nhiều mô hình, cách làm hay trong công tác PBGDPL
Thứ tư: 18:28 ngày 22/06/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Chiều 21.6, đoàn kiểm tra của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) Trung ương do ông Nguyễn Lam- Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương, Uỷ viên Hội đồng Phối hợp PBGDPL Trung ương làm trưởng đoàn có buổi làm việc với Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh về kết quả công tác PBGDPL, hoà giải ở cơ sở, xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Lam- Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương phát biểu tại buổi kiểm tra.

Tiếp và làm việc với đoàn có ông Võ Đức Trong- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh; ông Phạm Văn Đặng- Giám đốc Sở Tư pháp cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh quán triệt, thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, lĩnh vực, tăng cường hướng về cơ sở, gắn công tác PBGDPL với xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật, xác định các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu để các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và Uỷ ban nhân dân cấp huyện tổ chức thực hiện.

Các cấp, ngành trên toàn tỉnh đã triển khai công tác PBGDPL cho cán bộ, nhân dân, trong đó tập trung tuyên truyền nội dung văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các văn bản luật mới ban hành, quy định của pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của người dân...

Đổi mới, đa dạng hoá các mô hình, hình thức PBGDPL phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, nhất là trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Các hình thức chủ yếu được địa phương áp dụng như tổ chức thi viết tìm hiểu pháp luật, tuyên truyền pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng xã hội (Zalo, Facebook, fanpage…), xe loa, pa-nô, băng-rôn, áp-phích…

Thành viên đoàn kiểm tra của Hội đồng Phối hợp PBGDPL Trung ương trao đổi ý kiến tại buổi kiểm tra.

Toàn tỉnh đã tổ chức 18.061 cuộc tuyên truyền pháp luật với hơn 789.000 lượt cán bộ, công chức, chiến sĩ, giáo viên, học sinh, người lao động và nhân dân tham dự; trợ giúp pháp lý được 320 vụ, việc; thực hiện tư vấn pháp luật cho 143 lượt người dân; biên soạn, in ấn và phát hành 1.474.485 tài liệu tuyên truyền pháp luật.

Hệ thống thông tin ở cơ sở đã đăng tải 216 bài viết và 216 khẩu hiệu tuyên truyền các văn bản pháp luật mới, các quy định của pháp luật về biên giới quốc gia, các quy định của pháp luật gắn với tình hình hiện nay.

Trong năm 2021, địa phương đã triển khai áp dụng một số mô hình hay, cách làm mới, nhất là các mô hình, giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn phát sinh do tình hình dịch bệnh Covid-19, cụ thể như tuyên truyền pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng (chương trình “Tư vấn pháp luật”, “Gặp gỡ luật sư” đăng tải trên Báo Tây Ninh; chuyên mục “Đối thoại tại phiên toà” của Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh), trang mạng xã hội (chương trình “Thanh niên và pháp luật” của Sở Tư pháp và Tỉnh đoàn), trang thông tin điện tử PBGDPL tỉnh, hệ thống thông tin cơ sở; sử dụng hình thức livestream trên nền tảng mạng xã hội trong tuyên truyền, PBGDPL… 

Trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đã kiện toàn 513 tổ hòa giải với 3.688 hoà giải viên. Năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, các tổ hoà giải ở cơ sở thụ lý 646 vụ tranh chấp, đưa ra hoà giải 633 vụ; trong đó số vụ hoà giải thành 560 vụ, số vụ hoà giải không thành hướng dẫn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết 73 vụ. 

Đại tá Nguyễn Văn Trãi- Giám đốc Công an tỉnh phát biểu tại buổi kiểm tra.

Bên cạnh đó, biên soạn, in ấn và phát hành 1.768 bộ tài liệu tập huấn nghiệp vụ, tổ chức hội thi hoà giải viên giỏi ở cơ sở cấp huyện, xã, các hội nghị tập huấn cho đội ngũ tập huấn viên hoà giải ở cơ sở, hoà giải viên dưới hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến.

Năm 2021, Chủ tịch UBND cấp huyện xem xét, quyết định công nhận 92/94 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2020. Năm 2022, Chủ tịch UBND cấp huyện xem xét, quyết định công nhận 89/94 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2021.

Các xã, phường, thị trấn chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật chủ yếu là do có cán bộ, công chức vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp ban hành Công văn hướng dẫn triển khai thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; biên soạn, in ấn và phát hành 10.000 tờ gấp hỏi – đáp về Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg; đồng thời đăng tải, viết bài tuyên truyền về Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg và Thông tư số 09/2021/TT-BTP trên Trang thông tin điện tử PBGDPL tỉnh, Báo Tây Ninh và hệ thống thông tin ở cơ sở… để kịp thời hướng dẫn việc xây dựng, đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2022. 

Ông Nguyễn Lam- Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương đánh giá cao kết quả về công tác PBGDPL, hoà giải ở cơ sở và chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh; đồng thời đề nghị Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh phát huy vai trò, trách nhiệm của mình và các thành viên của hội đồng; quan tâm đến đối tượng đặc thù là người dân tộc thiểu số, người yếu thế; tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ đội ngũ tuyên truyền viên, báo cáo viên, hoà giải viên; nhân rộng nhiều mô hình, cách làm hay trong công tác PBGDPL, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, mang lại hiệu quả thiết thực.

Thiên Di

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục