Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Cần nhiều biện pháp để nâng cao thương hiệu Việt
Thứ tư: 16:52 ngày 08/01/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sáng 7.1, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt tỉnh (gọi tắt là Cuộc vận động) tổ chức hội nghị thông qua dự thảo báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Cuộc vận động Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt (2019-2024).

Quang cảnh hội nghị

Phó Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Mạnh Hùng- Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh chủ trì hội nghị. Ông Võ Đức Trong- Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động; ông Dương Văn Thắng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành tham dự và có nhiều ý kiến đóng góp.

Theo Ban Chỉ đạo, thông qua Cuộc vận động, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh đã nhận thức rõ hơn về trách nhiệm, ý nghĩa và tầm quan trọng trong phục vụ nhu cầu của người dân. Nhiều doanh nghiệp chủ động tích cực tham gia Cuộc vận động bằng nhiều hình thức như nâng cao chất lượng sản phẩm và hạ giá thành sản phẩm; thường xuyên thực hiện các chương trình khuyến mãi; coi trọng chế độ bảo hành sản phẩm và cam kết với người tiêu dùng, tăng cường thông tin, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng... tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Phạm Văn Tín đề nghị cần tăng cường công tác kiểm tra, xử lý hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng.

Đến tháng 9.2024, toàn tỉnh hiện có 59 mã số vùng trồng cây ăn trái được ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh hỗ trợ cấp mã số xuất khẩu với tổng diện tích trên 1.400 ha. Ngành nông nghiệp cũng hỗ trợ triển khai thực hiện phần mềm truy xuất nguồn gốc cây trồng điện tử (KIPUS) hỗ trợ cài đặt phần mềm cho 247 tổ chức, cá nhân sản xuất cây ăn quả với tổng diện tích trên 1.700 ha; cấp mã QR và tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho 10 tổ chức, cá nhân, với số lượng 130.500 tem... tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, thực hiện hiệu quả chính sách khuyến công, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nâng cao năng lực quản lý, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất. Từ năm 2019 đến nay, đã hỗ trợ thực hiện 8 đề án khuyến công quốc gia với tổng số tiền phê duyệt 5,7 tỷ đồng; 75 đề án khuyến công địa phương với tổng số tiền được phê duyệt trên 11 tỷ đồng.

Giám đốc Sở Công Thương Phạm Trung Chánh phát biểu hiệu quả của Cuộc vận động.

Hằng năm, các cơ quan, đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh phối hợp triển khai kế hoạch phiên chợ hàng Việt về nông thôn và biên giới tại 6 huyện trên địa bàn tỉnh. Các doanh nghiệp, các nhà sản xuất, kinh doanh phối hợp tổ chức các xe lưu động bán hàng bình ổn tại trước và trong các khu, cụm công nghiệp, khu dân cư… góp phần phân phối hàng hoá đến tận tay người tiêu dùng vùng sâu, vùng xa, nâng cao ý thức sử dụng hàng Việt đối với người dân.

Trong 5 năm qua, các ngành chức năng phối hợp các ngành thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chống hàng gian, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ năm 2019 đến nay đã kiểm tra hơn 4.200 vụ với tổng số 2.033 vụ vi phạm, tổng số tiền nộp ngân sách 22,4 tỷ đồng. Ước tính trị giá hàng hoá buộc tiêu huỷ 6,3 tỷ đồng.

Mãng cầu là một trong những đặc sản được nhiều người ưa chuộng khi đến Tây Ninh

Phát biểu tại cuộc họp, đại diện các đơn vị đề nghị Ban Chỉ đạo cần có cuộc khảo sát để nắm thực chất hiệu quả của Cuộc vận động; đẩy mạnh công tác tuyên truyền với tần suất nhiều hơn, hướng đến từng nhóm đối tượng để vận động, tuyên truyền. Tỉnh cần xây dựng những cửa hàng thương hiệu Việt với những sản phẩm trong nước và trong tỉnh; có đánh giá sức ảnh hưởng của hàng nước ngoài tác động đến thị trường sản phẩm trong nước. Bên cạnh đó, mỗi sản phẩm làm ra cần được công khai, minh bạch hạn sử dụng cũng như thông tin từng sản phẩm. Số lượng sản phẩm OCOP của tỉnh hiện nay nhiều nhưng còn trùng lặp, Ban Chỉ đạo cần đặt mục tiêu 5 năm tới mỗi xã sẽ có 1 sản phẩm OCOP riêng...

Khách hàng tham quan và tìm mua muối ớt Tinh Nguyên – đặc sản của Tây Ninh

Kết luận hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị trong thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục rà soát các chính sách, thủ tục pháp lý, nghiên cứu tham mưu thực hiện các chính sách đặc thù của địa phương hỗ trợ các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh theo kế hoạch; tăng cường hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất về hồ sơ pháp lý, chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, nhãn mác, chỉ dẫn địa lý của các sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP của địa phương.

Cục Quản lý thị trường tiếp tục công tác kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hết hạn sử dụng. Các đơn vị tăng cường tuyên truyền các sản phẩm hàng Việt trên nền tảng số. Phó Bí thư Tỉnh uỷ cũng thống nhất ý kiến cần xây dựng sàn thương mại điện tử để mọi người có thể nắm biết rõ từng sản phẩm đặc trưng của tỉnh; đặt ra chỉ tiêu thực hiện Cuộc vận động trong thời gian 5 năm tới với những cột mốc cụ thể.

Ngọc Diêu

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục