Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025:
Cần nhiều giải pháp khơi thông động lực tăng trưởng
Thứ sáu: 05:21 ngày 22/09/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Với 24 chỉ tiêu chủ yếu được Nghị quyết Đại hội XI đề ra, qua đánh giá nửa nhiệm kỳ các chỉ tiêu về lĩnh vực xã hội, môi trường, xây dựng Đảng đã đạt được trên 50% nhiệm vụ, khả năng cuối nhiệm kỳ sẽ hoàn thành.

Rà soát các nguồn lực có thể huy động vào tăng trưởng kinh tế, khơi thông những “điểm nghẽn”, phát huy hiệu quả liên kết vùng, triển khai quy hoạch tỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính công vụ… Đây là những giải pháp trọng yếu về phát triển kinh tế trong những năm cuối nhiệm kỳ được Tỉnh uỷ tập trung thảo luận, thống nhất định hướng lãnh đạo, chỉ đạo tại hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh.

Thi công tuyến đường 787 trên địa bàn phường Trảng Bàng, thị xã Trảng Bàng.

Kinh tế duy trì tăng trưởng trong khó khăn

Theo đánh giá của Tỉnh uỷ, với 24 chỉ tiêu chủ yếu được Nghị quyết Đại hội XI đề ra, qua đánh giá nửa nhiệm kỳ các chỉ tiêu về lĩnh vực xã hội, môi trường, xây dựng Đảng đã đạt được trên 50% nhiệm vụ, khả năng cuối nhiệm kỳ sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, các chỉ tiêu về phát triển kinh tế đến nay còn nhiều khó khăn, khả năng hoàn thành là một thách thức rất lớn, như: tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 4,72% (Nghị quyết: 7,5%); thu nhập bình quân đầu người đạt 33,1% so mục tiêu Nghị quyết; chỉ số sản xuất công nghiệp đạt khoảng 9% so mục tiêu 15,5%.

Mặc dù vậy, kinh tế của tỉnh vẫn có những điểm sáng, trong đó có thể kể đến sự phát triển ổn định, đúng hướng của lĩnh vực nông nghiệp và sự bứt phá của du lịch.

Trong những năm qua, nông nghiệp của tỉnh tiếp tục cơ cấu lại theo hướng nâng cao chuỗi giá trị và phát triển bền vững. Ngành trồng trọt chuyển dịch theo hướng tăng diện tích cây ăn quả, giảm diện tích cao su, mía, lúa; khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và tăng cường liên kết sản xuất. Hệ thống thuỷ lợi được quan tâm, hoàn thành Dự án tưới tiêu phía Tây sông Vàm Cỏ Đông giai đoạn 1, phục vụ sản xuất khoảng 17.000 ha.

Chăn nuôi phát triển theo hướng chuỗi giá trị, chuyển dịch mạnh sang chăn nuôi quy mô lớn, trang trại tập trung, bảo đảm an toàn sinh học.

Dự án Tưới tiêu phía Tây sông Vàm Cỏ Đông đoạn thuộc ấp Trường, xã Hảo Đước (Ảnh: Minh Dương)

Trong gần 3 năm qua, toàn tỉnh cấp mới 67 dự án với vốn đăng ký trên 5.300 tỷ đồng; có 144 dự án chăn nuôi còn hiệu lực, vốn đăng ký 10.470 tỷ đồng. Ước đến cuối năm 2023, giá trị sản phẩm bình quân trên 1 ha đất trồng trọt đạt 109 triệu đồng/năm (tăng 9 triệu đồng/ha so với năm 2020).

Du lịch tăng trưởng và phát triển nhanh, tạo ấn tượng mạnh mẽ, đặc biệt là Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen được đẩy mạnh thu hút đầu tư theo Quy hoạch phân khu, sản phẩm du lịch tâm linh đặc sắc mang đẳng cấp quốc gia, tạo hiệu ứng lan toả kết nối chuỗi giá trị du lịch địa phương. Tây Ninh đã xây dựng và hoàn thiện ứng dụng du lịch thông minh để tăng cường quảng bá, giới thiệu, tạo ấn tượng với du khách.

Tính đến nay, có 19 dự án được cấp phép đầu tư thuộc lĩnh vực dịch vụ du lịch, với tổng vốn đầu tư trên 9.100 tỷ đồng. Tỉnh quan tâm hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như các dịch vụ du lịch, góp phần thúc đẩy tăng trưởng doanh thu và lượng khách tham quan; nâng cao chất lượng, hiệu quả thiết chế văn hoá, các lễ hội, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, làm phong phú các sản phẩm du lịch trên địa bàn. Doanh thu du lịch tăng bình quân 48,1%/năm và lượng khách tham quan tăng bình quân 51,1%/năm.

Thi công tuyến đường 787 trên địa bàn Thị xã Trảng Bàng (Ảnh: Khánh Duy)

Phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế

Theo đánh giá của Tỉnh uỷ, tốc độ tăng trưởng GRDP có khả năng không đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Tổ tư vấn độc lập của Trường đại học Kinh tế - Luật đánh giá theo 3 kịch bản và khả năng tỉnh sẽ đạt ở kịch bản thấp, khoảng 5,15% đến 6,5%.

Phát biểu tại hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc cho rằng, bức tranh toàn cảnh về kinh tế - xã hội của tỉnh nửa đầu nhiệm kỳ đan xen giữa gam màu sáng và xám, giữa thời cơ và thách thức.

Có nhiều yếu tố tác động rất lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thậm chí nằm ngoài dự báo. Đó là đại dịch Covid-19 chưa có tiền lệ, gây hậu quả, tác động tiêu cực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống xã hội; tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine đang tiếp diễn; sự suy giảm kinh tế toàn cầu, lạm phát gia tăng, thị trường xuất khẩu thu hẹp. Bên cạnh đó, cũng có những yếu tố là hạn chế nội tại như quy mô kinh tế, nguồn lực của địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của xã hội; còn những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước chưa được khắc phục triệt để, ảnh hưởng đến chất lượng điều hành của các cấp chính quyền…

UBND tỉnh đã nhận diện các tồn tại, hạn chế, xác định rõ nguyên nhân- nhất là nguyên nhân chủ quan để tập trung khắc phục. Trước hết, sẽ tập trung rà soát cụ thể các chỉ tiêu nghị quyết, xác định rõ chỉ tiêu nào gần đạt phải tìm giải pháp đạt; chỉ tiêu nào có khả năng đạt, vượt thì cần thúc đẩy; chỉ tiêu nào khó đạt phải nỗ lực phấn đấu đạt ở mức tiệm cận và sẽ có giải pháp cho từng chỉ tiêu.

Đồng thời, chỉ đạo rà soát các nguồn lực, nhất là những nguồn lực, dự án có thể huy động làm gia tăng động lực tăng trưởng kinh tế nửa cuối nhiệm kỳ để có giải pháp phát huy tối đa. Tỉnh cũng sẽ chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; tăng cường kiểm tra, đẩy nhanh dự án trọng điểm của tỉnh, địa phương, sớm hoàn thành góp phần vào tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công; tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các dự án đầu tư tư đang triển khai bảo đảm tiến độ, hiệu quả đầu tư, góp phần vào tăng trưởng kinh tế.

Nông dân xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu thu hoạch sầu riêng (Ảnh: Tâm Giang)

Cùng với đó, thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiếp cận chính sách nhanh, hiệu quả, nhất là chính sách hỗ trợ vốn, xây dựng thương hiệu, kết nối thị trường, thủ tục đầu tư, chuyển đổi đất đai… Thúc đẩy chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường kỷ luật kỷ cương công vụ. Thực hiện tốt công tác đánh giá cán bộ, thực hiện đổi vị trí công tác của một số cán bộ có dấu hiệu trì trệ, không dám nghĩ, dám làm.

Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm nhấn mạnh: “Qua kết quả sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, có thể thấy việc hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết đề ra là một thử thách lớn đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tây Ninh, nhất là các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội trong bối cảnh tình hình còn nhiều diễn biến phức tạp, nhanh chóng, cơ hội và thách thức đan xen.

Do đó, yêu cầu chính trị đặt ra là từng cấp uỷ, tổ chức Đảng các cấp, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm cá nhân của các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ, Thường trực, các đồng chí Tỉnh uỷ viên trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được nghị quyết, văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đề ra tại cơ quan, đơn vị, địa phương được phân công phụ trách.

Rút kinh nghiệm từ kết quả sơ kết giữa nhiệm kỳ, tiếp tục rà soát, bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp để đưa vào kế hoạch hành động của ngành, lĩnh vực, cá nhân để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới”.

Phương Thuý

Tin cùng chuyên mục