Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
NGÀNH SẢN XUẤT, CHẾ BIẾN TINH BỘT MÌ:
Cần nhiều nỗ lực
Thứ ba: 18:33 ngày 16/04/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Các doanh nghiệp cần phải tìm được tiếng nói chung như thành lập hiệp hội sản xuất, chế biến mì để ngành Nông nghiệp thuận lợi hơn trong việc trao đổi, quản lý, bảo vệ lĩnh vực sản xuất chế biến tinh bột khoai mì trong tỉnh.

Công nghệ tách mủ tinh bột mì bằng máy Sê-pa tại Nhà máy sản xuất mì của Chi nhánh Công ty TNHH  DV TM CN Hùng Duy 8 tại xã Ninh Điền, huyện Châu Thành.

Theo ngành Nông nghiệp, hằng năm, diện tích khoai mì Tây Ninh khoảng 40-60 ngàn ha/năm. Bên cạnh đó, các nhà máy trong tỉnh còn nhập khẩu khoảng 3 triệu tấn củ mì tươi từ Campuchia để chế biến. Vì vậy, Tây Ninh là tỉnh có nhiều nhà máy sản xuất tinh bột khoai mì nhất cả nước, với 67/170 nhà máy, chiếm gần 50% sản lượng tinh bột mì cả nước.

Mới đây, có tin cho biết, Trung Quốc- quốc gia nhập khẩu gần 90% sản lượng tinh bột mì của Việt Nam- vừa đưa ra các tiêu chuẩn khắt khe đối với bột mì nhập khẩu, đây là một thách thức cam go đối với ngành sản xuất, chế biến tinh bột mì của tỉnh.

Theo ngành Nông nghiệp, đến ngày 1.10.2019, các sản phẩm thực phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc phải có chứng nhận an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu cấp, trong đó có mặt hàng tinh bột mì.

Để sản phẩm tinh bột mì được nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp sản xuất chế biến khoai mì phải thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn yêu cầu về kỹ thuật, an toàn thực phẩm theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP, cũng như các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật của phía Trung Quốc. Một điều kiện bắt buộc là các doanh nghiệp phải đăng ký trong danh sách các nhà máy sản xuất tinh bột mì với Tổng cục Hải quan Trung Quốc, và được cơ quan có thẩm quyền, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác nhận.

Một yêu cầu khác mà phía Trung Quốc đưa ra là phải bảo đảm các yêu cầu về kỹ thuật, điều kiện vệ sinh tại kho chứa sản phẩm không có nấm mốc, côn trùng hại lọt vào. Các doanh nghiệp sản xuất phải thiết lập hệ thống quản lý sản xuất (uỷ thác, sản lượng, vùng trồng), chế biến, lưu trữ hồ sơ, thiết bị, nhân viên, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Doanh nghiệp phải có phòng kiểm định sản phẩm, kiểm soát kim loại nặng; nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị sản xuất, phòng kiểm nghiệm các chỉ tiêu chất lượng cơ bản đối với sản phẩm nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn phải chú trọng đến quy định về bao bì, nhãn mác như tên sản phẩm, công ty, địa chỉ liên hệ, mục đích sử dụng là thực phẩm hay nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Phần lớn diện tích cây mì được trồng tại một cánh đồng ở xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu bị nhiễm bệnh khảm lá.

Sản phẩm tinh bột mì nhập khẩu vào Trung Quốc, được phân ra làm 2 loại: dùng làm thực phẩm và dùng trong công nghiệp. Đối với tinh bột khoai mì được nhập khẩu làm thực phẩm, ngoài việc đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật còn phải có mã code, mã vạch, truy xuất nguồn gốc, mã vùng trồng...

Trước những hàng rào kỹ thuật nghiêm ngặt mà phía Trung Quốc đưa ra đối với sản phẩm tinh bột khoai mì nhập khẩu sau ngày 1.10.2019, theo ông Võ Đức Trong- Giám đốc Sở NN&PTNT, doanh nghiệp phải theo dõi sát sao những thông tin mà phía Trung Quốc yêu cầu, cũng như nghiên cứu các quy định của thị trường nước bạn để kịp thời đáp ứng trước ngày 1.9.2019 (thời điểm quy định có chứng nhận lô hàng an toàn thực phẩm của nước xuất khẩu).

Ông Trong cho rằng, các doanh nghiệp trong tỉnh cần đoàn kết để cùng nhau tìm giải pháp ứng phó với thị trường trong nước, thị trường Trung Quốc. Các doanh nghiệp cần phải tìm được tiếng nói chung như thành lập hiệp hội sản xuất, chế biến mì để ngành Nông nghiệp thuận lợi hơn trong việc trao đổi, quản lý, bảo vệ lĩnh vực sản xuất chế biến tinh bột khoai mì trong tỉnh.

Được mùa mì. Ảnh: Dương Đức Kiên

Theo ông Trong, khi Trung Quốc chính thức áp dụng quy định trên, nếu doanh nghiệp không đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm, cũng như các hàng rào kỹ thuật, khó mà xuất khẩu được tinh bột mì thực phẩm. Khi đó, doanh nghiệp chỉ có thể xuất khẩu tinh bột mì dùng trong chế biến công nghiệp, giá thấp hơn rất nhiều so với tinh bột mì thực phẩm, dẫn đến việc thu mua mì của nông dân với giá thấp.

Hệ quả là, nông dân có thể sẽ bỏ mì để trồng loại cây khác, giống như bỏ mía trồng mì và các loại cây khác. Vì thế, ngoài việc nghiên cứu các yêu cầu kỹ thuật từ phía Trung Quốc, doanh nghiệp cũng cần phải quan tâm đến việc xây dựng vùng nguyên liệu khoai mì.

Ngành Nông nghiệp cũng khuyến cáo, nông dân nên hạn chế trồng mì trong giai đoạn khảm lá. Người dân nên chọn các giống mì sạch bệnh để trồng như giống KM 94, KM 419. Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh liên hệ với các tỉnh khu vực miền Trung để tìm giống mì sạch bệnh cung cấp cho nông dân.

Anh Bùi Công Ngọc- một nông dân nhiều năm gắn bó với cây mì ở xã Tân Hiệp, huyện Tân Châu cho biết, sau khi nghe ngành Nông nghiệp thông tin về những khó khăn của ngành chế biến, xuất khẩu tinh bột mì; những vấn đề mà nông dân trồng mì cần phải làm như liên kết sản xuất với các nhà máy, trồng mì phải bảo đảm các tiêu chuẩn quy định… anh hết sức lo lắng vì hiện nay phần đông người trồng đều không nắm được các thông tin trên.

Theo anh Ngọc, khi anh nói với những người trồng mì như anh những thông tin trên, nhiều người dửng dưng tỏ ra không tin, trong khi thời hạn mà phía Trung Quốc đưa ra đã sắp đến.

Anh Ngọc mong muốn, ngành Nông nghiệp, các ngành chức năng liên quan, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, để người trồng mì nắm và hiểu rõ hơn về vấn đề này.

THIÊN TÂM

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh