Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chất lượng dịch vụ xe buýt:
Cần những “cú nhảy” xa hơn
Thứ sáu: 00:35 ngày 06/04/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thời gian qua, dịch vụ vận tải hành khách công cộng không ngừng được đầu tư, phát triển, góp phần hạn chế ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường, từng bước xây dựng nếp sống văn minh trong giao thông công cộng. Tuy nhiên, nhiều người dân phản ánh, hoạt động xe buýt công cộng vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.

Nhà chờ bến xe khách Hoà Thành với phần mái gỉ sét, chông chênh, xiêu vẹo.

Thời gian chờ xe lâu, nhà chờ xuống cấp

Nhiều người dân phản ánh, việc di chuyển bằng xe buýt thường mất khá nhiều thời gian, do khoảng thời gian xuất bến của mỗi chuyến xe cách nhau khá xa. Đặc biệt, vào các giờ cao điểm, tình trạng hết chỗ và trễ chuyến lại càng kéo dài.

Nhiều người dân có nơi ở và làm việc gần trạm dừng, nhà chờ xe buýt sẵn sàng sử dụng phương tiện này để di chuyển hằng ngày, nhưng do số lượng xe còn hạn chế, các tuyến xe chưa nhiều, không thể đáp ứng hết nhu cầu đi lại, nên họ đành sử dụng xe mô tô để di chuyển.  

Qua tìm hiểu được biết, trên địa bàn tỉnh có 14 nhà chờ, nhưng chỉ có 10 nhà chờ đang sử dụng. Số lượng trạm dừng, nhà chờ xe buýt quá ít. Phần lớn nhà chờ tập trung trên các tuyến đường lớn. Được biết, hầu hết các nhà chờ này đều do doanh nghiệp đầu tư khi được vận động.

Không chỉ việc bố trí nhà chờ xe buýt còn bất cập, hiện nay, tình trạng nhà chờ ngay trong bến xe cũng không mấy “sáng sủa”. Phần lớn các mái che của nhà chờ đều bị gỉ sét, còn khung sắt nhà chờ lại chông chênh, xiêu vẹo. Bên cạnh đó, hàng ghế đá, bảng thông tin thường bị hư ít được quan tâm, sửa chữa, nhất là ở nhà chờ tại bến xe Hoà Thành.

Theo Sở Giao thông - Vận tải, hiện nay, xe buýt tham gia hoạt động trên địa bàn tỉnh chủ yếu sản xuất từ năm 2004-2009. Chỉ riêng xe buýt tuyến Củ Chi - Lộc Hưng đang sử dụng phương tiện sản xuất năm 2014 (theo quy định của Chính phủ, xe buýt có niên hạn sử dụng không quá 20 năm).

Mặc dù số lượng xe buýt đang hoạt động vẫn còn niên hạn sử dụng, nhưng chất lượng đã xuống cấp. Hoạt động xe buýt vẫn còn một số hạn chế như hệ thống điều hoà xuống cấp, công nghệ kiểm soát vé thông minh chưa được thực hiện, thái độ phục vụ của nhân viên chưa hoà nhã, văn minh… nên hành khách “quay lưng” với xe buýt.

Được biết, tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 7 tuyến xe buýt đang hoạt động, bao gồm 4 tuyến liên tỉnh (Tây Ninh - TP. HCM) và 3 tuyến nội tỉnh, với 69 xe các loại.

Cần nâng cao chất lượng dịch vụ

Để khuyến khích người dân đi lại bằng xe buýt, theo quy hoạch mạng lưới tuyến vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đến năm 2020 của tỉnh, ngoài 7 tuyến xe buýt đang khai thác, sẽ có 9 tuyến xe buýt được đưa vào quy hoạch gồm: Hoà Thành - Tây Ninh - Biên Giới, thành phố Tây Ninh - Dương Minh Châu, thành phố Tây Ninh - Bến Đình - Mộc Bài, Hoà Thành - Hoà Hiệp, Gò Dầu - Phước Chỉ, thành phố Tây Ninh - Xa Mát - Chàng Riệc, Tân Biên - Tống Lê Chân, thành phố Tây Ninh - Dầu Tiếng, Lộc Hưng - An Hoà - Đức Hoà.

Theo Sở Giao thông - Vận tải, trên cơ sở chương trình làm việc với Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Bình Dương và Long An, sẽ kêu gọi các doanh nghiệp vận tải triển khai đưa vào hoạt động 2 tuyến xe buýt liên tỉnh. Đồng thời, công khai niêm yết thông tin các tuyến xe buýt quy hoạch trên trang thông tin điện tử của Sở để các đơn vị vận tải đăng ký mở tuyến- nếu có nhu cầu.

Bên cạnh đó, Sở cũng sẽ từng bước bố trí nguồn vốn sự nghiệp giao thông lắp đặt bổ sung các nhà chờ, biển báo trạm xe buýt để kịp thời phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Trong năm 2018, dự kiến đưa vào thiết kế lắp đặt ít nhất 10 nhà chờ xe buýt trên tuyến đường 30.4 (thành phố Tây Ninh) theo dự án nâng cấp cải tạo hiện đang thi công, đồng thời, Sở sẽ chỉ đạo các đơn vị quản lý dự án khi lập hồ sơ thiết kế công trình, dự án mở mới, nâng cấp mở rộng đường đưa vào thiết kế có các công trình, kết cấu hạ tầng phục vụ cho hoạt động của xe buýt.

Ngoài ra, Sở Giao thông - Vận tải cũng sẽ vận động các doanh nghiệp, hợp tác xã từng bước có kế hoạch đầu tư, thay thế phương tiện xe buýt bảo đảm số lượng và chất lượng, dự kiến lộ trình đến năm 2021 sẽ thay mới toàn bộ phương tiện. Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp vận tải đầu tư phương tiện xe buýt có hỗ trợ sử dụng cho người khuyết tật, xe buýt sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường.

Đồng thời, kêu gọi các đơn vị vận tải có khả năng khảo sát mở mới những tuyến xe buýt theo quy hoạch mạng lưới xe buýt của tỉnh. Việc tập huấn cho lái xe, nhân viên bán vé… về kỹ năng xử lý tình huống, văn hoá ứng xử, bảo quản phương tiện và thực hiện tiết kiệm nhiên liệu cũng được chú trọng.

Song song đó, sẽ nghiên cứu áp dụng công nghệ kiểm soát vé thông minh cho hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, và tiến tới áp dụng để hoạt động xe buýt được nâng cao chất lượng, đáp ứng tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

PHƯƠNG THẢO - THIÊN DI

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục