BAOTAYNINH.VN trên Google News

Khai thác cát sai quy định:

Cần phải xử lý nghiêm hơn nữa 

Cập nhật ngày: 28/12/2020 - 08:30

BTN - Vừa qua, Báo Tây Ninh có bài “Xử lý nghiêm các trường hợp khai thác cát sai quy định”, phản ánh kết quả chấn chỉnh hoạt động khai thác cát trong khu vực hồ Dầu Tiếng của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, đến nay, tình trạng khai thác cát sai quy định trong hồ Dầu Tiếng vẫn xảy ra. Trong khi đó, phần lớn tàu khai thác cát lậu bị cơ quan chức năng bắt giữ không nằm trong danh sách tàu khai thác của các doanh nghiệp.

Những chiếc tàu không nằm trong danh sách đăng ký của doanh nghiệp được đưa lên bờ.

Phần lớn các doanh nghiệp chấp hành quy định

Kết quả kiểm kê tàu khai thác cát hoạt động vào năm 2019 cho thấy, tổng số tàu của 14 doanh nghiệp được UBND tỉnh Tây Ninh cấp giấy phép trong lòng hồ Dầu Tiếng gồm 59 tàu đăng ký khai thác, 60 tàu không đăng ký. Riêng tổng số tàu không chủ, không đăng ký khai thác của các doanh nghiệp trên địa bàn Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước là 59 tàu, trong đó có 14 tàu không biển số, 45 tàu có biển số.

Tại Tây Ninh, đối với 60 tàu không đăng ký khai thác của 14 doanh nghiệp được cấp phép, cơ quan chức năng đã đề nghị các doanh nghiệp tháo dỡ trang thiết bị, phương tiện bơm hút, khai thác cát, kéo tàu lên bờ, neo đậu, tuyệt đối không được sử dụng khi chưa có sự cho phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Ðồng thời, Tây Ninh kiến nghị các tỉnh và các cơ quan có thẩm quyền liên quan chỉ đạo xử lý đối với 59 tàu “lạ” không chủ vẫn còn neo đậu tại hồ Dầu Tiếng.

Sau đợt kiểm kê này, các doanh nghiệp Tây Ninh chấp hành tốt yêu cầu của tỉnh trong việc di dời số tàu không nằm trong danh sách đăng ký khai thác. Một doanh nghiệp khai thác cát trong khu vực hồ Dầu Tiếng chia sẻ, chi phí đóng một chiếc tàu khá lớn nên đưa tàu lên bờ, tháo bỏ máy móc, doanh nghiệp “xót ruột” vì “tiếc của”, nhưng đó là chủ trương, phải chấp hành.

Chỉ vào những chiếc tàu được kéo lên bờ nằm phơi mưa nắng, chủ doanh nghiệp cho biết đã kêu bán phế liệu nhưng giá mua quá thấp nên doanh nghiệp vẫn còn trù trừ- dù trước sau gì cũng phải bán, chứ không thể để mãi như vậy được.

Một doanh nghiệp khai thác trong hồ Dầu Tiếng tại địa bàn huyện Dương Minh Châu cho rằng, việc di dời các tàu không nằm trong danh sách của các doanh nghiệp trong tỉnh là giải pháp căn cơ để chấn chỉnh hoạt động khai thác cát, đúng công suất, số lượng tàu đã đăng ký. Doanh nghiệp này cũng đã di dời vài chiếc tàu ra khỏi hồ và kêu bán với giá “cho có” so với giá trị đầu tư.

Theo chủ doanh nghiệp trên, hầu hết các doanh nghiệp khai thác cát trên trong khu vực hồ Dầu Tiếng đều chấp hành chủ trương di dời các tàu không nằm trong kế hoạch khai thác, bởi lẽ, ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát. Còn tại sao vẫn còn tàu không nằm trong danh sách đăng ký của các doanh nghiệp lại khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng, thì doanh nghiệp này không thể nào lý giải được (!?).

Do diện tích hồ quá rộng (!?)

Có thể thấy rằng, việc tỉnh tăng cường áp dụng nhiều biện pháp chấn chỉnh hoạt động khai thác cát trong khu vực hồ Dầu Tiếng thời gian qua đã góp phần đưa hoạt động này vào nề nếp. Ða phần các doanh nghiệp mà chúng tôi tìm hiểu đều hoạt động đúng số lượng tàu đăng ký, khai thác đúng công suất quy định.

Gần đây nhất, vào tháng 11.2020, các cơ quan chức năng của tỉnh tiếp tục kiểm tra các phương tiện không nằm trong kế hoạch khai thác của các doanh nghiệp trong hồ Dầu Tiếng. Kết quả, có 16 tàu không có trong kế hoạch theo Báo cáo số 87/ BC-TTN ngày 20.10.2020 của tổ tác nghiệp UBND tỉnh được các doanh nghiệp tập kết tại bến bãi. Qua kiểm tra, phát hiện thêm 4 tàu mới, trong đó có 2 tàu không có trong kế hoạch khai thác, đã hết hạn đăng kiểm, được một doanh nghiệp thuê để nạo vét luồng lạch.

Các cơ quan chức năng kiến nghị trục xuất 10 tàu ra khỏi khu vực hồ Dầu Tiếng. Còn 10 tàu của 2 doanh nghiệp do đang được thẩm định để hoán cải công suất đưa vào kế hoạch khai thác nên kiến nghị chưa di dời.

Ông Trần Quang Hùng- Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng- Phước Hoà cho biết, sau đợt kiểm đếm, nhìn chung các doanh nghiệp chấp hành tốt việc di dời các tàu không nằm trong danh sách ra khỏi hồ. Ðối với các tàu được đưa vào diện “vô chủ” trước đây, đã có 9 doanh nghiệp đến nhận và xin di dời.

Hiện vẫn còn một số tàu “vô chủ” neo đậu. Ðây là điều mà công ty hết sức băn khoăn vì lâu ngày tàu sẽ bị oxy hoá, gỉ sét, chưa kể dầu máy trên phương tiện chảy xuống gây ô nhiễm nước hồ. Công ty đã kiến nghị với các tỉnh liên quan, cần có biện pháp xử lý như thông báo tìm kiếm chủ sở hữu; nếu không có ai đến nhận, thực hiện thủ tục thông báo bán hoá giá sung công quỹ nhằm bảo đảm môi trường cho hồ Dầu Tiếng.

Theo ông Trần Quang Hùng, thời gian qua, công ty tăng cường công tác kiểm tra quản lý phương tiện hoạt động trong hồ nhưng do địa bàn quá rộng, diện tích hồ nằm trên địa phận 3 tỉnh và có rất nhiều luồng lạch, các tàu khai thác cát lậu thường neo đậu ở các luồng lạch để né tránh. Vì vậy, trong thời gian tới, công ty sẽ đẩy mạnh công tác kiểm tra để kịp thời phát hiện và phối hợp với cơ quan chức năng các tỉnh xử lý các tàu khai thác cát lậu.

Những chiếc tàu “vô chủ” thuộc diện phải trục xuất ra khỏi hồ Dầu Tiếng từ năm 2019.

Mặc dù ngành chức năng đã có nhiều biện pháp xử lý nghiêm, nhưng có ý kiến cho rằng, có thể vẫn còn một số cá nhân vì lợi nhuận, bất chấp quy định đưa tàu vào lòng hồ để khai thác cát lậu.

Vấn đề đặt ra là, số tàu thuộc diện phải di dời đã được di dời hết ra khỏi hồ hay chưa? Hiện tại, trong hồ còn bao nhiêu tàu “vô chủ”? Bên cạnh đó, ngoài việc tịch thu tàu, cũng cần phải làm rõ số cát khai thác lậu được tiêu thụ như thế nào? Có hay không việc doanh nghiệp “tiếp tay” cho hoạt động khai thác cát lậu? Và cũng cần có biện pháp xử lý nghiêm đối với doanh nghiệp nếu có hành vi vi phạm. Có như thế, doanh nghiệp mới chấp hành các quy định được tốt hơn.

Thiên Tâm