Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Cần quản lý chặt chẽ người bệnh tâm thần
Chủ nhật: 17:43 ngày 24/03/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Hiện nay trên địa bàn tỉnh, số lượng người bệnh tâm thần có xu hướng gia tăng, nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng lớn, nhưng công tác quản lý, điều trị cho người bệnh ở địa phương còn khó khăn, bất cập. Đây là vấn đề nan giải, cần sự quan tâm mạnh mẽ, sâu sát hơn nữa của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.

Nhiều vụ án liên quan đến người tâm thần

Hơn hai tháng qua, người dân xã Tân Lập, huyện Tân Biên vẫn chưa hết bàng hoàng về thảm kịch gia đình xảy ra ở ấp Tân Tiến. Vào khoảng 21 giờ ngày 15.1, N.V.C (sinh năm 1975) dùng dao chém mẹ ruột là bà N.T.K (sinh năm 1951) nhiều nhát khiến bà K chết tại chỗ. Nguyên nhân ban đầu được xác định, C. có biểu hiện bệnh tâm thần.

Vài ngày trước, C thường nói lảm nhảm một mình, ít ăn, mất ngủ và có những hành vi khác thường. Sau khi nhận tin báo, Công an huyện Tân Biên đến ngay hiện trường, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ tiến hành điều tra. Hiện cơ quan Công an đang thụ lý điều tra vụ án.   

Trước đó, vào đầu tháng 12.2018, gần khu vực chợ xã Tân Hưng, huyện Tân Châu, người dân bất ngờ phát hiện một phụ nữ leo trèo, đu mình trên cột điện. Trong khi loay hoay leo, người phụ nữ vô tình làm cột điện phát nổ, bản thân chị ta bị thương. Nhận được tin báo, lực lượng chức năng nhanh chóng có mặt tại hiện trường, đưa người phụ nữ xuống đất an toàn.

Sau khi sự việc xảy ra, người phụ nữ được đưa đến trạm y tế xã chữa trị vết bỏng ở đùi. Qua trao đổi, đại diện UBND xã Tân Hưng xác nhận người phụ nữ leo cột điện là dân địa phương, tên là D.T.T.T. Chị T mắc bệnh tâm thần từ nhỏ, được gia đình chăm sóc tại nhà. Mỗi lần lên cơn, chị T. lại đi lang thang ngoài đường, quậy phá, leo trèo khắp nơi. Khi phát hiện, bà con thông báo cho gia đình đưa chị T. về uống thuốc.  

Cộng đồng không an tâm

Đa số người tâm thần là người vô gia cư. Họ chọn góc phố là nhà, nhặt nhạnh thức ăn để sống; một số trường hợp có gia đình, thân nhân nhưng thường bỏ nhà đi lang thang, không biết đường về. Nhiều gia đình có người mắc bệnh lại không đưa đến bệnh viện mà tìm cách điều trị tại nhà, thậm chí bỏ mặc.

Một người tâm thần lang thang trên đường phố 

Người dân sống xung quanh khu vực chợ phường 3, phường 4 hay chợ thành phố Tây Ninh đã quá quen với hình ảnh những người ăn mặc rách rưới, ngày lang thang quanh chợ, tối co quắp ngủ ở lề đường, vỉa hè, sạp chợ, chẳng ai biết họ đến từ đâu. “Có trường hợp người tâm thần lang thang lên cơn, đuổi theo phương tiện, đánh người qua đường, ai gặp cũng phải tránh né. Lúc người bệnh có vẻ bình thường, mọi người cũng không dám đến gần, vì chẳng biết họ lên cơn lúc nào”, chị A.N, ngụ phường IV, TP.Tây Ninh chia sẻ.

Bên cạnh những trường hợp người tâm thần lang thang không ai quản lý, việc chăm sóc người bệnh tâm thần tại gia đình cũng chưa được quan tâm đúng mức. Có trường hợp gia đình bận mưu sinh, không thể trông coi, chỉ còn cách mặc kệ hoặc trói, nhốt người bệnh trong nhà, không cho tiếp xúc với bên ngoài, tránh ảnh hưởng mọi người.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay người mắc bệnh tâm thần được quản lý, điều trị tại gia đình chiếm tỉ lệ lớn. Việc theo dõi, quản lý đối tượng này rất khó vì phần lớn các gia đình đều có hoàn cảnh khó khăn, việc chăm sóc, chữa trị hạn chế nên bệnh có khả năng trở nên trầm trọng.  

Đề cập đến vấn đề quản lý người tâm thần trên địa bàn, một cán bộ làm công tác thương binh - xã hội cho hay, đối với những người có biểu hiện bệnh tâm thần thuộc đối tượng bảo trợ, gia đình sẽ liên hệ với chính quyền địa phương làm hồ sơ. Địa phương đưa ra xét duyệt, nếu đủ điều kiện sẽ đề nghị cấp huyện hỗ trợ theo quy định. 

Ông Nguyễn Văn Lầm- Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh cho biết, Tây Ninh chưa có nơi chăm sóc, điều trị cho người bệnh tâm thần. Đơn vị phải làm công văn, gửi người bệnh tâm thần nặng đến các trung tâm ở tỉnh Long An và Tiền Giang để điều trị. Hiện có 29 trường hợp được đơn vị gửi đi điều trị. Tuy nhiên, các trung tâm ở tỉnh bạn cũng đang quá tải, đã từ chối tiếp nhận thêm bệnh nhân ở Tây Ninh gửi xuống.

Thực tế, nhận thức của người dân về bệnh tâm thần còn hạn chế, người tâm thần sống cùng người thân trong gia đình tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong khi tỉnh ta còn thiếu điều kiện vật chất, không có bác sĩ chuyên điều trị tâm thần nên không thể buộc những người bệnh đặc biệt này phải đi chữa trị.  

Xuất phát từ nhu cầu thực tế, Tây Ninh đang đầu tư xây dựng Trung tâm Công tác xã hội tổng hợp tỉnh, dự kiến đến năm 2020 sẽ hoàn thành. Khi đó, tỉnh ta sẽ có cơ sở chuyên điều trị bệnh tâm thần. Hy vọng sự ra đời của Trung tâm sẽ giảm bớt gánh nặng cho gia đình có con em mắc bệnh, giảm áp lực và nỗi lo cho cộng đồng.

Phải quản lý chặt

Đại diện Trung tâm Y tế phường 3, TP.Tây Ninh cho biết, hiện trung tâm đang cấp phát thuốc cho 28 người mắc bệnh động kinh, tâm thần phân liệt. Họ được cấp phát thuốc mỗi tháng một lần, số lượng thuốc điều trị khác nhau tuỳ theo chỉ định của bác sĩ. Gia đình có thành viên mắc bệnh tâm thần, khi đến trung tâm nhận thuốc được hướng dẫn cách chăm sóc, theo dõi tình trạng bệnh cụ thể.  

Đối với những gia đình kinh tế khá giả, nếu có người thân mắc bệnh tâm thần, họ sẽ đưa người bệnh đi chữa trị ở Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (Đồng Nai). Những gia đình nghèo, khó khăn sẽ được Nhà nước hỗ trợ, cấp phát thuốc điều trị. Đối với trường hợp bệnh trở nặng sẽ được cơ quan chức năng làm hồ sơ, thủ tục đưa người bệnh đi bệnh viện điều trị.

Đối với những người tâm thần lang thang, Sở LĐTB&XH đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo Phòng LĐTB&XH, UBND phường, xã, thị trấn có người tâm thần lang thang không rõ nguồn gốc hoặc có địa chỉ thường trú ngoài địa bàn lập danh sách báo cáo Sở. Đồng thời, cử cán bộ đưa những đối tượng này đến bàn giao cho Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh tiếp nhận, thực hiện theo chính sách quy định.

Các cơ quan chuyên môn khuyến cáo, đối với gia đình có người bệnh tâm thần, ngoài việc chăm sóc, cho uống thuốc đúng liều, đúng giờ, cần quản lý chặt các dụng cụ có khả năng gây sát thương, kịp thời phát hiện và đưa đi điều trị khi người bệnh có biểu hiện bất thường về hành vi, tính nết, ngủ ít, đi lang thang… hạn chế thấp nhất các hiểm họa do người tâm thần gây ra.

Thiên Di-Phương Thảo

Thống kê năm 2014 của Sở LĐTB&XH, toàn tỉnh có 4.690 gia đình có người mắc bệnh tâm thần nặng, với tổng số người bệnh là 4.711. Tuy nhiên, chỉ có 2.877 người bệnh tâm thần nặng có uống thuốc hằng ngày; trong đó 1.759 người uống thuốc do Nhà nước cấp và gia đình có mua thêm thuốc điều trị; 1.118 người bị bệnh tâm thần do gia đình tự lo thuốc men điều trị hoàn toàn và có đến 1.843 người không uống thuốc hằng ngày.  
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục