BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cần quản lý chặt hoạt động mua bán gia súc khu vực biên giới

Cập nhật ngày: 06/11/2009 - 05:04

Không ít trâu, bò từ Campuchia sang đã đi thẳng vào lò mổ (Ảnh minh hoạ).

Một cán bộ Sở Công thương cho biết, theo quy định của Chính phủ về việc quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới; quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kiểm dịch, nhập khẩu trâu bò từ các nước Lào, Campuchia và Quyết định số 1294/QĐ-UBND ngày 2.7.2009 của UBND tỉnh về ban hành hướng dẫn hoạt động mua bán, trao đổi hàng hoá của cư dân biên giới qua các cửa khẩu tỉnh Tây Ninh với các tỉnh giáp biên thuộc Vương quốc Campuchia thì Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để người dân tổ chức mua bán, trao đổi hàng hoá (trong đó có trâu bò) tại các cửa khẩu đã có ký kết mở cửa khẩu với Campuchia cũng như tạo diều kiện cho các doanh nghiệp, cá nhân mua gom trâu bò sau nhập khẩu. Tuy nhiên, trâu bò sau khi vào Việt Nam phải được cách ly, kiểm dịch tại các địa điểm được xây dựng theo quy định chung tại các tuyến biên giới đã có quyết định mở cửa khẩu nhằm ngăn ngừa dịch bệnh gia súc lây lan.

Ở Tây Ninh, có thể được nhập khẩu trâu bò (từ Campuchia sang) dưới các hình thức sau: Doanh nghiệp, chủ hàng được nhập khẩu trâu bò theo hợp đồng kinh tế tại các cửa khẩu có lực lượng Hải quan; được mua gom trâu bò sau nhập khẩu của cư dân biên giới tại các cửa khẩu phụ; cư dân biên giới bán trâu bò phải lập bản kê (có xác nhận của đồn biên phòng tại cửa khẩu phụ). Hải quan thực hiện các thủ tục xuất-nhập khẩu hàng hoá (trâu bò) theo quy định; những nơi chưa có Hải quan thì Biên phòng tổ chức quản lý và theo dõi hoạt động mua bán, trao đổi của cư dân biên giới; Cục Thuế có trách nhiệm theo dõi và chỉ đạo việc cấp phát, sử dụng hoá đơn thuế VAT trong hoạt động mua bán trâu bò tại các cửa khẩu…

Tuy nhiên, theo đánh giá của các ngành chức năng trong Ban Chỉ đạo hoạt động thương mại biên giới tỉnh ta thì trong thời gian qua tình hình mua bán trâu bò trên tuyến biên giới diễn ra khá phức tạp. Hoạt động mua bán trâu bò giữa người dân hai bên biên giới được thực hiện qua hình thức trao đổi “không chính thức”, có nghĩa là không thực hiện các khâu, các thủ tục xuất-nhập khẩu theo quy định. Hầu hết trâu bò từ Campuchia vào Việt Nam đều nhập lậu qua các lối mòn, bờ ruộng, ngõ tắt trên tuyến biên giới. Do đó, ngành chức năng rất khó kiểm tra, xử lý. Ngoài trâu bò có nguồn gốc từ Campuchia, hiện Tây Ninh còn là nơi tiếp nhận một lượng đáng kể trâu, bò từ nước thứ ba “vượt biên” vào Việt Nam bằng đường bộ. Việc nhập lậu trâu bò vào Việt Nam không những gây thất thoát về thu thuế mà còn gây nguy cơ lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho ngành chăn nuôi, làm ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế trong nước và sức khoẻ cộng đồng.

Một cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đến nay đã có 6 cá nhân gửi văn bản xin mở điểm cách ly kiểm dịch trâu bò nhập khẩu từ Campuchia vào Việt Nam qua địa phận các huyện Tân Biên (3 điểm), Bến Cầu (2 điểm) và Châu Thành (1 điểm).

Bò thả đàn ở khu vực biên giới xã Tân Lập, Tân Biên.

Hiện các điểm cách ly kiểm dịch trâu bò nhập khẩu ở huyện Tân Biên đang được xây dựng; điểm ở Châu Thành đã xây dựng xong và ngay sau đó không lâu, cơ quan chức năng phát hiện Công ty TNHH Kim Thành-chủ nhân của điểm cách ly kiểm dịch trâu bò nhập khẩu này đã biến nơi đây thành “trạm trung chuyển” trâu bò nhập lậu (Báo Tây Ninh số ra ngày 5.11); trong khi đó, đề nghị xin mở 2 điểm cách ly kiểm dịch trâu bò nhập khẩu ở huyện Bến Cầu đã không được cơ quan chức năng chấp thuận.

Mới đây, Sở Công thương cho biết đã có văn bản trả lời hai cá nhân về đề nghị được mở điểm cách ly kiểm dịch trâu bò và xin phép mua trâu bò nhập khẩu ở khu vực biên giới huyện Bến Cầu. Văn bản này cho biết, theo quy định, các địa điểm trên tuyến biên giới chưa ký kết mở đường mòn, cửa khẩu với các tỉnh giáp biên thuộc Vương quốc Campuchia thì không được tổ chức mua bán, trao đổi hàng hoá (kể cả trâu bò) của cư dân biên giới. Tại những địa điểm mà hai cá nhân trên đề nghị cho phép được mua gom trâu bò nhập khẩu, hiện chưa được chính quyền hai bên ký kết mở đường mòn, cửa khẩu. Do đó, đề nghị của hai cá nhân này không được chấp nhận.

Điều đáng nói là doanh nghiệp đầu tiên được phép xây dựng khu cách ly, kiểm dịch trâu bò ở biên giới và có giấy phép kinh doanh gia súc, gia cầm lại nhập khẩu lậu trâu bò để thu lợi bất chính, bất chấp hậu quả có thể xảy ra cho cộng đồng và ngành kinh tế trong nước. Từ trường hợp này, thiết nghĩ các ngành chức năng cần quản lý chặt hơn nữa đối với hoạt động mua bán trâu bò ở khu vực biên giới để tránh tái diễn trường hợp cá nhân “núp bóng” các “điểm cách ly, kiểm dịch trâu bò” để buôn lậu gia súc qua biên giới.

ĐÌNH CHUNG