Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

VƯỜN QUỐC GIA LÒ GÒ - XA MÁT:

Cần quản lý chặt việc khai thác cây trồng phụ trợ 

Cập nhật ngày: 20/06/2022 - 05:55

BTN - Để bảo đảm cây rừng trồng chính ít bị thiệt hại từ việc thanh lý cây phụ trợ, Ban Quản lý cần có giải pháp để rừng trồng phát triển với tỷ lệ cao hơn trong thời gian tới, hạn chế tình trạng cứ mỗi lần thanh lý lại phải trồng giặm.

Một thửa rừng lâm sinh đã khai thác cây keo lai gây thiệt hại cho cây rừng trồng.

Những ngày qua, tại khu rừng lâm sinh/khai thác cây trồng xen (cây phụ trợ) thuộc Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát (xã Hoà Hiệp, huyện Tân Biên), người trồng rừng lâm sinh khai thác cây trồng xen kẽ là loại cây keo lai với diện tích khá nhiều, khai thác ồ ạt khiến nhiều người lo ngại ảnh hưởng đến chất lượng cây rừng trồng lâu năm.

GIÁ CAO, NGƯỜI TRỒNG RỪNG VUI

Có mặt tại khu rừng đang khai thác cây keo lai thuộc Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát (xã Hoà Hiệp, huyện Tân Biên), những cây keo lai đã cưa xong chất thành từng đống một đoạn dài khoảng 1m chất đầy bên đường vào khu vườn quốc gia. Bên cạnh đó, xe tải chở gỗ keo lai lần lượt chạy ra khỏi vườn khiến không khí khu vực này khoảng nửa tháng qua luôn nhộn nhịp.

Những rừng gỗ cây keo lai đang khai thác là những cây trồng phụ trợ trồng xen kẽ tại các khu rừng lâm sinh. Đây là loại cây trồng mà những năm đầu người trồng rừng được khai thác hưởng lợi trong thời gian chờ những cây rừng trồng lâu năm như dầu, sao lớn lên - đây được xem là cách khuyến khích người dân tham gia trồng rừng.

Một cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, việc khai thác cây trồng phụ trợ trồng xen xẽ tại các khu rừng lâm sinh được cho phép theo quy định. Tuy nhiên, việc khai thác phải được Ban Quản lý Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát cho phép khi thực hiện theo đúng trình tự thủ tục, chứ không phải người nào muốn khai thác là khai thác. Chi cục Kiểm lâm tỉnh nắm tình hình và sẽ phối hợp với Ban Quản lý Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát theo dõi việc khai thác này.

Một thương lái thu mua cây keo lai tại đây cho biết, giá keo lai hiện nay tại các tỉnh Bình Dương và Đồng Nai từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng/ha, tuỳ theo chất lượng cây. Với giá khá cao nên nhiều người xin khai thác keo lai trồng xen kẽ tại các khu rừng tái sinh.

Thế nhưng, vấn đề cần quan tâm là khi thu hoạch cây keo lai, không ít cây rừng bị ảnh hưởng như bị gãy nhánh, bị cây keo lai đè khi đốn dẫn đến gãy ngang, rồi những nhánh nhỏ cây keo lai bị bỏ lại không dọn dẹp gọn gàng. Cơ quan quản lý rừng cần có sự giám sát chặt chẽ để có giải pháp hạn chế thấp nhất những thiệt hại đến cây rừng.

VƯỜN QUỐC GIA LÒ GÒ - XA MÁT NÓI GÌ?

Ông Tạ Ngọc Vân- Phó Giám đốc Ban Quản lý vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát cho biết, trong năm 2021, đơn vị này đã cho những hộ nhận trồng rừng/khai thác cây trồng xen (cây keo lai) thực hiện khai thác theo thiết kế với diện tích 231,4 ha/106 lô.

Năm 2022, đơn vị này tiếp tục cho khai thác với diện tích 196,4 ha/97 lô. Tất cả các lô rừng mà Ban giải quyết cho người trồng rừng khai thác cây phụ trợ đều được kiểm tra đúng quy định trước khi cho khai thác. Tuy nhiên, do thời hạn khai thác theo quyết định là 2 năm nên nhiều hộ trồng rừng đã đợi đến thời điểm này khi giá keo lai cao giá mới tiến hành khai thác ồ ạt như vừa qua.

Theo ông Tạ Ngọc Vân, khi xem xét giải quyết cho các hộ trồng rừng thanh lý cây trồng xen kẽ là keo lai. Ban Quản lý cũng đã căn cứ vào các quy định như cây trồng phụ trợ phải đủ 5 năm tuổi trở lên, tiến hành kiểm tra thực trạng để xem xét có đủ điều kiện thanh lý hay không.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý cũng thành lập tổ kiểm tra, giám sát các hộ trồng rừng khoán khi khai thác cây trồng xen kẽ phải ký cam kết không để xảy ra cháy rừng trong và sau quá trình khai thác rừng; thực hiện bàn giao ngoài hiện trường theo từng hàng cây, lô rừng, đồng thời kiểm tra, giám sát thường xuyên việc thực hiện của hợp đồng; đình chỉ ngay các vi phạm về phòng cháy chữa cháy rừng hoặc khi cảnh báo thời tiết xảy ra nguy cơ cháy rừng cao.

Trách nhiệm của người nhận trồng rừng khoán, khi khai thác cây trồng phụ trợ phải cam kết không để xảy ra cháy rừng trong và sau quá trình khai thác rừng, vệ sinh rừng. Xử lý thực bì giữa 2 hàng cây rừng bảo đảm không để xảy ra cháy rừng trước, trong và sau khi thực hiện cây khai thác, tỉa thưa rừng trồng.

Theo ông Tạ Ngọc Vân, trong quá trình khai thác do nguyên nhân khách quan có ảnh hưởng đến cây rừng như: cây keo quá lớn khi cưa ngã đổ gây thiệt hại cho cây rừng, cũng có một số cây rừng trồng bị chết do thời tiết…

Tuy nhiên theo quy định đối với rừng trồng lâm sinh, cây trồng chính để hình thành rừng tỷ lệ sống từ 50% trở lên là đạt kế hoạch. Do đó để ràng buộc trách nhiệm của các hộ trồng rừng khi giải quyết cho thanh lý cây trồng phụ trợ, Ban Quản lý yêu cầu các hộ trồng rừng phải trồng giặm cây chính, cây phụ ngay trong mùa khô năm 2022 đúng mật độ thiết kế ban đầu.

Tiêu chuẩn cây trồng giặm là cây bản địa (sao, dầu, giáng hương…) 2 năm tuổi trở lên, cây không cong queo, sâu bệnh, không cụt ngọn, chiều cao từ 1,2m trở lên, đường kính từ 1,5cm trở lên. Riêng cây trồng phụ trợ là cây keo phải từ 3 tháng tuổi trở lên, không cong queo, sâu bệnh.

Theo ông Tạ Ngọc Vân, hiện nay diện tích cây trồng chính tại các khu rừng lâm sinh có trồng xen kẽ cây trồng phụ trợ tại Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát đạt khoảng 70%-80%.

Tuy nhiên, để bảo đảm cây rừng trồng chính ít bị thiệt hại từ việc thanh lý cây phụ trợ, Ban Quản lý cần có giải pháp để rừng trồng phát triển với tỷ lệ cao hơn trong thời gian tới, hạn chế tình trạng cứ mỗi lần thanh lý lại phải trồng giặm.

THẾ NHÂN