Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Tây Ninh, bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (viết tắt bằng tiếng Anh là COPD) và hen suyễn đến điều trị ngày một tăng. Năm 2017 có 1.778 lượt người đến khám hen, đến năm 2018 là 2.547 lượt. Năm 2017, bệnh viện quản lý ngoại trú 531 người bệnh COPD, năm 2018 là 698 người. Đáng quan tâm là nhiều bệnh nhân đang trong độ tuổi lao động và có những người đến bệnh viện điều trị khi đã trở nặng.
Nhân viên y tế thao tác với máy dao động xung ký.
Vẫn còn thờ ơ
Sau một buổi thực hiện các xét nghiệm, kiểm tra sức khoẻ tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, chị L.T.N (44 tuổi, ngụ xã Long Thành Bắc, huyện Hoà Thành) đã được kết luận mắc bệnh hen suyễn bậc 2. Chị N cho biết mình làm nghề cắt, uốn tóc đã hơn 20 năm. Do đặc thù nghề nghiệp, chị phải thường xuyên tiếp xúc với các loại hoá chất làm móng, làm tóc, nhưng không có bảo hộ lao động như bao tay hay khẩu trang. Việc hít phải những hoá chất dần dà làm sức khoẻ chị bị ảnh hưởng.
Cách đây hơn 10 ngày, chị bị ho, khò khè, uống thuốc cả tuần nhưng không hết mà nặng hơn về đêm. Trước đó, chị N cũng từng bị các triệu chứng tương tự, tái đi tái lại. Vì vậy, chị đến bệnh viện để làm xét nghiệm mong tìm ra căn nguyên. Theo chị N, mỗi khi bệnh, chị luôn đến những nơi khám, chữa bệnh như trung tâm y tế huyện hay bệnh viện chuyên khoa. Lần này khi biết bệnh của mình là mạn tính không thể chữa dứt, chị khá bất ngờ và lo lắng. Nhưng sau khi được bác sĩ tư vấn, giải thích cặn kẽ, chị đã hiểu hơn và hứa sẽ tuân thủ theo hướng dẫn điều trị với hy vọng sớm cải thiện sức khoẻ.
Thực hiện các hoạt động trong khuôn khổ Chương trình Vì lá phổi khoẻ được Bộ Y tế phát động, trong tháng 3.2019, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Tây Ninh tập trung thực hiện 3 hoạt động gồm: Sinh hoạt khoa học cho nhân viên y tế; Sinh hoạt CLB bệnh nhân và tầm soát miễn phí cho người có triệu chứng nghi hen hoặc COPD. |
Qua hai ngày điều trị tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, ông V.V. H (75 tuổi, ngụ ấp Tân Khai, xã Tân Lập, huyện Tân Biên) vẫn chưa khoẻ hẳn. Theo người nhà ông H, vài ngày trước ông lên cơn mệt, khó thở nên đã vào Trung tâm Y tế huyện điều trị. Hai ngày nay, gia đình chuyển ông vào Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh để theo dõi điều trị.
Đây là lần thứ hai ông phải vào viện vì bệnh COPD. Ông H nghiện thuốc lá gần 70 năm, đều đặn mỗi ngày hút một gói. Hơn một năm trước, tuy đã vào viện một lần nhưng sau khi khoẻ lại, ông H không tiếp tục theo điều trị nên bệnh kéo dài và chuyển nặng. Đặc biệt, ông H vẫn tiếp tục hút thuốc lá sau đợt bệnh đầu tiên, và chỉ mới ngừng hút thuốc được khoảng 10 ngày nay.
Đây là hai trong số nhiều bệnh nhân COPD và hen đã đến khám, điều trị tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi. Đối với những người mắc các căn bệnh nêu trên, việc nhận thức về bệnh, tuân thủ điều trị vẫn còn nhiều hạn chế, làm bệnh nặng hơn. Hiện nay, việc phát hiện bệnh COPD và hen rất khó khăn do người bệnh đến bệnh viện muộn, cứ nghĩ các triệu chứng ban đầu là phản ứng bình thường của cơ thể.
Con số bệnh nhân được chẩn đoán khác con số thực trong cộng đồng. Bên cạnh đó, nhiều người bệnh vẫn còn nhận thức sai lầm trong việc điều trị khi tự ý dùng thuốc không theo hướng dẫn của bác sĩ, hoặc đến những nơi khám bệnh không đúng chuyên khoa, dẫn đến bệnh tiến triển càng nặng.
Theo Ths. bác sĩ Lương Thị Thuận- Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, nguyên nhân gây bệnh COPD là do tiếp xúc lâu dài với những yếu tố nguy cơ có hại cho đường hô hấp, trong đó hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân hàng đầu. Hút càng nhiều và thời gian hút càng dài, khả năng tiến triển đến bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính càng cao.
Bên cạnh đó, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở người không bỏ hút thuốc rất khó điều trị. Đối với bệnh hen suyễn, lên cơn ho, thở rít khò khè, khó thở khi tiếp xúc với những yếu tố kích phát thì cần phải quan tâm khám phát hiện bệnh sớm.
Hãy “Vì lá phổi khoẻ”
Hiện nay, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen suyễn đã và đang gây ra những gánh nặng to lớn cho bệnh nhân, làm giảm chất lượng cuộc sống hằng ngày của người bệnh. Những hậu quả do đợt kịch phát mà bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản gây nên nếu không được kiểm soát có thể dẫn đến tử vong, tàn phế, hay các phí tổn lớn khi nhập viện.
Theo bác sĩ Thuận, để giảm thiểu bệnh, phương pháp hàng đầu là phải bỏ thuốc lá, phòng tránh yếu tố nguy hại, cấm hút thuốc lá nơi công cộng, quan tâm khám phát hiện bệnh sớm và tuân thủ điều trị. Bác sĩ Thuận cho biết: “Đây là những bệnh mạn tính không thể điều trị dứt, người bệnh phải sẵn sàng tâm lý “sống chung với lũ”.
Nhưng nếu được phát hiện sớm, điều trị đúng cách và tuân thủ điều trị tốt sẽ kiểm soát được bệnh, có khả năng phục hồi sớm, cải thiện đường thở, có thể sinh hoạt bình thường hoặc tương đối bình thường. Nếu bệnh nhân khám và điều trị trễ, phải dùng đến những loại thuốc nặng hơn gây nhiều tác dụng phụ về lâu dài”.
Từ năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm 2015-2025, nhằm phòng, kiểm soát hen và COPD. Điều này thể hiện sự cam kết, ưu tiên của Chính phủ, ngành Y tế trong phòng, chống hen và COPD.
Mục tiêu của chiến lược là nâng cao nhận thức của cộng đồng về bệnh, tăng tỷ lệ người bệnh được phát hiện sớm, được điều trị; tăng tỷ lệ bệnh nhân được kiểm soát hen và COPD theo hướng dẫn, tăng cường năng lực của hệ thống y tế để thực hiện nhiệm vụ phòng, kiểm soát hen và COPD. Bên cạnh đó, năm 2017, Bản ghi nhớ hợp tác về Chương trình “Vì lá phổi khoẻ” tại Việt Nam cũng được ký kết giữa Cục Quản lý khám, chữa bệnh và Văn phòng đại diện Công ty AstraZeneca Việt Nam giai đoạn 2018-2020.
Theo đó, chương trình dự kiến thành lập và củng cố 150 phòng quản lý ngoại trú hen và COPD với cơ sở hạ tầng đạt chuẩn trên cả nước, góp phần chẩn đoán sớm, điều trị hiệu quả, nâng cao chất lượng quản lý bệnh hen và COPD. Tháng 8.2018, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) còn cho ra mắt trang thông tin điện tử “Vì lá phổi khoẻ” (http://vilaphoikhoe.kcb.vn).
Bệnh nhân COPD điều trị tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi.
Tây Ninh là một trong những tỉnh tham gia vào chương trình này và nhận được nhiều hỗ trợ, nâng cao công tác khám, điều trị bệnh. Đáng chú ý, chương trình đã triển khai chuyển giao kỹ thuật chẩn đoán, điều trị bệnh COPD và hen, đo chức năng hô hấp cho tuyến y tế cơ sở như Trung tâm Y tế thành phố Tây Ninh, Dương Minh Châu và Tân Châu.
Bệnh viện tư nhân trên địa bàn tỉnh cũng đã đầu tư máy đo chức năng hô hấp phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Trong năm 2019, chương trình sẽ triển khai thêm tại hai huyện Tân Biên và Gò Dầu. Riêng Bệnh viện Lao và Bệnh phổi cũng đã được trang bị các máy thăm dò chức năng hô hấp, trong đó có máy dao động xung ký trị giá trên 1 tỷ đồng. Với kỹ thuật đo dao động xung ký (IOS) có thể đo chức năng hô hấp dễ dàng ở trẻ em từ hai tuổi và cả ở người già yếu thường khó hợp tác trong quá trình đo.
VI XUÂN - HOÀ KHANG
Theo kết quả nghiên cứu dịch tễ học tại Việt Nam, tỷ lệ mắc hen là 4,1% dân số, COPD là 4,2% dân số từ 40 tuổi trở lên và có xu hướng tiếp tục tăng cao do tình trạng hút thuốc lá, thuốc lào, ô nhiễm môi trường gia tăng. Theo một nghiên cứu tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương năm 2000 cho thấy, 51,4% người bệnh hen có ho, khò khè, khó thở, nặng ngực ban ngày, 44.3% bị thức giấc ban đêm vì hen, có 36,5% trẻ em phải nghỉ học vì hen và 26,5% người lớn phải nghỉ làm vì hen.