Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Trồng mì ruộng

Cần quan tâm hệ thống tiêu thoát nước 

Cập nhật ngày: 05/06/2019 - 12:01

BTN - Dù mới vào mùa mưa, nhưng gần một tháng qua, trên địa bàn tỉnh liên tục có những cơn mưa lớn khiến nhiều diện tích mì vụ Đông Xuân ở vùng đất thấp có nguy cơ ngập úng, buộc nông dân phải thu hoạch mì non.

Người dân ấp Sa Nghe, xã An Cơ hối hả nhổ mì chạy mưa.

Đang tất bật cùng hơn chục nhân công hối hả nhổ mì tránh ngập, ông Nguyễn Văn Phương (ngụ ấp Sa Nghe, xã An Cơ, huyện Châu Thành) cho biết, vụ mì Đông Xuân năm 2019, ông trồng gần 10 ha. Do những ngày qua mưa nhiều nên ông phải gấp rút thuê người thu hoạch dù mì chỉ mới hơn 5 tháng tuổi. Theo ông Phương, hiện các nhà máy thu mua với giá tương đối cao, khoảng 2.800 đồng/ kg mì đủ 30 điểm bột. Tuy nhiên, do thu hoạch sớm nên mì của ông chỉ đạt khoảng 21 đến 23 điểm bột, giá bán vì thế cũng thấp, khoảng 1.700 đồng/kg. Với mức giá này, sau khi trừ chi phí, ông Phương xem như hoà vốn.

Ông Tùng, một nông dân khác cũng đang tranh thủ nhổ mì “chạy mưa” cho biết, mì trồng phải từ 7 - 8 tháng mới có thể thu hoạch để đạt được năng suất và điểm bột cao. Nhờ đó nông dân mới bán có giá và có lợi nhuận khá. Nhưng đó là điều kiện lý tưởng khi mì trồng trên đất cao. Còn trồng mì ruộng như ông thì gần như năm nào cũng phải thu hoạch sớm. “Giờ thu hoạch sớm nên củ nhỡ, năng suất thấp, ít bột nhưng nếu so với trồng lúa thì trồng mì vẫn nhẹ nhàng và lợi nhuận cao hơn”, ông Tùng nói thêm.

Theo anh V.H - một thương lái thu mua mì, vài năm trở lại đây, nhiều loại cây trồng như mía, cao su và lúa liên tục rớt giá nên nhiều người đổ xô trồng mì vì đây là cây trồng ít tốn công chăm sóc và hiện đang cho hiệu quả kinh tế khá. Tuy nhiên, vào thời điểm mưa nhiều, người dân lo lắng phải tranh thủ nhổ mì sớm thì mới đây, một lò mì trên địa bàn xã An Cơ lại thông báo giá thu mua củ mì giảm khiến nhiều người hoang mang. Bởi thu hoạch mì “chạy mưa” đã là một thất thoát lớn đối với nông dân mà giá bán lại thấp thì đúng là “hoạ vô đơn chí”.

Trái ngược với nông dân trồng mì ruộng tại các vùng đất thấp ở một số xã tại huyện Châu Thành, hiện phần lớn diện tích trồng mì ruộng trên địa bàn các xã Bàu Năng, Phước Ninh (huyện Dương Minh Châu), xã Tân Hưng (Tân Châu) vẫn chưa phải thu hoạch. Ruộng mì tại các khu vực này vẫn thoát nước tốt nên người trồng mì có thêm thời gian để cây mì trưởng thành. 

Theo một cán bộ lãnh đạo UBND xã Phước Ninh, vụ mì này nắng nhiều nên người trồng mì ruộng trên địa bàn xã “được mùa”, thu hoạch trễ hơn mọi khi. Toàn xã Phước Ninh hiện có khoảng 2.400 ha mì, trong đó rất nhiều diện tích mì ruộng. Gần đây tuy đã có vài cây mưa lớn nhưng cũng chỉ mới có một số ít người trồng mì ở vùng trũng thấp cho thu hoạch, còn lại vẫn đang phập phồng trông vào thời tiết. 

Ông Huỳnh Hưng Thời - Phó Chủ tịch UBND xã Bàu Năng cho biết, thông thường, mì ruộng trồng trên địa bàn xã được thu hoạch muộn hơn những vùng khác khoảng 20 ngày và hiện nay vẫn chưa thu hoạch. Sau những cơn mưa vừa qua, do các ruộng mì ở đây có đường thoát nước tốt nên chưa xảy ra tình trạng mì bị ngập, phải thu hoạch sớm. 

Chủ một lò mì trên địa bàn xã Bình Minh (TP. Tây Ninh) chia sẻ, những ngày qua, lò mì đã bắt đầu thu mua mì ruộng của nông dân ở khu vực Mỏ Công (Tân Biên), An Cơ (Châu Thành)… Mì dù được nông dân thu hoạch sớm cũng đạt  khoảng trên 20 chữ bột. Sau khi trừ khoảng 10 đến 15% tạp chất thì giá bán trung bình cũng đạt trên 1.700 đồng/kg. Với năng suất bình quân 35 tấn/ha, so với lúa, người trồng mì vẫn có lãi khá hơn.

Nông dân hy vọng với sự đồng hành của ngành nông nghiệp tỉnh, nhất là các dự án thuỷ lợi kênh tiêu đang và sẽ được triển khai trong thời gian tới tại một số địa phương trong tỉnh, người trồng mì ruộng không còn cảnh “cá cược” với thiên nhiên!

THIÊN TÂM - MINH DƯƠNG