Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Cần quan tâm phát triển nông nghiệp đô thị
Thứ tư: 06:19 ngày 06/03/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trong lĩnh vực nông nghiệp, hiện nay, tỉnh Tây Ninh rất chú trọng nâng cao chất lượng, phát triển mạnh nông nghiệp đô thị (NNĐT) để tạo bước phát triển bền vững kinh tế hộ gia đình, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Ông Giáp giới thiệu hoa lan 3 tầng trong vườn được áp dụng theo phương pháp khép kín.

Nhiều lợi ích

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trên địa bàn tỉnh đã bước đầu hình thành nền NNĐT với những vai trò quan trọng như: đáp ứng nhu cầu về lương thực, thực phẩm tươi sống và an toàn cho người dân địa phương; tạo ra sản phẩm có giá trị xuất khẩu; tạo ra môi trường sinh thái, mảng xanh và cảnh quan đô thị; cung ứng các dịch vụ nông nghiệp về giống, công nghệ, thông tin… cho khu vực nông nghiệp nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn đô thị và ven đô. Đây là cơ hội để người lao động tham gia sản xuất nông nghiệp như một hoạt động giải trí.

Ông Phạm Ngọc Giáp (ngụ ấp Đồng Cỏ Đỏ, xã Bình Minh, thành phố Tây Ninh) cho biết, mô hình trồng lan từ 2 - 3 tầng sẽ tận dụng không gian. Phía dưới các tầng lan được ông xây thêm 15 hồ để nuôi cá rô đầu vuông và cá hường. Với cách làm này, ông có thể điều hoà được nhiệt độ thích hợp cho việc trồng lan giúp cho vườn lan sinh trưởng tốt.

Ngoài ra, trong hồ cá, ông Giáp còn nuôi cá lau kiếng để làm sạch rong rêu, làm thức ăn cho những loại cá khác giảm chi phí đầu tư giữ được môi trường trong sạch.

Ông Giáp chia sẻ, ông đã trồng lan hơn 5 năm với diện tích 2.500m2, gồm 60-70 loại lan, chủ yếu là lan rừng giống Thái Lan và Đài Loan như lan trầm, giả hạc (phi điệp), kèn, ngọc điểm, hoàng nhạn tháng tám và tháng tư, hoàng thảo... Để bảo đảm nguồn giống đạt chất lượng, kháng bệnh tốt, nên ông Giáp đã áp dụng phương pháp tự nhân giống và nuôi dưỡng để cung cấp cho khách hàng với số lượng lớn.

Vườn lan của ông Giáp được sắp xếp khéo léo, phân tầng gọn gàng, nên trồng được hàng ngàn chậu lan lớn nhỏ - có giá trị cao. Giá bán ra tuỳ thuộc vào độ tuổi của lan từ 100.000 đồng/cây, loại lớn nhất 4-5 năm tuổi có giá 8 triệu đồng/cây.

 Ông Giáp cho biết thêm, ông không chọn trồng cây ăn trái, trồng mì... quanh khu vực đô thị như những hộ dân khác mà chọn cây lan để phát triển NNĐT bảo vệ môi trường xanh sạch đẹp, lợi nhuận cao.

Việc chuyển hướng kết hợp sản xuất NNĐT với du lịch được xem là giải pháp góp phần giúp nông dân tăng thêm nguồn thu nhập đáng kể. Đây cũng là động lực thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu NNĐT theo hướng bền vững. Nhà ông Trần Phi Hùng (Câu lạc bộ Sinh vật cảnh khu phố 4, phường 2, thành phố Tây Ninh) đang được nhiều khách hàng đến tham quan, trao đổi kinh nghiệm trồng rau sạch, rau thuỷ canh và nuôi cá thuỷ sinh trên diện tích “sân vườn”.

Ông Hùng cho biết, ông đã áp dụng mô hình này nhiều năm nay, đã được nhiều người đánh giá mang tính chất NNĐT góp phần tạo mảng xanh cho đô thị và tạo ra sản phẩm sạch cung ứng cho thị trường. Trước đó, ông trồng rau thuỷ canh phía trên, phía dưới nuôi lươn. Mô hình kết hợp này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, được nhiều khách hàng đến tham quan, trao đổi kinh nghiệm.

Ngoài mô hình trên, ông Hùng còn trồng nhiều loại rau ăn lá an toàn để cung cấp cho cửa hàng TaniGAP trên địa bàn thành phố Tây Ninh. Cách trồng mới lạ đã mang lại hiệu quả cao như trồng rau đắng và rau má trên đá sỏi, giúp cây rau vừa sạch vừa không gây ô nhiễm môi trường.

Cần nhân rộng các mô hình hiệu quả

Có thể thấy hoạt động sản xuất NNĐT thời gian qua đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất. Người dân đang tiếp cận và ứng dụng ngày càng nhiều những kỹ thuật mới trong NNĐT như trồng rau thuỷ canh, tưới nhỏ giọt, tưới tự động... Bước đầu, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các mô hình NNĐT chuyển đổi phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đây là một trong những hướng sản xuất chính, đóng góp không nhỏ vào nền sản xuất nông nghiệp chung của tỉnh.

Theo Sở NN&PTNT, ngành nông nghiệp tỉnh đã bước đầu hình thành và phát triển các vùng trồng hoa, cây cảnh ở thành phố Tây Ninh, các huyện Hoà Thành, Bến Cầu… và trung tâm thị trấn của các huyện với diện tích khoảng 50 ha. Đồng thời, một khi đô thị, các khu công nghiệp và khu du lịch ở các huyện Trảng Bàng, Gò Dầu, Bến Cầu, Hoà Thành và thành phố Tây Ninh phát triển, mức sống sẽ ngày càng tăng, nhu cầu tiêu thụ các loại hoa, cây cảnh sẽ ngày càng gia tăng và nhu cầu phát triển NNĐT ở các huyện phía Nam cũng sẽ tăng nhanh. Do đó, dự kiến giai đoạn 2016-2020 sẽ tăng nhanh diện tích trồng các loại hoa, cây cảnh. Đến năm 2020, vùng trồng hoa, cây cảnh toàn tỉnh sẽ có quy mô khoảng 150 ha. Trong đó vùng NNĐT chiếm khoảng 120 ha, được phân bố ở các địa phương phía Nam đang phát triển nông nghiệp, đô thị và du lịch như TP. Tây Ninh, các huyện Trảng Bàng, Gò Dầu, Hoà Thành, Bến Cầu, Dương Minh Châu…

Bên cạnh đó, các mô hình NNĐT trên địa bàn tỉnh được phát triển chủ yếu ở thành phố Tây Ninh và các huyện Trảng Bàng, Gò Dầu, Bến Cầu, Dương Minh Châu và một phần huyện Châu Thành với các mô hình chủ yếu: trồng và kinh doanh cây cảnh, trồng rau an toàn, trồng mai, nuôi chim, thú cảnh, trồng dưa lưới… Theo thống kê sơ bộ, hiệu quả kinh tế cho 1 ha đất NNĐT cao 5-10 lần so với 1 ha đất sản xuất nông nghiệp truyền thống, cá biệt có những mô hình lãi rất cao - đến hàng tỷ đồng/ha.

Cũng theo Sở NN&PTNT, mặc dù mô hình NNĐT khá hấp dẫn, nhưng để nhân rộng cần có các điều kiện hết sức quan trọng là vốn, trình độ khoa học công nghệ, thị trường tiêu thụ… Do đó, người dân rất cần tỉnh có những chính sách phù hợp để khuyến khích NNĐT phát triển bền vững.

NHI TRẦN

Theo một số tài liệu, nông nghiệp đô thị là mô hình trồng trọt và chăn nuôi bên trong và xung quanh thành phố. Tức là việc sản xuất lương thực ngay tại các khu vực dân cư đông đúc, với nhiều loại hình khác nhau như vườn rau tự nhiên, vườn rau trong nhà lưới (ngăn sâu hại xâm nhập) và canh tác nông nghiệp trong môi trường có kiểm soát (CEA).

Muốn nông nghiệp đô thị phát triển phải đáp ứng các yêu cầu về công nghệ trồng trọt tiên tiến, kết hợp giữa kỹ thuật, khoa học cây trồng và những công nghệ quản lý dựa trên máy tính nhằm tối ưu hoá các hệ thống canh tác, chất lượng cây trồng cũng như hiệu quả sản xuất. Từ đó, nhà nông có thể điều chỉnh các yếu tố môi trường theo ý muốn, bao gồm nhiệt độ, ẩm độ, độ pH và hàm lượng dinh dưỡng trong đất.

Mặc dù vậy, hạn chế của nông nghiệp đô thị là nó chỉ bổ sung chứ không thể thay thế hoàn toàn mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống ở nông thôn, bởi không gian đô thị rất hạn hẹp. Đồng thời, người sản xuất nông nghiệp đô thị phải tuân thủ nghiêm các yêu cầu về bảo vệ môi trường, tiếng ồn.

ĐÌNH CHUNG

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục