Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
ĐBQH Trịnh Ngọc Phương:
Cần quy định cấm khai thác thuỷ sản trong mùa sinh sản
Thứ bảy: 08:20 ngày 10/06/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đại biểu Phương đề nghị bổ sung hành vi cấm “Khai thác thuỷ sản trong mùa sinh sản” và cấm “Khai thác thuỷ sản ngoài phạm vi lãnh hải của nước Việt Nam” nhằm nâng cao ý thức của người dân, tránh trường hợp vi phạm lãnh hải của nước khác và dẫn đến những hệ luỵ đáng tiếc.

Mới đây, tại kỳ họp thứ 3- Quốc hội khoá XIV, trong phiên thảo luận ở tổ về hai dự án Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) và Luật Thuỷ sản (sửa đổi), Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh cơ bản thống nhất với tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Góp ý cho dự thảo Luật Thuỷ sản (sửa đổi), đại biểu Trịnh Ngọc Phương cho rằng, quy định tại khoản 6, Điều 8 về các hành vi bị cấm trong hoạt động thuỷ sản “6. Sử dụng hoá chất cấm, chất nổ, điện, phương pháp khai thác có tính huỷ diệt để khai thác thuỷ sản” là chưa chặt chẽ.

Bởi vì có những loại hoá chất không bị cấm nhưng khi trộn lẫn với nhau có thể huỷ diệt thuỷ sản. Do vậy, đại biểu Phương đề nghị bỏ từ “cấm” trong cụm từ “hoá chất cấm” ở khoản này. Cụ thể, khoản 6 cần sửa lại là: “Sử dụng hoá chất, chất nổ, điện, phương pháp khai thác có tính huỷ diệt để khai thác thuỷ sản”.

Đồng thời, đại biểu Phương đề nghị bổ sung hành vi cấm “Khai thác thuỷ sản trong mùa sinh sản” và cấm “Khai thác thuỷ sản ngoài phạm vi lãnh hải của nước Việt Nam” nhằm nâng cao ý thức của người dân, tránh trường hợp vi phạm lãnh hải của nước khác và dẫn đến những hệ luỵ đáng tiếc.

Tại Điều 17, 18, đại biểu Phương đề nghị giải thích cụm từ “có giá trị đặc biệt về khoa học, giáo dục” là như thế nào để dễ áp dụng trong thực tế.

Tại khoản 4a, Điều 23 quy định “4. Nguồn tài chính hình thành Quỹ: a) Tiền thu từ tổ chức, cá nhân khai thác nguồn lợi thuỷ sản và hoạt động trong các ngành nghề có ảnh hưởng đến môi trường sống của các loài thuỷ sản”, đại biểu Phương cho rằng việc thu quỹ chỉ có thể áp dụng đối với tổ chức, việc áp dụng đối với cá nhân khó thực hiện vì người dân đánh bắt nhỏ lẻ.

Khoản 2b, Điều 32 quy định Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm “b) Ban hành Danh mục hoá chất, vi sinh vật, hoạt chất cấm sử dụng trong sản phẩm thức ăn, sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thuỷ sản”, tuy nhiên, trong các nội dung trình Quốc hội thì Bộ chưa kèm Danh mục hoá chất, vi sinh vật, hoạt chất bị cấm sử dụng để đại biểu Quốc hội cho ý kiến, đại biểu Phương đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm thực hiện việc này.

Đối với dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi), tại khoản 13, Điều 3 giải thích khái niệm “cộng đồng dân cư” như sau: “13. Cộng đồng dân cư gồm cộng đồng người Việt Nam sinh sống trên cùng địa bàn thôn, làng, ấp, bản, buôn, bon, phum, sóc, tổ dân phố và điểm dân cư tương tự có cùng phong tục, tập quán; có quy ước, hương ước phù hợp với quy định của pháp luật”, đại biểu Trịnh Ngọc Phương đề nghị bỏ cụm từ “có cùng phong tục, tập quán”, vì theo đại biểu Phương, cộng đồng dân cư có thể có nhiều dân cư từ các vùng miền khác nhau trên đất nước cùng sinh sống, nên việc quy định cùng phong tục, tập quán là chưa phù hợp.

Về các hành vi bị cấm tại Điều 9, đại biểu Phương đề nghị làm rõ hành vi nuôi thú rừng như lợn rừng, cheo… có vi phạm luật này không, vì thực tế có rất nhiều trường hợp nuôi các giống thú rừng này. Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị xem xét lại tính logic của dự thảo Luật, vì dự thảo chưa xác định rõ ràng là Luật Bảo vệ và Phát triển rừng hay Luật Lâm nghiệp.

DN-KC

Tin cùng chuyên mục