Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Sở Xây dựng đã nghiên cứu, tham khảo ý kiến của các sở, ngành liên quan và sớm có quy định công trình xây dựng nhà nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh. Dự kiến có thể ban hành trong quý I hoặc quý II năm 2019.
Nhà nuôi chim yến giữa khu dân cư.
Trước lợi ích kinh tế từ mô hình nuôi chim yến lấy tổ, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân trong tỉnh đầu tư xây dựng nhà nuôi. Tuy nhiên, nhiều cử tri, người dân phản ánh, việc xây dựng nhà nuôi chim yến trong khu dân cư gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân.
KHỔ SỞ VÌ MÁY “DỤ” CHIM
Theo một người nuôi chim yến ở xã Long Thành Bắc, huyện Hoà Thành, để xây dựng một nhà nuôi chim yến đạt yêu cầu, người nuôi phải đầu tư gần 1 tỷ đồng. Ngoài việc xây dựng nhà nuôi, điều quan trọng là người nuôi phải có máy phát âm thanh giống tiếng kêu chim yến để “dụ” chim về làm tổ. Âm thanh phát tiếng kêu chim yến phải lớn, thanh thoát, mở suốt ngày đêm. Vì vậy, nhiều người đầu tư xây dựng nhà nuôi chim yến ở những địa điểm xa khu dân cư, đồng ruộng vì không muốn ảnh hưởng đến người dân chung quanh.
Tuy nhiên, cũng có không ít người xây dựng nhà nuôi chim yến trong khu dân cư. Vừa qua, người dân sống ở hai ấp Kinh Tế và Bình Trung, xã Bình Minh, thành phố Tây Ninh kiến nghị chính quyền địa phương có giải quyết xủ lý hai nhà nuôi chim yến cách nhau chưa đầy 100m, nằm hai bên đường Trần Văn Trà, ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Một người dân cho biết, khoảng 1 năm trở lại đây, người dân sống khu vực này, hằng ngày đã phải chịu đựng âm thanh “loạn xạ” phát ra từ hai nhà nuôi chim yến. Cả hai bên đều muốn “dụ” chim yến về nhiều nên tranh nhau bật tiếng kêu khá to. Bức xúc trước việc bị “tra tấn” âm thanh suốt ngày, buộc lòng người dân kiến nghị, mong hai nhà nuôi chim yến điều chỉnh âm thanh nhỏ lại.
Trên đường Phan Bội Châu, khu phố 1, thị trấn huyện Hoà Thành, cũng có một nhà nuôi chim yến- vốn được cải tạo từ căn nhà 3 tầng. Người dân sống nơi đây cho biết, từ ngày xuất hiện nhà nuôi chim yến, người dân bực mình vì tiếng kêu từ máy gọi yến phát ra hằng ngày. Nhưng điều mà người dân quan tâm là việc nuôi chim yến trong khu dân cư, cơ quan chức năng đã có giải pháp nào xử lý về các vấn đề liên quan như ô nhiễm môi trường, dịch bệnh… và các tổ chức, cá nhân này có được cấp có thẩm quyền cho phép hay chưa?
CHƯA CÓ BẤT KỲ GIẤY PHÉP NÀO XÂY DỰNG NHÀ NUÔI YẾN
Ông Nguyễn Viết Tiêm- Chủ tịch UBND xã Bình Minh, thành phố Tây Ninh xác nhận, cử tri từng phản ánh về tình trạng âm thanh quá lớn từ hai nhà nuôi chim yến nằm trên đường Trần Văn Trà. UBND xã cũng đã làm việc với chủ hai nhà nuôi chim yến trên, yêu cầu giải quyết vấn đề người dân phản ánh. Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho biết, việc quản lý xây dựng nhà nuôi chim yến ở địa phương rất khó khăn, do tỉnh chưa ban hành quy định.
Một lãnh đạo UBND xã chia sẻ, hiện nay, các tổ chức, cá nhân đến địa phương liên hệ thủ tục xây dựng nhà nuôi chim yến, địa phương lúng túng không biết làm thế nào. Vì thế, hầu hết các nhà nuôi chim yến đều không phép. Chính quyền phát hiện lập biên bản đình chỉ, họ vẫn lén lút xây dựng. Sau đó, ngành chức năng xử phạt, họ vẫn nộp phạt nghiêm chỉnh. Cũng do chưa có quy định cụ thể nên địa phương gặp khó khăn trong vấn đề cưỡng chế những nhà nuôi chim yến xây dựng không phép.
Theo Phòng Quản lý đô thị thành phố Tây Ninh, trước thực trạng khó khăn trong việc cấp phép xây dựng nhà nuôi chim yến, Phòng đã báo cáo và kiến nghị Sở Xây dựng sớm ban hành quy định cụ thể.
Tương tự, theo một cán bộ Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Hoà Thành, do chưa có quy định nên nhiều hộ dân ở nông thôn đã “lách luật”, xây dựng nhà ở, sau đó cho chuyển đổi công năng thành nhà nuôi yến. Trên địa bàn huyện hiện có khoảng 10 nhà nuôi chim yến nằm rải rác ở một số xã, cách xa khu dân cư. Riêng nhà nuôi yến mà người dân phản ánh nằm trong khu dân cư tại đường Phan Bội Châu, khu phố 1, Thị trấn, chủ nhà tự cải tạo lại căn nhà đã xây dựng mấy chục năm qua để nuôi chim yến, chứ không phải là xây dựng công trình mới.
Tuy nhiên, vị cán bộ này cũng nhận định, cần sớm có quy định về nhà nuôi chim yến, nhất là những nhà nằm trong khu dân cư, để có cơ sở quản lý.
Bên kia đường Trần Văn Trà thuộc ấp Kinh Tế, xã Bình Minh, thành phố Tây Ninh chỉ cách khoảng 100m lại có 1 nhà nuôi yến.
SẼ SỚM BAN HÀNH QUY ĐỊNH
Ông Trần Tương Quốc- Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, nhà nuôi chim yến chưa nằm trong danh mục nào nên chưa có quy định về cấp giấy phép xây dựng. Do đó có thể nói rằng, những nhà nuôi chim yến được tổ chức, cá nhân xây dựng thời gian qua là tự phát, có thể phần lớn là “lách luật”, chủ đầu tư xin phép xây dựng công trình nhà ở rồi chuyển đổi công năng, cũng không loại trừ có trường hợp xây dựng không phép.
Ông Quốc cũng đồng tình, nhà nuôi yến trong khu dân cư nảy sinh nhiều bất cập như âm thanh, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh… như cử tri đã phản ánh. Sở Xây dựng cũng đã nghiên cứu, tham khảo ý kiến của các sở, ngành liên quan và sớm có quy định công trình xây dựng nhà nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh. Dự kiến có thể ban hành trong quý I hoặc quý II năm 2019.
THIÊN TÂM
Tổ chức, cá nhân xây dựng cơ sở để nuôi chim yến phải phù hợp với quy hoạch hoặc được sự đồng ý bằng văn bản của UBND cấp huyện. Cường độ âm thanh để dẫn dụ chim yến không vượt quá 70 dBA (đề xi ben A) trong khoảng thời gian từ 6 giờ đến 21 giờ, và không được sử dụng âm thanh trong thời gian từ 21 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau.
Thông tư 35 cũng quy định chất thải từ việc nuôi chim yến phải được thu gom, tiêu độc, khử trùng và xử lý bằng một trong các biện pháp ủ, đốt, chôn lấp hoặc phương pháp khác nhằm bảo đảm an toàn trước khi đưa ra môi trường. Ngoài ra, cơ sở nuôi chim yến phải được kiểm tra, giám sát và lấy mẫu xét nghiệm định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của cơ quan thú y có thẩm quyền. Cơ quan thú y lấy mẫu định kỳ một năm hai lần để kiểm soát dịch bệnh, lấy mẫu đột xuất khi có hiện tượng chim yến chết bất thường hoặc cơ sở nuôi chim yến nằm trong vùng đang có dịch cúm gia cầm.
Hy Uyên