Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Cần sớm công bố cách thức thi tốt nghiệp thpt theo chương trình mới
Thứ ba: 23:30 ngày 07/03/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - THPT là cấp học cuối cùng của bậc học phổ thông, học sinh cần sớm biết kế hoạch thi tốt nghiệp, phương án tuyển sinh cao đẳng, đại học, giáo dục nghề nghiệp để định hướng chọn ngành nghề, tổ hợp môn thi.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm học 2021 - 2022 tại Hội đồng thi Trường THPT Trần Đại Nghĩa, theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2000 (còn được gọi Chương trình 2006 theo phân ban).

Thông tin thiếu thống nhất

Ngày 18.2 vừa qua, trong buổi làm việc cùng đoàn giám sát của Quốc hội tại TP. Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Hữu Độ cho biết, từ năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT có bốn môn học bắt buộc gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Lịch sử.

Trong số các môn tự chọn, Bộ GD&ĐT sẽ cân nhắc thi một số môn để các trường đại học sử dụng xét tuyển. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng thông tin, Bộ đang mời các chuyên gia để nghiên cứu phương án đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, sau đó sẽ trình Chính phủ xem xét trước khi công bố.

Việc đổi mới kiểm tra, đánh giá sẽ thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương Đảng với yêu cầu đổi mới hình thức thi, kiểm tra đánh giá, thi tốt nghiệp trên cơ sở giảm áp lực, giảm chi phí tốn kém nhưng vẫn phải bảo đảm trung thực, đánh giá đúng năng lực của học sinh, làm cơ sở xét tốt nghiệp cũng như để các cơ sở giáo dục đại học có thể sử dụng kết quả để xét tuyển.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, hiện Bộ GD&ĐT vẫn chưa chốt số môn thi, bài thi nhưng bốn môn Toán, Ngoại ngữ, Ngữ văn và Lịch sử là những môn đã học bắt buộc, dự kiến sẽ thi bắt buộc.

Lộ trình đổi mới sẽ thực hiện theo từng giai đoạn tương ứng với mức độ tiếp cận Chương trình giáo dục phổ thông mới của từng nhóm đối tượng học sinh. Cụ thể, chia làm ba giai đoạn: từ năm 2025 đến 2026 là những học sinh học chương trình mới ba năm bậc trung học phổ thông; từ năm 2027 đến 2031 là những học sinh học chương trình mới từ lớp 6 và giai đoạn từ năm 2032 với đối tượng là những học sinh học chương trình mới từ lớp 1.

Thông tin nêu trên được báo chí đăng tải đã thu hút sự chú ý của dư luận, đặc biệt những người đang làm trong ngành Giáo dục và học sinh. Cũng sau đó, không hiểu do đâu, lãnh đạo Bộ GD&ĐT “nói lại cho rõ” rằng: thông tin “Lịch sử là môn thi bắt buộc” chỉ mới là phương án dự kiến, chưa chính thức.

Sự thiếu thống nhất trong thông tin về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 lại khiến dư luận trong và ngoài ngành Giáo dục tiếp tục bàn tán, trong đó đặc biệt thông tin về môn Lịch sử- một môn học ở cấp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018,  tiếp tục có nhiều ý kiến khác nhau. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 theo chương trình mới thực hiện như thế nào, Lịch sử có trở thành môn thi bắt buộc hay không?

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm học 2021-2022.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 triển khai năm đầu tiên ở lớp 10- lớp đầu tiên của cấp THPT, năm học 2022-2023. THPT là cấp học cuối cùng của giáo dục phổ thông, vì thế, kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông mới, cách thức tuyển sinh vào cao đẳng, đại học như thế nào đang được nhà trường, học sinh quan tâm, chờ đợi.

Công bố càng sớm càng tốt

Đầu năm nay, Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh khảo sát việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông theo Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội ở nhiều địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh, trong đó có một số trường THPT. Lãnh đạo, giáo viên những đơn vị này bày tỏ băn khoăn: nhà trường chưa hình dung được kỳ thi tốt nghiệp THPT đầu tiên theo chương trình mới sẽ như thế nào.

THPT là cấp học cuối cùng của bậc học phổ thông, học sinh cần sớm biết kế hoạch thi tốt nghiệp, phương án tuyển sinh cao đẳng, đại học, giáo dục nghề nghiệp để định hướng chọn ngành nghề, tổ hợp môn thi. Vì thế, cơ sở giáo dục, trường phổ thông mong muốn Bộ GD&ĐT sớm công bố kế hoạch tổ chức kỳ thi để học sinh yên tâm học tập.

Sau thông tin “Lịch sử là môn thi bắt buộc từ năm 2025” được báo chí đăng tải, nhiều người lớn tiếng “chất vấn” tại sao không thi ngay trong năm nay mà phải đợi đến năm 2025? Có người còn nói, “từ năm 2018 đến nay, năm 2023, mất mấy thế hệ học sinh không được thi môn học này”.

Cao trào hơn, không ít người còn sa đà vào “thuyết âm mưu” khi nói rằng, Bộ GD&ĐT cố ý để đến năm 2025 mới thi môn Lịch sử nhằm tạo điều kiện cho những người có hành vi xét lại lịch sử viết lại lịch sử…

Những thông tin, ý kiến nêu trên hoàn toàn vô căn cứ, suy diễn, quy chụp, phán xét bừa bãi. Họ không hề biết, giáo dục phổ thông hiện nay có hai chương trình song song tồn tại.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT nói “năm 2025 Lịch sử dự kiến là môn thi bắt buộc”, cần hiểu rằng, đây là Chương trình giáo dục phổ thông 2018, không phải Chương trình giáo dục phổ thông năm 2000.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đến năm 2025, lớp học sinh đầu tiên học theo chương trình này sẽ thi tốt nghiệp THPT. Do đó, không thể thi môn Lịch sử ngay trong năm học 2022-2023, vì học sinh của chương trình này mới học lớp 10 - năm đầu tiên thay sách ở cấp THPT.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 mới triển khai từ năm học 2020-2021, không phải từ năm 2018 như một số người ngộ nhận. Còn Chương trình giáo dục phổ thông năm 2000, từ trước đến nay, việc thi cử có thay đổi về số môn thi trong từng kỳ thi nhưng môn Lịch sử chưa bao giờ bị bỏ ra ngoài.

Hiện nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT, ngoài ba môn bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, thí sinh được chọn đăng ký theo tổ hợp môn thi để làm căn cứ tuyển sinh đại học. Kết quả thống kê mấy kỳ thi gần đây cho thấy, ngoài ba môn bắt buộc như đã nói, tổ hợp môn thi Khoa học xã hội gồm Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân được nhiều thí sinh đăng ký hơn so với tổ hợp bài thi Khoa học tự nhiên.

Như vậy, môn Lịch sử (của Chương trình giáo dục phổ thông năm 2000) đang dạy, học và thi hoàn toàn bình thường, không hề có chuyện môn học này bị loại bỏ từ năm 2018 đến nay (năm 2023) như một số người “lo lắng cho môn Lịch sử” ngộ nhận.

Không dừng lại ở đó, từ chỗ hiểu không đúng, không kiểm chứng thông tin, không có chuyên môn, cũng không thèm tìm hiểu bản chất sự việc, nhiều người đã và đang núp bóng, tự cho mình là người yêu nước, nhân danh này nọ phán xét vô lối, bừa bãi, vô căn cứ làm nhiễu loạn thông tin trên không gian mạng.

Ngày 28.2, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 05/2023/TT-BGDĐT quy định quy chế tổ chức và hoạt động của trường trung học phổ thông chuyên. Một trong những nội dung đáng chú ý là, từ năm học 2024-2025, trường trung học phổ thông chuyên không còn tuyển sinh các lớp không chuyên (có nơi gọi bằng lớp nguồn).

Thông tư 05 có hiệu lực từ ngày 15.4.2023 nhưng Bộ GD&ĐT cho phép các trường chuyên tiếp tục tuyển sinh lớp không chuyên cho năm học 2023-2024, sau đó, việc tuyển sinh vào trường chuyên sẽ không còn các lớp không chuyên (lớp nguồn).

Việc bãi bỏ lớp không chuyên trong trường chuyên được cho là để hạn chế những tiêu cực trong hoạt động, tuyển sinh, đào tạo của trường chuyên. Hiện nay, một số trường chuyên nổi tiếng tuyển sinh lớp không chuyên quá đông, ảnh hưởng chất lượng đào tạo lớp chuyên. Ở những trường chuyên nổi tiếng (trực thuộc tỉnh, thành phố hoặc trực thuộc đại học), lớp không chuyên được coi là nguồn thu không nhỏ của trường.

V.Đ

Việt Đông

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh