Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông:
Cần sớm giao mặt bằng cho đơn vị thi công
Thứ bảy: 00:18 ngày 07/09/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sau hơn 1 năm triển khai, nhiều hạng mục công trình đã được các đơn vị thi công thực hiện. Tuy nhiên, do công tác giải phóng mặt bằng chậm, đã ảnh hưởng đến việc bảo đảm tiến độ thực hiện Dự án.

Được khởi công xây dựng từ tháng 4.2018, Dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông được kỳ vọng sẽ là đòn bẩy thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của hai huyện phía Tây sông Vàm Cỏ Đông là Châu Thành và Bến Cầu. Sau hơn 1 năm triển khai, nhiều hạng mục công trình đã được các đơn vị thi công thực hiện. Tuy nhiên, do công tác giải phóng mặt bằng chậm, đã ảnh hưởng đến việc bảo đảm tiến độ thực hiện Dự án.

Người dân trông chờ nguồn nước

Theo Ban Quản lý dự án ngành nông nghiệp tỉnh, Dự án được UBND tỉnh phê duyệt và chính thức khởi công vào cuối tháng 4.2018, với các hạng mục: hệ thống kênh chuyển nước dài 16,67km, trong đó, hơn 2,3km là hệ thống dẫn nước vượt sông Vàm Cỏ Đông; tuyến kênh tưới chính dài 29,41km và hệ thống kênh cấp 1 có tổng chiều dài trên 71km. Sau khi hoàn thành, Dự án dẫn nước từ hồ Dầu Tiếng qua hệ thống kênh Tây và kênh TN21 vượt qua sông Vàm Cỏ Đông phục vụ tưới tiêu cho 16.953 ha đất sản xuất nông nghiệp và nhu cầu nước sinh hoạt của người dân phía Tây sông Vàm Cỏ Đông.

Theo ông Nguyễn Thanh Lam- Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, trên địa bàn huyện có trên 60.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, với nhiều loại cây trồng như: lúa, mì, mía, bắp và cao su… Tuy nhiên, do hệ thống thuỷ lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn chưa đáp ứng được nhu cầu nên nhiều năm qua, nền nông nghiệp Châu Thành phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, nhất là các xã phía Tây sông Vàm Cỏ Đông.

Dự kiến khi Dự án hoàn thành sẽ có khoảng 12.000 ha đất sản xuất nông nghiệp của người dân Châu Thành được thụ hưởng, và đây cũng là cơ hội để địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị sản xuất với các loại cây trồng giá trị kinh tế cao.

Ông Lê Hoàng Khương- nông dân ấp Bàu Sen, xã Hảo Đước cho biết, để canh tác gần 0,5 ha lúa, mỗi tháng gia đình ông phải tốn hơn 300.000 đồng tiền điện bơm nước giếng khoan tưới lúa. Do vậy, khi thấy Dự án triển khai, đặc biệt là có đoạn đi qua địa phương, ông và nhiều bà con tại đây hết sức phấn khởi, hy vọng dự án sớm hoàn thành để người dân có nước sản xuất, nâng cao hiệu quả canh tác nông nghiệp.

Theo một nông dân tại ấp Bến Cừ, xã Ninh Điền, từ trước đến nay, việc canh tác nông nghiệp của người dân địa phương chủ yếu trông chờ vào… “ông trời”, mùa mưa canh tác lúa, đến mùa khô trồng mì, mía. Thiếu nước thì khoan giếng và sử dụng máy bơm cộng với các loại chi phí đầu tư khác, nên lợi nhuận canh tác trên mỗi ha cũng không còn bao nhiêu. “Nếu hệ thống kênh thuỷ lợi này hoàn thành, chắc chắn việc sản xuất nông nghiệp của người dân nơi đây sẽ đỡ vất vả hơn. Đồng thời, hiệu quả sản xuất sẽ cao hơn, người dân có thể mạnh dạn chuyển đổi sang nhiều loại cây trồng khác, hiệu quả kinh tế cao hơn”.

Còn vướng mặt bằng

Theo Ban Quản lý dự án ngành nông nghiệp tỉnh, Dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông là công trình thuỷ lợi cấp II, tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng, được phân chia thành 14 gói thầu xây lắp với tổng giá trị xây lắp là 671 tỷ đồng. Qua công tác đấu thầu, ngành Nông nghiệp đã tiết kiệm được khoảng 7% chi phí xây dựng, tương đương 56 tỷ đồng. Đến nay, có 8 gói thầu triển khai thi công và 1 gói thầu số 18 vừa được phát lệnh khởi công ngày 4.5.2019 để thi công 1 cống qua đường. Các gói thầu xây lắp còn lại do vướng khâu đền bù giải phóng mặt bằng nên chưa triển khai thi công. 

Về tiến độ giải ngân, thời gian qua, do khâu giải phóng mặt bằng có nhiều vướng mắc, khó khăn, nên tiến độ giải ngân còn chậm, chưa đạt yêu cầu. Đến thời điểm hiện tại, tổng luỹ kế giải ngân vốn trong hai năm triển khai thi công của dự án là 289,5 tỷ đồng. Trong đó, theo kế hoạch vốn thực hiện dự án trong năm 2019 là 263 tỷ đồng, gồm 182 tỷ đồng chi phí xây dựng, 80 tỷ đồng chi phí đền bù và 0,3 tỷ đồng các loại chi phí khác.

Một vấn đề khác là, trước đây, do nguồn vốn hạn hẹp nên dự án chỉ được thiết kế kỹ thuật bê tông hoá kênh đến đoạn qua xã Hảo Đước (phần công trình trước khi vượt qua sông Vàm Cỏ Đông). Phần còn lại là 4km kênh chuyển nước, tuyến kênh chính và toàn bộ các tuyến kênh cấp 1 được làm bằng kênh đất. Để phát huy tốt hiệu quả dự án, tránh sự xói lở và bóc màu toàn bộ lòng kênh, Ban Quản lý dự án ngành nông nghiệp tỉnh đề xuất: khi thực hiện xong giai đoạn I của dự án, UBND tỉnh xem xét cho chủ trương triển khai thực hiện tiếp việc kiên cố hoá và hoàn thiện dự án gồm các hạng mục như: bê tông hoá 4km kênh chuyển nước, tuyến kênh chính và toàn bộ các tuyến kênh cấp 1; đầu tư mới hệ thống kênh cấp 2 và các trục tiêu chính.

Về vấn đề giải phóng mặt bằng của dự án, ông Nguyễn Thanh Lam- Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho biết, đến nay, huyện đã hoàn thành tổng hợp phương án giá đền bù, giải phóng mặt bằng của 4 xã: An Cơ, Hảo Đước, Trí Bình và Hoà Hội, được UBND tỉnh phê duyệt, dự kiến từ ngày 1 đến ngày 7.9, các địa phương trên sẽ thực hiện chi trả cho người dân. Còn hai xã Thành Long và Ninh Điền, UBND huyện đã thông báo mức giá đền bù và hỗ trợ đối với các hộ có đất bị thu hồi để thực hiện dự án, được người dân thống nhất cao với phương án giá huyện thông báo.

Hiện vẫn còn một số hộ tại xã Thành Long chưa đồng thuận. Một vấn đề khác là giữa 2 xã Hảo Đước và Hoà Hội có sự chênh lệch về mức giá đất bị thu hồi, mặc dù về địa giới hành chính thì hai xã này giáp ranh với nhau, được ngăn cách bởi sông Vàm Cỏ Đông. Khi tính giá trị đất thì xã Hảo Đước là xã loại II còn Hoà Hội là xã loại III. Do đó, huyện kiến nghị UBND tỉnh, nâng mức hỗ trợ người dân có đất bị thu hồi tại xã Hoà Hội từ mức 1,5 lần lên 2,25 lần đối với đất vị trí II và mức 2,34 lần đối với đất vị trí III.

Còn theo ông Lê Việt Thành- Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất Tây Ninh- chi nhánh huyện Bến Cầu, huyện có 72,5 ha đất của 42 hộ dân và 2 doanh nghiệp năm trong quy hoạch tuyến kênh chính của dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông. Huyện đã thực hiện chi trả bồi thường và hỗ trợ cho 38 hộ dân và nông trường của Công ty mía đường Thành Thành Công đã giao mặt bằng, hiện còn 4 hộ do giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang thế chấp ngân hàng nên chưa thể thực hiện chi trả và thu hồi mặt bằng, UBND huyện đang làm việc với ngân hàng để sớm thực hiện chi trả và thu hồi mặt bằng theo quy định.

Đối với hạng mục kênh cấp I, với 5 tuyến tổng diện tích thu hồi và đền bù là 13,2 ha của 161 hộ dân, phía Trung tâm Phát triển quỹ đất Tây Ninh- chi nhánh huyện Bến Cầu đã tổ chức điều tra, kiểm đếm xong, đang tổ chức điều tra, khảo sát giá đất, dự kiến hoàn thành trong tháng 11.2019.

Ông Võ Đức Trong- Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, đây là công trình trọng điểm của tỉnh, dự kiến sau khi hoàn thành công trình sẽ phục vụ tưới tiêu cho gần 17.000 ha đất sản xuất nông nghiệp của hai huyện Châu Thành và Bến Cầu.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là công tác giải phóng mặt bằng trong năm 2019 để bảo đảm tiến độ thực hiện hoàn thành giai đoạn 1 của dự án vào năm 2022 và giai đoạn 2 vào năm 2023. Đây là dự án có nguồn vốn khá lớn, tuy được Trung ương hỗ trợ một phần kinh phí nhưng việc huy động vốn đối ứng của tỉnh vẫn rất khó khăn.

Minh Dương

Báo Tây Ninh
Liên kết hữu ích
Tin cùng chuyên mục