Từ sau Tết Nguyên đán Tân Mão đến nay, tình hình thu hoạch mía ngày càng trở nên bức xúc do sản lượng mía đứng đồng còn nhiều và đang ngày càng khô. Do vậy các nhà máy đã phải tăng công suất chế biến để đẩy nhanh tiến độ thu hoạch mía. Thế nhưng áp lực thu hoạch vẫn tiếp tục nặng nề do lực lượng công thu hoạch không đủ đáp ứng yêu cầu. Từ đó mà cho dù nhà máy có tăng công suất nhưng có ngày lượng mía về không đủ. Đồng thời, không ít hộ nông dân phải “cắn răng” chấp nhận những “yêu sách” của các đầu công để được có nhân công chặt mía giao cho nhà máy. Thực trạng này cho thấy chuyện cơ giới hoá (CGH) khâu thu hoạch mía đang là một yêu cầu cần sớm giải quyết.
|
Máy thu hoạch mía đã được khảo nghiệm nhưng chưa thành công |
Thực ra chuyện CGH canh tác cây mía trong những năm gần đây đã và đang được đặt ra một cách cấp bách. Bởi vì khi công nghiệp ngày càng phát triển thì cơ cấu lao động cũng chuyển hướng theo, số lượng lao động công nghiệp ngày càng tăng và lao động nông nghiệp ngày càng giảm, từ đó dẫn đến tình trạng ngày càng khan hiếm lao động nông nghiệp, nhất là trong thời điểm tập trung xuống giống hay thu hoạch. Ở Tây Ninh vấn đề CGH canh tác cây mía đã được quan tâm hàng chục năm trước đây- từ khi công nghiệp chế biến mía đường trong tỉnh phát triển mạnh. Từ tháng 7.2002, Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Tây Ninh đã liên kết với Sở KH-CN thành phố HCM thực hiện chương trình CGH canh tác cây mía. Đến năm 2005, để đẩy nhanh tiến độ CGH cây mía hơn nữa, ngoài việc liên kết với thành phố HCM, tỉnh còn đầu tư 1,2 tỷ đồng cho Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH-CN Tây Ninh thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình ứng dụng CGH canh tác cây mía ở Tây Ninh”. Đây là một công trình nghiên cứu khoa học có mức kinh phí cao nhất từ trước đến nay ở Tây Ninh.
Sau hơn 4 năm triển khai đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình ứng dụng CGH canh tác cây mía ở Tây Ninh”, hầu hết các khâu canh tác cây mía đã có thiết bị CGH được ứng dụng thành công, trong đó có một số thiết bị đã được nhân rộng. Cụ thể, trong khâu làm đất, Trung tâm đã khảo nghiệm thành công các thiết bị mới thay thế lao động thủ công như: máy băm lá mía chuyên dùng; máy phá gốc mía chuyên dùng; máy tung vôi; thiết bị cày sâu không lật… Khâu trồng mía cũng đã có thiết bị thay thế thủ công. Trung tâm đã khảo nghiệm máy liên hợp chuyên dùng trồng mía- trong đó có kết hợp các công đoạn cắt hom, vận chuyển hom, rạch hàng, rải hom, trộn phân, lấp phân và hom, nén đất. Nhiều thiết bị khâu chăm sóc mía cũng đã được khảo nghiệm thành công như: máy chuyên dùng xới cỏ khoảng trống giữa 2 hàng mía kết hợp bón phân lần 1; máy chuyên dùng bón phân thúc lần 2; máy chuyên dùng phun thuốc diệt cỏ…
Tuy nhiên, một trong những khâu khá quan trọng trong quy trình sản xuất cây mía là khâu thu hoạch thì lại chưa khảo nghiệm thành công. Khi triển khai thực hiện đề tài nghiên cứu, Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH-CN Tây Ninh đã tiếp nhận máy thu hoạch mía do thành phố HCM đầu tư chế tạo về khảo nghiệm. Qua thời gian khảo nghiệm cho thấy máy thu hoạch này có ưu điểm nổi bật là cắt sát gốc nên có thể tận thu thêm được hơn 4 tấn mía cho mỗi ha, vừa tiết kiệm được công băm gốc mía, vừa tăng thu nhập cho chủ mía. Tuy nhiên thực tế máy thu hoạch này vẫn còn nhiều hạn chế, mà hạn chế lớn nhất là chỉ có thể chặt mía xếp thành hàng mà không thể tự róc lá mía được. Do đó đi sau máy phải có thêm một số công lao động để thực hiện công đoạn róc lá mía. Ngoài ra, công đoạn chuyển mía đã chặt lên xe tải- tuy có khảo nghiệm máy bốc mía, nhưng thực tế vẫn phải cần khá nhiều nhân công chuyển mía từ bãi đến xe và xếp mía trên xe. Như vậy, khi sử dụng máy thu hoạch do thành phố HCM chế tạo và máy bốc mía lên xe tải- tuy đã được áp dụng thiết bị CGH nhưng chủ mía vẫn phải thuê thêm một số nhân công róc lá mía, vác mía- nghĩa là vẫn lệ thuộc vào đầu công. Trung tâm cũng đã thăm dò nhiều loại máy thu hoạch mía ở một số nước có công nghệ canh tác mía cao, trong đó có loại chặt mía xong cắt khúc để máy xúc chuyển thẳng lên xe tải không phải qua khâu bốc mía thủ công, nhưng vẫn không thể ứng dụng phù hợp vào điều kiện thực tế ở Tây Ninh. Đến nay, đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình ứng dụng CGH canh tác cây mía ở Tây Ninh” tuy đã được nghiệm thu, nhưng riêng thiết bị CGH khâu thu hoạch mía vẫn còn bỏ ngỏ.
Ngoài đề tài nghiên cứu ứng dụng của Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH-CN Tây Ninh, các nhà máy đường cũng nghiên cứu ứng dụng nhiều thiết bị CGH canh tác cây mía khác. Thế nhưng đến nay, vẫn chưa có nhà máy nào khảo nghiệm thành công máy thu hoạch mía. Như vậy, dù đã đầu tư khá nhiều kinh phí nhưng đến nay Tây Ninh vẫn chưa có thể thực hiện CGH khâu thu hoạch mía được. Máy móc chưa có, nhân công thiếu đã khiến cho nhiều hộ nông dân trồng mía “đứng ngồi không yên”- nhất là vào thời điểm cuối vụ thu hoạch. Chưa bao giờ nông dân trồng mía mong muốn có máy thu hoạch mía như thời điểm hiện nay.
|
Khảo nghiệm máy làm đất ở Nông trường Thành Long |
Cũng cần nói thêm về việc ứng dụng đại trà các thiết bị CGH. Một số chuyên gia trồng mía cho rằng đối với những thiết bị CGH canh tác cây mía tuy đã khảo nghiệm thành công nhưng chưa chắc có thể đưa ra chuyển giao đại trà được. Bởi vì hiện tại có đến hơn 70% diện tích cây mía Tây Ninh được trồng ở vùng đất thấp, trong đó có nhiều nơi chưa xây dựng hoàn chỉnh hệ thống kênh tiêu, mùa mưa nhiều nơi bị ngập nước không thể đưa cơ giới xuống đồng ruộng. Muốn áp dụng CGH trước tiên phải cải tạo đồng ruộng cho phù hợp.
Sơn Trần