Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên:
Cần sự chung tay
Chủ nhật: 17:32 ngày 03/05/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Khi công nghệ thông tin và mạng xã hội tác động mạnh đến nhận thức, lối sống của thanh thiếu niên, việc phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho đối tượng này cần được chú trọng và đổi mới. Tuy nhiên, để công tác này đạt hiệu quả phải có sự chung tay của cả cộng đồng.

Ngày hội thanh niên với văn hoá giao thông.

Thời gian qua, các cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực để kiểm soát tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật nhưng hiệu quả chưa cao. Việc thanh niên chưa chấp hành nghiêm quy định vẫn xảy ra, chủ yếu là các hành vi vi phạm về an toàn giao thông, ma tuý, đánh nhau, cố ý gây thương tích…

L.M.H, sinh năm 1994 (ngụ phường Ninh Sơn, TP.Tây Ninh) do buồn chuyện gia đình nên tìm và sử dụng ma tuý từ năm 2016. Tất cả tiền bạc H đều dùng để mua ma tuý. Sau đó, H bị TAND TP. Tây Ninh ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc với thời hạn 15 tháng. Sau khi ra khỏi cơ sở cai nghiện bắt buộc, do thiếu bản lĩnh, không từ chối được sự cám dỗ, H lại sử dụng ma tuý. H thường đến bến xe An Sương (TP. Hồ Chí Minh) để mua ma tuý.

Tuy nhiên, trong một lần H đến chơi với bạn ở một phòng trọ thì bị lực lượng Công an kiểm tra, bắt quả tang cất giấu chất ma tuý trong người. Với hành vi đó, H đã phải trả giá bằng bản án 4 năm 6 tháng tù về tội tàng trữ trái phép chất ma tuý.

Tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật ngày càng gia tăng là do vốn sống, hiểu biết xã hội của họ còn hạn chế; khả năng tiếp nhận thông tin nhanh nhưng ít chọn lọc, dễ bị kích động, lợi dụng. Hoàn cảnh gia đình đặc biệt, cha mẹ ly thân, thiếu thốn tình cảm, không có việc làm ổn định khiến thanh niên dễ bị rủ rê, lôi kéo. Nhiều gia đình thiếu trách nhiệm, không quan tâm và phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc quản lý, giáo dục con cái.

Để hạn chế thấp nhất tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, công tác PBGDPL cần được triển khai đến tất cả các đối tượng- nhất là những trường hợp có nguy cơ vi phạm hoặc tái phạm. Trong đó, việc quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện ngày càng được chú trọng.

Đây là nhiệm vụ quan trọng trong công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự. UBND xã Long Vĩnh (huyện Châu Thành) hiện quản lý 2 người đang chấp hành án treo. Sau khi tiếp nhận đối tượng chấp hành án, địa phương xem xét và phân công cho đại diện các đoàn thể theo dõi, giám sát.

Theo quy định, 3 tháng/lần, người được giao giám sát, giáo dục yêu cầu người chấp hành án phải đến trụ sở UBND xã trình diện và viết bản tự nhận xét quá trình chấp hành án của mình. Người trực tiếp giám sát, giáo dục phải viết bản nhận xét chấp hành án đối với người chấp hành án để báo cáo cho Chủ tịch UBND xã biết, chỉ đạo; lồng ghép tuyên truyền, nhắc nhở người chấp hành án. Các đối tượng luôn được chính quyền địa phương, ban, ngành, đoàn thể và Công an xã hỗ trợ, tạo điều kiện để ổn định cuộc sống.

Địa phương cũng đã thực hiện tốt mô hình 4+1 về quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành án phạt tù có nguy cơ tái phạm cao. Mô hình với sự tham gia của Công an, đoàn thể, tổ trưởng tổ tự quản và người có uy tín tại địa phương tập trung hỗ trợ đối tượng tái hoà nhập cộng đồng.

Để nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho đoàn viên, thanh niên trong việc chấp hành pháp luật, các ban, ngành, địa phương tổ chức nhiều hoạt động thiết thực. Là thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình Phát triển thanh niên của tỉnh; chủ trì triển khai thực hiện Chương trình 1 của Chương trình Phát triển thanh niên giai đoạn 2016-2020, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các kế hoạch về công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh. Trong đó, thanh niên là một trong những nhóm đối tượng mà các cấp, ngành cần phải tăng cường tuyên truyền, nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật.

Việc giáo dục cho đoàn viên, thanh niên được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, bám sát đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các hoạt động tuyên truyền được tổ chức nghiêm túc, hình thức đa dạng, chất lượng. Năm qua, các cơ sở Đoàn đã thực hiện nhiều chương trình, giao lưu thể dục thể thao, hoạt động văn hoá văn nghệ thu hút đoàn viên, thanh niên tham gia.

Các phong trào thi đua “Chi đoàn văn hoá”, phong trào “3 trách nhiệm”, “Chi đoàn không có cán bộ, đoàn viên, thanh niên vi phạm kỷ luật” và chương trình mục tiêu “4 giảm” của UBND tỉnh được cán bộ, đoàn viên, thanh niên đăng ký thực hiện có hiệu quả.

Toàn tỉnh có 105 đội hình thanh niên tình nguyện trên nhiều lĩnh vực như bảo vệ môi trường, hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn, phòng chống thiên tai, đội thanh niên phản ứng nhanh; đội cứu nạn giao thông… Các hoạt động góp phần nâng cao sức khoẻ, đời sống tinh thần, xây dựng nếp sống văn hoá, đẩy lùi tệ nạn - nhất là tình trạng vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên.

Tháng 9.2019, Huyện đoàn Châu Thành đã thành lập Câu lạc bộ lý luận trẻ với 12 thành viên. Các buổi sinh hoạt được tổ chức với nhiều hình thức như toạ đàm, diễn đàn, hội thi; nghe báo cáo chuyên đề trên các lĩnh vực; giao lưu với các nhân chứng, chuyên gia, nhà nghiên cứu; tham gia khảo sát những vấn đề liên quan đến thanh niên.

Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ lý luận trẻ huyện Châu Thành Lê Ngọc Minh Hùng cho biết, chương trình hoạt động của câu lạc bộ được thiết kế gắn liền với chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu niên.

Trong quá trình hoạt động, các thành viên sẽ tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến xoay các vấn đề về thanh thiếu niên; nắm bắt tư tưởng của đoàn viên, thanh niên thông qua mạng xã hội, sinh hoạt chi đoàn, chi hội; đấu tranh, phản bác với luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch; viết bài, chia sẻ thông tin tốt, hành động đẹp, nhân rộng những giá trị nhân văn của cuộc sống. 

Chị Giang Cẩm Lìn - Bí thư Xã đoàn An Bình, thành viên câu lạc bộ cho biết: “Ngoài việc sinh hoạt trong câu lạc bộ, mọi người còn tích cực tham gia tuyên truyền, PBGDPL cho thanh thiếu niên trên địa bàn. Nội dung tuyên truyền thường dễ hiểu, xoay quanh Luật Giao thông đường bộ; Nghị định 100; Luật Phòng chống tác hại rượu, bia; các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19… lồng ghép trong các buổi sinh hoạt chi đoàn, chi hội, hoạt động thi đua tại cơ sở”. 

Phương Thảo - Thiên Di

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục