Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Phòng, chống giun sán trong trường học:
Cần sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình
Thứ ba: 23:58 ngày 26/03/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Mới đây, vụ việc hàng trăm trẻ ở Bắc Ninh được gia đình đưa đi xét nghiệm, sau khi nghi ngờ một trường mầm non cho trẻ ăn thịt lợn có sán, khiến nhiều phụ huynh trên địa bàn tỉnh Tây Ninh cũng cảm thấy lo lắng, bất an. Không ít người thắc mắc, công tác phòng, chống giun sán trong trường học được thực hiện như thế nào, có thực sự đem lại hiệu quả?

Học sinh Trường mầm non Thái Chánh được giáo viên hướng dẫn rửa tay đúng cách.

Đối với học sinh ở lứa tuổi mầm non, tiểu học, công tác phòng, chống giun sán cho trẻ cần được quan tâm nhiều hơn vì ở lứa tuổi này, các em rất hiếu động, thích tìm hiểu xung quanh và chưa ý thức được việc tự chăm sóc bản thân. Nhiễm giun sán là bệnh lý rất phổ biến ở nước ta hiện nay, nếu không được chữa trị kịp thời sẽ dẫn tới một số bệnh lý khác như viêm phúc mạc, viêm ruột thừa, thiếu máu, suy dinh dưỡng, chậm phát triển…

Nguyên nhân mắc bệnh giun sán có thể đến từ thói quen ăn rau sống chưa được vệ sinh kỹ lưỡng, thịt, hải sản tái hoặc môi trường ô nhiễm, tiếp xúc với vật nuôi, thú cưng... Trẻ em dễ mắc giun sán khi chơi ở môi trường không sạch sẽ, dùng tay bẩn để đưa thức ăn vào miệng, bé có tật ngậm/mút tay hoặc uống nước chưa được nấu chín, ăn thực phẩm có nhiễm giun sán… Để phòng, chống giun sán cho trẻ, ngoài việc xổ giun định kỳ 6 tháng/lần, còn cần quan tâm đến vệ sinh, bảo đảm ăn chín, uống sôi.

Ngày xưa, việc trẻ nhiễm giun sán khá phổ biến do trẻ thường chơi ở nơi cát bẩn hay ngoài đồng ruộng. Ngày nay, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ ngày càng được quan tâm, trẻ em được chăm sóc kỹ lưỡng. Công tác phòng, chống bệnh giun sán cho trẻ tại các trường học ngày càng được nhà trường và phụ huynh quan tâm.

Qua khảo sát, công tác phòng, chống giun sán cho trẻ ở các trường học trên địa bàn tỉnh được thực hiện khá tốt và đồng bộ, được lồng ghép trong kế hoạch chung của ngành Giáo dục trong việc bảo vệ sức khoẻ, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Bên cạnh đó, nhà trường còn thường xuyên tuyên truyền, nâng cao kiến thức phòng giun sán trong học sinh, phụ huynh và giáo viên. Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố cũng phối hợp ngành Y tế tổ chức nhiều đợt kiểm tra các bếp ăn trường học trong năm học.

Thành phố Tây Ninh là địa phương tập trung nhiều trường học có bếp ăn bán trú cho học sinh nhất tỉnh. Trên địa bàn có 11 trường tiểu học và 16 trường mầm non có bếp ăn bán trú dành cho học sinh. Một lãnh đạo Phòng GD&ĐT Thành phố cho biết, hằng năm, Phòng thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra các bếp ăn trường học, nhằm kịp thời chấn chỉnh những mặt chưa tốt, chưa đạt để bảo đảm công tác an toàn vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn. Nhìn chung, công tác an toàn vệ sinh thực phẩm bếp ăn trường học trên địa bàn Thành phố thực hiện tốt, được Hội đồng nhân dân Thành phố đánh giá cao.

Trường mầm non Thái Chánh (TP. Tây Ninh) có 13 lớp học, với gần 600 em học sinh. Hiệu trưởng Dương Ánh Loan cho biết, nhà trường luôn quan tâm công tác tuyên truyền trong phụ huynh về việc tẩy giun sán định kỳ cho các em học sinh; đồng thời bảo đảm các em được ăn thức ăn sạch, uống nước chín và được hướng dẫn rửa tay đúng cách. Thực phẩm chế biến trong trường cũng được lấy từ các đơn vị uy tín. Để kiểm tra chất lượng thực phẩm đầu vào, trường đã tự trang bị máy kiểm tra nhanh chất lượng thực phẩm từ năm học 2017-2018.

Để phòng ngừa giun sán cho trẻ, trường thường xuyên vệ sinh đồ chơi, khu vui chơi của trẻ. Hằng năm, trường còn tổ chức cho trẻ uống thuốc tẩy giun định kỳ. Mỗi năm học, trường đều tổ chức họp phụ huynh, lấy ý kiến về bếp ăn trong trường học. Công tác tuyên truyền đến phụ huynh và học sinh thông qua các buổi sinh hoạt dưới cờ, loa phát thanh, phía trước sân trường có đặt bảng tuyên truyền những nội dung về phòng, chống dịch bệnh theo mùa...

Những năm qua, tại Trường mầm non Thái Chánh chưa từng xảy ra vụ việc nào liên quan đến VSATTP, các hợp đồng thực phẩm đều được công khai, minh bạch, phụ huynh cũng thường xuyên thử thực phẩm chế biến ở trường. Hiện tại, trường đã thực hiện việc gắn camera giám sát và tháng 4 sẽ đưa vào hoạt động.

Trường tiểu học Kim Đồng (TP. Tây Ninh) có 1.311 học sinh, với 35 lớp. Công tác phòng, chống bệnh giun sán cho học sinh được triển khai theo kế hoạch đề ra từ đầu năm học. Trong đó, công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại bếp ăn trường học được nhà trường đặc biệt chú trọng.

Thầy Nguyễn Đình Thảo- Hiệu trưởng cho biết: “Ban tiếp phẩm của trường gồm tổ y tế, tổ cấp dưỡng giám sát kỹ càng, khi có dấu hiệu bất thường ở thực phẩm phải báo lại với Ban giám hiệu nhà trường. Các nguồn thực phẩm cung ứng đều có địa chỉ rõ ràng, nhất là các cơ sở cung cấp thịt, phải có chứng nhận mới được đưa vào sử dụng trong trường học”.

Tỉnh đoàn phối hợp với Sở Y tế và các ban, ngành có liên quan tổ chức đoàn giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm bếp ăn tập thể tại Trường tiểu học Tôn Thất Tùng (TP. Tây Ninh) vào tháng 1.2019.

Thầy Thảo cho biết thêm, nhà trường luôn thực hiện nghiêm ngặt việc kiểm tra vệ sinh khi chế biến thức ăn. Tổ cấp dưỡng phải mang bảo hộ khi chế biến, thức ăn cho học sinh chia sẵn trên bàn phải có lồng bàn đậy kín, nhà ăn bảo đảm sạch sẽ. Giáo viên giáo chủ nhiệm và các cô bảo mẫu thường xuyên nhắc nhở học sinh rửa tay trước và sau khi ăn. Xà bông rửa tay được bố trí đầy đủ tại các nhà vệ sinh, bồn rửa tay trong trường học.

Thực tế, việc phòng chống giun sán cho trẻ tại trường học có thực hiện tốt đến đâu nếu không có sự chung tay của gia đình thì cũng khó phát huy hiệu quả cao nhất. Theo cô Dương Ánh Loan- Hiệu trưởng Trường mầm non Thái Chánh, dù trường học có thực hiện tốt thế nào, nhưng nếu ở nhà các bậc cha mẹ không chú ý chăm sóc, giữ gìn vệ sinh cho con em thật tốt, thì nguy cơ nhiễm giun sán vẫn có thể xảy ra. Do vậy phải bảo đảm ăn uống hợp vệ sinh, rửa tay đúng cách trước khi ăn. Bên cạnh đó, các phụ huynh cần quan tâm thực hiện việc tẩy giun cho trẻ theo định kỳ 6 tháng/lần.

Lê Thuỳ - Hoà Khang

Phụ huynh tham gia giám sát bếp ăn trường học, có cần thiết?

Sau vụ việc một trường học tại Bắc Ninh cho trẻ ăn thịt lợn nhiễm sán, nhiều phụ huynh bày tỏ mong muốn được cùng với nhà trường giám sát bếp ăn tại trường học. Lãnh đạo Phòng GD&ĐT thành phố Tây Ninh cho rằng, đề nghị này hợp lý, rất tốt, nhưng cần có sự thống nhất của các trường và có ý kiến của hiệu trưởng. Qua đó, thể hiện vai trò của Hội Phụ huynh học sinh trong việc chăm lo sức khoẻ cho học sinh.

Còn theo cô Loan, những vụ việc đáng tiếc về mất an toàn thực phẩm ở trường học đều xuất phát từ cái tâm của người làm nghề. Nếu là một người yêu trẻ, quan tâm đến sức khoẻ của trẻ thì sẽ cẩn trọng trong từng thao tác chế biến. Về việc phụ huynh mong muốn cùng tham gia giám sát bếp ăn trường học mỗi ngày, cô Loan rất hoan nghênh, tuy nhiên, để thực hiện cần sự thống nhất về quy trình và cách làm với Hội Phụ huynh học sinh ở trường.
Báo Tây Ninh
Liên kết hữu ích
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh