Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Cần sự quan tâm để cán bộ cơ sở yên tâm công tác, cống hiến
Thứ sáu: 00:24 ngày 08/04/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2021-2022, Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha ghi dấu với 11 thí sinh đạt giải. Trong đó, ấn tượng nhất là học sinh đạt giải Nhì môn Hoá học và 2 giải môn Toán. Các em là tấm gương phấn đấu trong học tập, xứng đáng được tuyên dương.

Công an xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu trò chuyện với người dân để nắm bắt tình hình tư tưởng, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn (ảnh chụp trước ngày 27.4.2021)

Trong bối cảnh cả nước và tỉnh thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, số lượng cán bộ, công chức (CBCC), người hoạt động không chuyên trách các xã, phường, thị trấn được bố trí, sắp xếp theo quy định chung. Khối lượng công việc hành chính cơ sở nhìn chung ngày càng nhiều, song tiền lương và phụ cấp của đội ngũ này còn thấp, chậm được cải thiện.

Việc nhiều, thu nhập chưa tương xứng

Một công chức phường trên địa bàn thành phố Tây Ninh cho biết: “Năm 2011, tôi thi đậu công chức Văn phòng - Thống kê và làm việc từ đó tới nay. Tôi được phân công phụ trách lĩnh vực cải cách hành chính tại bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của UBND phường, hằng ngày tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân, tham mưu cho UBND phường trong lĩnh vực phụ trách và thực hiện các nhiệm vụ khác được lãnh đạo giao. Riêng trong đợt phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua, ngoài công việc chính, tôi còn phụ trách thêm các công việc phục vụ Ban Chỉ huy phòng, chống dịch của phường. Cụ thể là tham mưu UBND phường ra quyết định cách ly tại nhà cho các trường hợp F0, F1; làm giấy hoàn thành cách ly F0, F1 cho người dân; thực hiện tất cả các loại báo cáo ngày về tình hình dịch Covid- 19 trên địa bàn phường cho ngành cấp trên; soạn thảo các quyết định thành lập và phong toả khu cách ly cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tại địa phương. Khối lượng công việc rất lớn, cộng thêm các nhiệm vụ kiêm nhiệm, hằng ngày tôi đều phải về muộn mới bảo đảm công việc mà lãnh đạo giao. Nhiều khi, tôi còn phải mang các hồ sơ, báo cáo về nhà làm thêm vào buổi tối mới kịp tiến độ công việc”.

Đây cũng là thực tế chung của nhiều CBCC cấp xã trên địa bàn tỉnh. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ, công việc của đội ngũ này sẽ ngày càng nhiều. Việc tiếp nhận, xử lý hệ thống các loại văn bản, báo cáo định kỳ, đột xuất hằng ngày là một trong những công việc quan trọng, chiếm khá nhiều thời gian của CBCC. Theo phản ánh của một số CBCC cấp phường, xã, thị trấn, hằng ngày, ngoài các báo cáo định kỳ, văn bản của ngành cấp trên chuyển về địa phương xử lý rất nhiều, dẫn đến thời gian đi cơ sở của CBCC cấp xã bị ảnh hưởng. Trung bình mỗi tháng làm 8-10 loại báo cáo định kỳ, ngoài ra còn có những báo cáo đột xuất, văn bản liên thông ngành cấp trên khoảng vài trăm văn bản. Nhìn chung, khối công chức- nhất là công chức văn phòng - thống kê phải xử lý khối lượng văn bản rất lớn.

Hiện nay, văn bản chủ yếu được chuyển trên môi trường mạng điện tử, nếu không xử lý kịp thời sẽ bị trễ hạn trên hệ thống, ảnh hưởng đến kết quả giải quyết công việc chung của địa phương. Trong khi đó, có những vị trí công việc đòi hỏi công chức cấp xã phải thường xuyên đi thực tế, điển hình là công chức lĩnh vực địa chính xây dựng ở những phường, xã, thị trấn “nóng” về vấn đề mua bán, chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất, dễ dẫn đến bị trễ hạn xử lý văn bản, hồ sơ trên hệ thống.

Mặc dù khối lượng và áp lực công việc lớn nhưng chế độ tiền lương, phụ cấp của đội ngũ CBCC, người hoạt động không chuyên trách cấp xã chậm được cải thiện. Tại Nghị quyết 34/2021/QH15 về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022, Quốc hội quyết định lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Khoản 3, Điều 4 Nghị quyết 23/2021/QH15 của Quốc hội. Với việc lùi thời điểm cải cách tiền lương thì lương CBCC cấp xã sẽ tiếp tục tính theo mức lương cơ sở 1.490.000 đồng/tháng nhân hệ số; mức khoán phụ cấp của người hoạt động không chuyên trách cấp xã cũng chưa được cải thiện.

Công chức UBND xã Tân Lập, huyện Tân Biên tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận Một cửa (ảnh chụp ngày 21.2.2022)

Cuộc sống khó khăn, nhiều người xin nghỉ việc

Một công chức phường trên địa bàn thành phố Tây Ninh cho biết thêm: “Sau 11 năm công tác, mức lương tôi đang hưởng là bậc 4 (hệ số 3,33), cộng với khoản phụ cấp, mỗi tháng thực lĩnh hơn 5 triệu đồng. Đối với công chức trực bộ phận Một cửa phường, hiện tại mức phụ cấp chỉ 280.000 đồng/tháng. UBND phường đã kiến nghị ngành cấp trên nâng mức phụ cấp trực “Một cửa” cho công chức phường, xã đã rất lâu nhưng vẫn chưa được xem xét giải quyết. Với mức thu nhập như thế này, việc trang trải cho chi phí đi lại, cuộc sống cá nhân, gia đình là rất khó khăn do vật giá tăng cao, học phí các cấp học từ mầm non đến đại học đều tăng trong khi mức lương vẫn còn rất thấp. Rất mong ngành cấp trên xem xét sớm nâng mức hỗ trợ cho công chức cấp phường, xã vì cấp cơ sở là nơi tiếp xúc trực tiếp với người dân, công việc rất nhiều nhưng lương và phụ cấp rất thấp, không đủ trang trải cuộc sống, CBCC tại địa phương sẽ khó yên tâm công tác”.

Trên thực tế, có nhiều CBCC, người hoạt động không chuyên trách cấp xã xin nghỉ việc vì lý do hoàn cảnh gia đình khó khăn hoặc nghỉ do tìm được công việc khác.

Được biết, sau khi nhận đơn xin nghỉ việc của CBCC, người hoạt động không chuyên trách, lãnh đạo các địa phương đều tìm hiểu nguyên nhân xin nghỉ việc, vận động, động viên, tạo điều kiện thuận lợi để họ tiếp tục công tác. Tuy nhiên nhiều trường hợp quyết tâm nghỉ vì đã tìm được công việc phù hợp, mức thu nhập tốt hơn. Các xã, thị trấn đã kịp thời hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục gửi về Phòng Nội vụ huyện, giải quyết chế độ chính sách và làm thủ tục giải quyết theo nguyện vọng. Đồng thời, tìm nhân sự thay thế các chức danh khuyết.

Trong những năm qua, Tây Ninh cũng như nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước đều thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế và đã đạt được những kết quả đáng kể. Giai đoạn 2015-2021, toàn tỉnh cắt giảm 204 biên chế công chức trên tổng số 2.010 công chức được giao năm 2015, đạt 10,15%; giảm 2.124 biên chế sự nghiệp trong tổng số 19.289 biên chế được giao năm 2015, đạt 11,01%. Riêng thực hiện Nghị định 34/2019/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, ấp, khu phố, thì số lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã phải giảm trong toàn tỉnh (chưa tính công an viên) lên tới hàng trăm người. Việc củng cố và “giữ chân” CBCC, người hoạt động không chuyên trách nhìn chung còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, trong đó, chế độ tiền lương, phụ cấp, môi trường làm việc là yếu tố quan trọng.

Từ thực tế này, rất cần các địa phương tiếp tục đề xuất, kiến nghị Trung ương cải cách các chế độ tiền lương, phụ cấp, cải thiện môi trường làm việc cấp cơ sở. Bởi đây là đội ngũ gần dân, tiếp xúc trực tiếp, thường xuyên nhất với người dân; nếu không có giải pháp sẽ rất khó để “giữ chân” những CBCC có trình độ, năng lực trong hệ thống chính trị cơ sở.

Phương Thuý

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh