Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
PHÒNG, CHỐNG BỆNH LAO:
Cần sự vào cuộc của cả cộng đồng
Thứ năm: 00:22 ngày 21/12/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngoài sự phối hợp của các sở, ban, ngành còn cần có sự chung tay của cả cộng đồng cùng ngành Y tế đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức về căn bệnh này.

Điều trị cho bệnh nhân lao tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi.

Hiện nay, mạng lưới phòng, chống lao được hoàn thiện từ tỉnh đến cơ sở. Bệnh viện tuyến tỉnh và 9 trung tâm y tế huyện, thành phố đều có phòng chuyên môn điều trị lao. 100% xã, phường, thị trấn có cán bộ chuyên trách và cộng tác viên về phòng, chống lao. 100% số bệnh nhân được quản lý, theo dõi và điều trị theo chiến lược DOTS ở cả 2 giai đoạn tấn công và củng cố, góp phần ngăn chặn nguồn lây trong cộng đồng.

Bác sĩ Nguyễn Văn Thiện, Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Tây Ninh cho biết việc phát hiện sớm, điều trị kịp thời đúng phác đồ là những yếu tố then chốt để đạt hiệu quả cao trong điều trị bệnh lao. Mỗi bệnh nhân đến khoa Lao của bệnh viện được các cán bộ y tế thăm khám, tư vấn kỹ càng. Trong năm 2017, toàn tỉnh đã phát hiện 13.620 người nghi lao, chiếm tỷ lệ 116,73%, trong đó phát hiện mới 301 ca, trên 2.124 ca thử đàm, quản lý điều trị 1.067 bệnh nhân và tỷ lệ bệnh nhân lành bệnh đạt 95,43% (vượt chỉ tiêu đã đề ra).

Thời gian qua, số lượng ca bệnh mới được phát hiện ngày càng chính xác là nhờ đội ngũ y, bác sĩ có kinh nghiệm và trang thiết bị đầy đủ. Bên cạnh đó, nhờ hoạt động đồng bộ và hiệu quả từ tỉnh đến huyện, xã nên nguồn bệnh nhân nghi lao ở tuyến y tế cơ sở cũng được chuyển lên tổ chống lao huyện, thành phố nhiều hơn. Ngoài ra, việc quản lý điều trị tại tuyến y tế cơ sở được triển khai đều đặn, thường xuyên. Việc cấp phát thuốc 1 tháng/lần tại xã, phường được duy trì, thuận tiện cho việc nhận thuốc của bệnh nhân. Hầu hết các bệnh nhân được xét nghiệm, kiểm tra theo đúng quy định trong 8 tháng và được đánh giá kết quả điều trị chính xác.

Bên cạnh công tác điều trị, Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Tây Ninh còn chú trọng đến công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ bằng cách thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ chuyên trách lao tuyến cơ sở; các buổi mít tinh, phát hình trên ti vi tại khu chờ khám bệnh, treo băng rôn nhằm hưởng ứng các ngày lễ lớn về phòng chống thiên tai, dịch bệnh trong năm…

Mặt khác, mạng lưới y tế tuyến xã và cộng tác viên của chương trình Chống lao quốc gia làm tốt công tác tuyên truyền mà nhận thức của người dân về bệnh lao đã có bước chuyển biến. Nhiều người đã biết đến khám, xét nghiệm và chữa bệnh lao tại phòng khám lao huyện, thành phố. Bác sĩ Trần Kiều Oanh, Trưởng trạm Y tế thị trấn Hoà Thành cho biết: “Nhờ tham gia các lớp tập huấn, những người làm chuyên trách ở trạm y tế như chúng tôi đã chủ động hơn trong phát hiện, phân loại, quản lý điều trị bệnh, các phác đồ chữa bệnh lao theo quy định. Nhờ đó, việc lấy mẫu đàm xét nghiệm tầm soát bệnh lao được thực hiện thuận lợi, đặc biệt công tác tuyên truyền, vận động theo phương thức “vãng gia” được thực hiện thường xuyên đến tận người bệnh, phục vụ tích cực công tác điều trị, hạn chế nguồn lây mới trên địa bàn”.

Ðối với công tác phòng, chống bệnh lao, việc phát hiện xác định rõ nguồn lây tiềm ẩn trong cộng đồng là điều cực kỳ quan trọng trong việc quản lý và điều trị bệnh nhân. Tuy nhiên, trong những năm qua, công tác phát hiện nguồn lây còn gặp rất nhiều khó khăn bởi nhiều lý do khác nhau. Sự hiểu biết của người dân về bệnh lao và cách phòng tránh còn hạn chế; xã hội vẫn còn kỳ thị với bệnh nhân lao, dẫn đến người bị bệnh còn ngại đi khám, e dè, giấu giếm nên khi đến cơ sở y tế bệnh đã nặng; một số địa phương còn xem nhẹ công tác phòng, chống lao; một số cơ sở nhân viên y tế còn thiếu và yếu… Hơn nữa, cán bộ tổ phòng, chống lao của các huyện, thị, thành phố có trình độ chuyên môn không đồng đều, kiêm nhiệm nhiều công việc. Một số huyện, thành phố thay đổi cán bộ tổ phòng, chống lao nên chưa theo kịp các hoạt động của chương trình, do đó việc triển khai công tác phòng, chống lao từ phát hiện bệnh nhân lao, đến quản lý điều trị ngoại trú còn nhiều hạn chế, nhất là những xã ở vùng sâu, vùng xa. Ðồng thời, cơ chế chính sách thu hút nguồn nhân lực hoạt động và chất lượng nguồn nhân lực trong hoạt động chuyên ngành lao và bệnh phổi hiện nay tuy đã có những thay đổi, song vẫn chưa được đảm bảo tốt.  

Ngoài ra, một trong những thách thức hiện nay đối với công tác phòng, chống bệnh lao trên địa bàn tỉnh ta là vấn đề đa kháng thuốc và siêu kháng thuốc do bệnh nhân bỏ dở việc điều trị, làm gia tăng phức tạp và tốn kém trong điều trị. Sự tác động của đại dịch HIV/AIDS làm tăng gánh nặng bệnh lao; nguy cơ phát sinh nguồn lây mới trong cộng đồng chưa có giải pháp hữu hiệu…

Bác sĩ Nguyễn Văn Thiện cho biết: “Ðể giải quyết những khó khăn nêu trên, ngành Y tế đang chủ trương tập trung huy động nguồn lực cho công tác phòng, chống lao từ khâu đầu tư thiết bị, gởi đào tạo bác sĩ có chuyên môn cao, tiếp cận với phác đồ điều trị mới; tăng cường kiểm soát lao phổi đa kháng và siêu kháng thuốc, lao kết hợp HIV; thực hiện chiến lược chăm sóc sức khoẻ phổi, trong đó có chương trình nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính trẻ em; giám sát, thu dung và điều trị ngay từ tuyến cơ sở”. 

Thêm vào đó, ngoài sự phối hợp của các sở, ban, ngành còn cần có sự chung tay của cả cộng đồng cùng ngành Y tế đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức về căn bệnh này. Ðặc biệt, người dân nên thực hiện tiêm phòng vắc-xin phòng ngừa bệnh lao đầy đủ và đúng lịch. Chủ động khám phát hiện nghi ngờ như: ho kéo dài trên 2 tuần, sốt, ớn lạnh về chiều, ăn uống kém, sụt cân… Bệnh nhân mắc bệnh phổi mạn tính phải thường xuyên kiểm tra định kỳ để tầm soát bệnh lao sớm. Bên cạnh đó, cần có sự quan tâm, động viên và hỗ trợ của cộng đồng đối với các đối tượng có nguy cơ đi khám để phát hiện và điều trị bệnh lao sớm.

Có thể nói sự hiểu biết, ý thức của người dân, nhất là những người đang mắc căn bệnh này, là phương pháp hữu hiệu nhất để chủ động trong việc bảo vệ sức khoẻ, phòng chống bệnh lao cho bản thân, gia đình và xã hội. Qua đó góp phần hạn chế sự lây lan bệnh lao trong cộng đồng và đẩy mạnh công tác phòng, chống bệnh lao của tỉnh trong thời gian tới.

Ngọc Bích

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh