Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Cần tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh dại
Thứ bảy: 15:57 ngày 26/05/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành có liên quan, UBND huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền sâu rộng về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các dấu hiệu nhận biết bệnh dại đến cộng đồng. Tổ chức triển khai tháng cao điểm phòng, chống bệnh dại trên địa bàn quản lý.

Một trường hợp bị chó cắn tiêm phòng vắc-xin dại tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.

Bệnh dại là một căn bệnh nguy hiểm, do vi rút dại gây ra, lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu qua vết thương cắn của động vật mắc bệnh.

Tại Việt Nam, bệnh dại đã xuất hiện ở nhiều địa phương, làm chết nhiều người. Năm 2017, toàn quốc có 74 người chết do bệnh dại tại 37 tỉnh, thành phố.

Trong 3 tháng đầu năm 2018, có thêm 16 trường hợp tử vong do bệnh dại tại 12 tỉnh, thành phố. Riêng ở Tây Ninh, năm 2017 có trên 11.000 người điều trị dự phòng bệnh dại, trong đó có 2 người chết do bị chó cắn tại huyện Bến Cầu và Tân Biên. Trong 4 tháng đầu năm 2018, có gần 3.000 người phải tiêm phòng bệnh dại do bị động vật cắn.

 

Bệnh dại thường tăng cao vào mùa nắng nóng, từ tháng 5 đến tháng 8 hằng năm. Hiện nay, bệnh dại chưa có thuốc đặc trị, nhưng có thể phòng bằng vắc-xin. Tiêm vắc-xin phòng bệnh dại kịp thời cho người bị động vật nghi dại cắn là biện pháp hiệu quả.

Theo ngành Y tế, hầu hết người mắc bệnh dại tử vong là do không được điều trị dự phòng sớm và không điều trị dự phòng. Người dân còn hạn chế, chủ quan, lơ là, xem nhẹ sự nguy hiểm của bệnh dại. Chưa quan tâm đến việc quản lý và tiêm phòng cho động vật nuôi.

Cách đây vài ngày, đứa con trai 3 tuổi của anh Nguyễn Anh Trương, ngụ tại xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên bị con chó hàng xóm cắn chảy máu ở phần cánh tay, để lại nhiều vết thương. Xem thông tin trên báo, đài về bệnh dại, lo sợ nguy hiểm cho con, anh Trương vội đưa con đến Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh để tiêm phòng vắc-xin.

Còn anh Nguyễn Văn Tâm, ngụ tại xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu cho biết, cách đây 3 tháng, anh bị con chó nhà nuôi cắn vào chân, làm trầy xước và chảy máu. Anh chỉ xử lý bằng cách rửa vết thương cho thật sạch và đắp tỏi. Anh nghĩ chó nhà cắn sẽ không bị sao nên đã không đi tiêm ngừa.

Ông Ngô Minh Phương, ngụ tại xã Hoà Thạnh, huyện Châu Thành cũng bị chó nhà cắn. Sau 3 ngày bị chó cắn, ông mới tìm đến Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh để tiêm phòng. Tuy nhiên, ông đã không được tiêm phòng.

Theo lời ông Phương, nhân viên trung tâm nói với ông là 10 ngày sau quay lại tiêm phòng. Ông Phương rất lo lắng, hoang mang khi không được tiêm vắc-xin sớm để dự phòng bệnh dại.

Không chỉ có trường hợp của ông Phương, trong ngày 22.5, nhiều người bị chó cắn đã đến Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cũng không được trung tâm tiếp nhận.

Trao đổi về vấn đề này, ông Biện Văn Tư- Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: “Từ đầu năm đến nay, vắc-xin tiêm phòng bệnh dại bị thiếu hụt so với nhu cầu tiêm phòng của người dân. Không chỉ riêng ở Tây Ninh mà nhiều tỉnh, thành khác cũng tương tự.

Do năm nay, quá trình nhập khẩu, phân phối vắc-xin bị chậm trễ, số lượng vắc-xin nhập về cũng có hạn nên dẫn đến việc thiếu hụt. Người dân cứ yên tâm vì đến đầu tháng 6, tỉnh sẽ có vắc-xin phòng bệnh dại để phục vụ nhu cầu tiêm ngừa.

Hiện nay là thời điểm bệnh dại bùng phát và diễn biến khó lường. Theo khuyến cáo của ngành Y tế, khi bị chó, mèo cắn, người dân cần chủ động tiêm phòng vắc-xin dại. Ngoài ra, người dân cần quản lý vật nuôi, không thả rông, không đùa nghịch, trêu chọc chó mèo. Ðồng thời, tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo, vật nuôi trong nhà.

Mới đây, UBND tỉnh có công văn về tăng cường các biện pháp chủ động, phòng chống bệnh dại năm 2018. UBND tỉnh yêu cầu các sở ngành, UBND các huyện, thành phố thực hiện theo Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 6.7.2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách, phòng, chống bệnh dại và chương trình quốc gia khống chế, tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017-2021; cũng như Công điện khẩn số 2704/CÐ-BNN-TY, ngày 10.4.2018, của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh dại năm 2018.

UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành có liên quan, UBND huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền sâu rộng về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các dấu hiệu nhận biết bệnh dại đến cộng đồng. Tổ chức triển khai tháng cao điểm phòng, chống bệnh dại trên địa bàn quản lý.

Tổ chức rà soát, thống kê số hộ nuôi chó và triển khai tiêm phòng vắc-xin dại cho đàn chó. Hướng dẫn người dân bị chó, mèo cắn đến cơ sở y tế để được điều trị dự phòng, đồng thời giám sát phát hiện các ca bệnh dại...

CHÂU PHA

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục