Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đồng hành cùng doanh nghiệp:
Cần tăng cường chất lượng thực thi
Thứ sáu: 05:24 ngày 08/09/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đánh giá PCI giúp chính quyền các địa phương nhận diện những điểm nghẽn về môi trường đầu tư, kinh doanh và những hạn chế trong công tác điều hành cấp tỉnh.

Ông Lê Anh Tuấn- Giám đốc Sở Công Thương thông tin về các quy định, chính sách hỗ trợ DN về lĩnh vực khuyến công, xúc tiến thương mại và thương mại điện tử của tỉnh tại chương trình họp mặt doanh nhân thường kỳ tháng 7.2023. Ảnh: Trúc Ly

Để chuẩn bị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025, Tỉnh uỷ tổ chức hội nghị mời các chuyên gia, nhà khoa học phân tích, đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu phát triển KT-XH nửa đầu nhiệm kỳ và dự báo, khuyến nghị giải pháp cho tỉnh trong những năm tiếp theo.

Mới đây nhất, chiều 5.9, Tỉnh uỷ tổ chức hội nghị trực tuyến phân tích và giải pháp nâng cao chỉ số PCI với sự tham gia của cán bộ, chuyên gia thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

 

Tụt hậu chỉ số PCI

Trong PCI 2022, điểm số tổng hợp của tỉnh Tây Ninh là 62,31 điểm, xếp hạng thứ 55/63 tỉnh, thành phố trên cả nước. So với PCI 2021, Tây Ninh giảm 1,59 điểm và 18 bậc; xếp thứ 6/6 trong khu vực Đông Nam Bộ.

Theo phân tích của nhóm chuyên gia VCCI, nhóm 4 chỉ số thành phần cải thiện so với PCI 2021 có biên độ cải thiện khá nhỏ (dưới 0,3 điểm), trong khi đó, 6 chỉ số thành phần giảm điểm lại có mức giảm đáng kể, đặc biệt với một số thành phần có trọng số cao như chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (giảm 1,74 điểm), đào tạo lao động (giảm 1,02 điểm), tính năng động và tiên phong của chính quyền địa phương (giảm 0,79 điểm). Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến điểm số và thứ hạng của Tây Ninh giảm so với năm 2021.

Đánh giá chất lượng điều hành kinh tế của tỉnh Tây Ninh dưới góc nhìn DN tham gia khảo sát PCI được chuyên gia VCCI tiếp cận ở 3 nội dung: giải quyết thủ tục hành chính (TTHC); tiếp cận các nguồn lực sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Theo đánh giá của DN tại Tây Ninh, cải cách hành chính tại tỉnh chuyển biến tích cực hơn trong thời gian qua và có nhiều tác động tốt của chuyển đổi số trong giải quyết TTHC. 61% DN không gặp khó khăn khi thực hiện TTHC trực tuyến và giúp tiết giảm thời gian, chi phí cho DN; 84% doanh nghiệp thực hiện các TTHC về đất đai trong vòng 2 năm qua không gặp khó khăn về thủ tục; 57% doanh nghiệp không gặp cản trở về tiếp cận đất đai hoặc mở rộng mặt bằng kinh doanh.

Tuy nhiên, có 67% DN đánh giá thời gian giải quyết các thủ tục vẫn dài hơn quy định pháp luật; khoảng 62% DN cho biết cán bộ nhận hồ sơ và giải quyết TTHC không hướng dẫn chi tiết, đầy đủ. Ngoài ra, DN vẫn còn gặp khó khăn như: gánh nặng thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, vướng mắc trong cấp phép kinh doanh có điều kiện, chi phí không chính thức, khó khăn trong tiếp cận tín dụng và tuyển dụng, đào tạo lao động, nhất là lao động chất lượng cao…

Trao đổi bên lề hội nghị, ông Đậu Anh Tuấn- Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, Giám đốc Dự án Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cho biết: “Trong bảng xếp hạng PCI, Tây Ninh chưa bao giờ nằm trong top 10- nhóm dẫn đầu, tuy nhiên, tỉnh đã từng nằm trong nhóm xếp hạng cao.

Theo dõi qua từng năm có thể thấy, trước đây, cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách TTHC chỉ diễn ra mạnh mẽ ở một nhóm không nhiều các tỉnh, thành phố, nhưng hiện nay đã diễn ra mạnh mẽ ở tất cả 63 tỉnh, thành; và đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của chính quyền các tỉnh, thành phố.

Trong kết quả PCI những năm gần đây, chúng tôi thấy rõ khoảng cách giữa các địa phương xếp sau bảng và các địa phương nhóm dẫn đầu đang rút ngắn rõ nét, có xu hướng hội tụ trong bảng xếp hạng. Do đó, nếu so với những năm trước, Tây Ninh có thể chưa thay đổi nhiều, còn nếu so với các tỉnh, thành phố hiện nay thì có thể Tây Ninh đang tụt hậu”.

Người dân lấy số thứ tự nộp thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Khuyến nghị từ chuyên gia

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là chỉ số tổng hợp đo lường và đánh giá thực tiễn chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố tại Việt Nam. Đánh giá PCI giúp chính quyền các địa phương nhận diện những điểm nghẽn về môi trường đầu tư, kinh doanh và những hạn chế trong công tác điều hành cấp tỉnh.

Từ đó, chính quyền các tỉnh, thành phố có thể xây dựng chương trình hành động để cải thiện chất lượng điều hành, tạo thuận lợi môi trường kinh doanh và nhờ vậy thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân ở các địa phương. Chỉ số PCI có thể coi như “tập hợp tiếng nói” của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam về môi trường kinh doanh tại toàn bộ 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Theo ông Đậu Anh Tuấn- Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, Giám đốc Dự án Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, một nhà đầu tư sẽ có xu hướng chọn địa phương có nhiều yếu tố thuận lợi về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, và trong đó có cả yếu tố chất lượng điều hành của bộ máy chính quyền.

Qua thước đo PCI và trải nghiệm của các DN thì không gian cần cải thiện của tỉnh Tây Ninh vẫn còn rất lớn. Kết quả đánh giá PCI 2022, Tây Ninh đang ở nhóm sau của cả nước, một vài năm gần đây có xu hướng giảm nhẹ. Đây cũng là thông tin để Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và các cơ quan liên quan thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh mạnh mẽ hơn nữa.

Ông Đậu Anh Tuấn khuyến nghị trong thời gian tới, Tây Ninh cần sự đột phá hơn trong tạo lập môi trường kinh doanh. Có thể một số lĩnh vực của tỉnh có chuyển biến tích cực theo thời gian, nhưng so với yêu cầu mới, kỳ vọng, mục tiêu của tỉnh thì giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cần mạnh mẽ hơn. Tỉnh cũng đã nêu nhiều giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách TTHC, giảm phiền hà cho DN.

Thông qua dữ liệu điều tra PCI cũng như nhận định của lãnh đạo UBND tỉnh thì rõ ràng vẫn còn sự chần chừ, sợ rủi ro, sợ trách nhiệm, né tránh, ngại thay đổi… trong một bộ phận cán bộ công chức. Cho nên, để một môi trường đầu tư, kinh doanh hấp dẫn thì phải giảm dần tư duy này, làm sao các dự án phải được thực hiện một cách thuận lợi, nhanh chóng với chi phí và rủi ro thấp nhất.

Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm cùng lãnh đạo các sở, ban ngành, doanh nghiệp tham dự chương trình Họp mặt doanh nhân thường kỳ tháng 6.2023. Ảnh: Trúc Ly

Bên cạnh đó, Tây Ninh cần tăng cường đối thoại, gặp mặt DN, kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc của DN, nhà đầu tư, đưa giải pháp tháo gỡ, cải cách. Hiện nay, Tây Ninh cũng đã có nhiều công cụ thực hiện công khai, minh bạch hoá môi trường đầu tư, kinh doanh, minh bạch TTHC, tăng giao tiếp giữa người dân và chính quyền trên môi trường mạng, tuy nhiên, phải thực hiện sao cho hiệu quả hơn.

Về vấn đề này, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm đã nêu khi đánh giá chỉ số PCI 2022 của tỉnh, đó là tại sao công cụ đã có nhưng chưa hiệu quả như các tỉnh, thành phố khác? Tại sao doanh nghiệp chưa sử dụng nhiều và chưa đánh giá cao? Do đó, cần cải thiện cách thức thực hiện, cụ thể như quan tâm trả lời thấu đáo các ý kiến, phản ánh kiến nghị của DN; cải thiện chất lượng vận hành cổng thông tin điện tử, dịch vụ công trực tuyến…

Một nhóm giải pháp rất quan trọng là tăng cường chất lượng thực thi. Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, các giải pháp cải thiện môi trường không chỉ dừng lại ở kế hoạch, nghị quyết, chương trình hành động mà phải làm sao chuyển thành thực tiễn hành động, chuyển thành hành xử, văn hoá hành chính, thành thao tác giải quyết TTHC của cán bộ, công chức.

Vấn đề này có thể liên quan nhiều đến công tác tuyển dụng, lựa chọn cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính; cơ chế giám sát, kiểm tra và quy trình thủ tục phải rõ người, rõ việc, tránh tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, trách nhiệm.

Phân tích, đánh giá và khuyến nghị cải thiện chỉ số PCI của chuyên gia sẽ là những dữ liệu quan trọng để lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, địa phương đi đến thống nhất định hướng những công việc cụ thể cần tập trung giải quyết trong thời gian tới. Mục tiêu là để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tích cực hỗ trợ, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển.

Phương Thuý

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh