Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Chợ nông thôn không chỉ phục vụ các nhu cầu thiết yếu hằng ngày thông qua hoạt động mua bán, trao đổi hàng hoá và dịch vụ của bà con nông thôn, mà còn thể hiện sự văn minh thương mại, thu dần khoảng cách giữa nông thôn- thành thị, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương ngày một phát triển. Đây là một trong những tiêu chí quan trọng trong Chương trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, hiện nay việc đầu tư cho chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được các địa phương quan tâm đúng mức, kinh phí đầu tư còn hạn chế.

|
Cảnh nhếch nhác chợ Tân Bình.
Theo Sở Công Thương, từ năm 2010 - 2014, toàn tỉnh đã đầu tư hơn 25 tỷ đồng để nâng cấp, sửa chữa 24 chợ (xây mới 6 chợ và và cải tạo nâng cấp 18 chợ). Trong đó, nguồn kinh phí từ ngân sách các huyện, xã là 16,682 tỷ đồng, các nguồn vốn khác và các doanh nghiệp đóng góp hơn 4,7 tỷ đồng, ngân sách tỉnh chỉ hỗ trợ 1,423 tỷ đồng. Ngoài ra, còn một số nguồn khác như Chương trình 135, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới…
Thế nhưng thực tế, ở hầu hết chợ nông thôn vẫn còn nhiều bất cập, đòi hỏi sớm được giải quyết. Cụ thể như: nhiều ban quản lý, tổ quản lý các chợ được bố trí kiểu chắp vá, thiếu tính chuyên nghiệp; phần lớn các chợ thiếu vốn để đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp; vấn đề môi trường, chất lượng giao thương chưa được quan tâm… Từ đó, vẫn còn nhiều chợ tạm bợ hoặc đã xuống cấp trầm trọng, đến nay chưa được nâng cấp.
Cụ thể như chợ Long Vĩnh, xã Long Vĩnh, huyện Châu Thành. Theo các tiểu thương nơi đây thì chợ đã được xây dựng hơn 10 năm, đến nay đã hư hỏng trầm trọng, làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động mua bán của người dân. Do mặt bằng chợ hẹp nên vào buổi sáng, hàng hoá chất kín cả lối đi, nhiều tiểu thương phải lấn ra đường buôn bán.
Bà Nguyễn Thị Hoa- tiểu thương chuyên bán hàng quần áo ở chợ Long Vĩnh cho biết, trước đây, trung bình mỗi ngày bán được vài triệu đồng tiền hàng, so với các chợ nông thôn khác, sức tiêu thụ ở chợ này tương đối mạnh. Nhưng bây giờ, chợ vừa hư hỏng vừa ô nhiễm, dẫn đến buôn bán ngày càng ế ẩm vì ngày càng ít người mua.
Tại chợ, nhiều quầy hàng đã xập xệ, xiêu vẹo, hệ thống PCCC không đạt yêu cầu, tình trạng ô nhiễm ngày càng tăng do rác thải dồn đống phía sau chợ… Khu vực bán hàng thực phẩm, hải sản, rau luôn trong tình trạng ẩm thấp, nước đọng từng vũng, ảnh hưởng đến an toàn vệ sinh thực phẩm. Khi trời mưa, chợ bị dột tứ tung, tiểu thương phải căng bạt che, vô cùng khổ sở.
Đối với chợ Tân Bình, xã Tân Bình, TP. Tây Ninh, mặc dù đã được đầu tư xây dựng kiên cố mới 4 năm mà đến nay đã bị xuống cấp khá nặng nề. Đây là chợ đầu mối cung cấp lương thực, hàng hoá, nhu yếu phẩm cho người dân trên địa bàn xã, nhưng vô cùng nhếch nhác, tuềnh toàng.
Chợ có hơn 50 gian hàng đều là những túp lều lụp xụp. Riêng khu vực nhà lồng thì lại bị bỏ hoang từ nhiều năm do hư hỏng, nhiều chỗ bong tróc trầm trọng. Chính vì vậy, các tiểu thương ngồi lấn ra cả lòng đường, vỉa hè, gây nên tình trạng lộn xộn, mất an toàn giao thông.
Bà Ngân sinh sống gần chợ cho biết, nhiều năm qua, chợ không được đầu tư nâng cấp, sửa chữa nên cơ sở hạ tầng xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu giao thương buôn bán của người dân.
Theo Sở Công Thương, tiếp tục thực hiện Quyết định 23/QĐ-TTg về phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020, tỉnh sẽ xem xét đầu tư xây dựng chợ nông thôn, vì đây là yêu cầu rất cần thiết để phát triển ngành thương mại nông thôn và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Để thực hiện mục tiêu này, Sở đề nghị các địa phương hằng năm cần tính toán, cân đối ngân sách để bố trí cho đầu tư xây dựng chợ nông thôn theo quy hoạch phát triển chợ đến năm 2020 đã được phê duyệt.
THANH NHI