Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Cần tăng cường phối hợp chặt chẽ trong thi hành án dân sự
Thứ sáu: 15:06 ngày 04/11/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Công tác thi hành án dân sự (THADS) có vai trò quan trọng trong hoạt động tư pháp, làm cho bản án, quyết định của Toà án được chấp hành trong thực tiễn, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và Nhà nước.

Cán bộ THADS thông qua quyết định cưỡng chế.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau như liên quan đến vấn đề kê biên tài sản, xử lý tài sản, án chậm thi hành, thiếu biên chế... nên công tác THADS vẫn gặp những khó khăn nhất định.

Một lãnh đạo Chi cục THADS huyện Châu Thành chia sẻ, do là huyện biên giới giáp Campuchia, có nhiều đồng bào dân tộc, sống ở vùng sâu. Đa số người dân sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp nên đời sống, thu nhập còn khó khăn, nhận thức pháp luật còn hạn chế.

Xuất phát từ đặc thù đó nên công tác THADS cũng gặp nhiều khó khăn như số việc, số tiền phải thi hành án thường tăng hằng năm, lượng án Chi cục phải tổ chức thi hành trung bình năm hơn 3.000 việc/5 chấp hành viên trực tiếp tổ chức THADS (bình quân mỗi chấp hành viên phải giải quyết 600 việc/năm), do đó kết quả thi hành xong về việc chưa đạt chỉ tiêu.

Việc chấp hành pháp luật về thi hành án của người phải thi hành án còn hạn chế nên trong quá trình làm việc không thể tránh khỏi những thiếu sót, vi phạm về mặt thời gian theo luật định, cụ thể chậm tống đạt, thông báo các văn bản, giấy tờ cho đương sự; chậm xác minh định kỳ đối với các vụ việc chưa có điều kiện thi hành án; chậm giao quyết định cho cơ quan Kiểm sát cùng cấp… Trong năm 2022, Chi cục không xảy ra sai phạm nghiêm trọng.

Tỷ lệ thi hành xong của án theo đơn yêu cầu đạt thấp, không tương xứng với số việc thụ lý theo đơn, dẫn đến lượng án theo đơn chuyển kỳ sau còn tồn lớn. Tang vật đã có quyết định thi hành án nhưng chấp hành viên không xử lý triệt để dẫn đến tồn tang vật.

Chấp hành viên sắp xếp công việc chưa khoa học, chưa nghiên cứu kỹ các văn bản pháp luật, chưa mạnh dạn kê biên, xử lý tài sản liên quan đến đất đai vì các vụ việc có liên quan đến đất đai ở Châu Thành thường bị sai thửa đất, nhầm thửa, diện tích thực tế không đúng theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ranh giới đất không rõ ràng, hết hạn sử dụng…

Bên cạnh đó, công tác THADS phụ thuộc vào sự phối hợp giữa cơ quan THADS, chấp hành viên với các cơ quan, tổ chức và chính quyền địa phương. Ở đâu việc phối hợp tốt, ở đó sẽ mang lại hiệu quả cao cho công tác THADS và ngược lại.

Xác định rõ quan điểm trên, thời gian qua, Cục THADS đã ký kết nhiều quy chế phối hợp liên ngành trong công tác THADS để nâng cao trách nhiệm của cơ quan THADS, chấp hành viên cũng như cá nhân, cơ quan, tổ chức tham gia phối hợp như Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tây Ninh, Sở Tài nguyên và Môi trường, TAND tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Công an tỉnh, Bảo hiểm xã hội, Trại giam Cây Cầy.

Chi cục THADS huyện Châu Thành cho biết, các cơ quan, phòng, ngành, UBND các xã, thị trấn phối hợp nhiệt tình với đơn vị trong hoạt động THADS. Chẳng hạn như Công an huyện phối hợp rất tốt trong chuyển giao vật chứng, mở gói niêm phong, tiêu hủy ma tuý, cưỡng chế thi hành án; thu tiền của người phải thi hành án đang bị tạm giam, tạm giữ, xét đặc xá.

Tòa án huyện phối hợp trong việc chuyển giao bản án, quyết định và giải thích, đính chính kịp thời bản án, quyết định, xét miễn giảm. Còn Viện Kiểm sát nhân dân huyện phối hợp có trách nhiệm trong miễn giảm nghĩa vụ thi hành án, kiểm sát hoạt động thi hành án; Phòng Tài chính huyện phối hợp trong tiếp nhận tang vật sung công, tiêu hủy tang vật…

Tuy nhiên, do tình hình đặc điểm công việc của từng đơn vị, nên đôi khi công tác phối hợp còn chưa kịp thời, đúng tiến độ như trong xác minh điều kiện thi hành án, Văn phòng Đăng ký đất đai chậm cung cấp thông tin, nội dung trả lời chung chung, không rõ ràng...

Theo Chi cục THADS TP. Tây Ninh, đơn vị nhận được sự phối hợp tốt, nhiệt tình giữa các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương như Văn phòng Đăng ký đất đai, Phòng Tài chính - Kế hoạch, Phòng Kinh tế, Phòng Quản lý - Đô thị, Phòng Tài nguyên và Môi trường trong việc kê biên, định giá tài sản, giúp đơn vị thực hiện tốt công tác tổ chức thi hành án án. Tuy nhiên, công tác phối hợp đôi lúc chưa kịp thời, Chi cục sẽ tăng cường trao đổi để phối hợp thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.

Cần tăng cường phối hợp chặt chẽ trong THADS (ảnh minh hoạ)

Ngoài ra, TP. Tây Ninh với vị thế là trung tâm hành chính kinh tế của tỉnh, là đô thị quan trọng nằm trong vùng kinh tế trọng điểm, do đó với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, các vụ việc tranh chấp, khởi kiện diễn ra ngày càng nhiều. Mỗi năm, lượng án Chi cục tổ chức thi hành trung bình hơn 3.200 việc/8 chấp hành viên trực tiếp tổ chức thi hành án.

Như vậy, trung bình mỗi chấp hành viên phải giải quyết 400 việc/năm. Kết quả thi hành xong về việc chưa đạt theo chỉ tiêu đề ra; kết quả thi hành xong giữa các chấp hành viên chưa đồng đều; tiến độ thi hành án liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng đạt kết quả chưa cao. Với lượng án phải tổ chức thi hành lớn trong quá trình làm việc không thể tránh những thiếu sót, vi phạm về mặt thời gian theo luật định.

Trong buổi làm việc với đoàn giám sát Uỷ ban MTTQVN tỉnh về công tác THADS và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; trách nhiệm nêu gương người đứng đầu cơ quan vào ngày 12.10.2022, ông Lại Vũ Hiếu Tùng- Chi cục trưởng Chi cục THADS TP. Tây Ninh chia sẻ nguyên nhân của những khó khăn, hạn chế trong công tác thi hành án dân sự do ý thức chấp hành pháp luật của người phải thi hành án chưa cao, mang tính đối phó, có hành vi tẩu tán tài sản để tránh việc thi hành án, lợi dụng việc tranh chấp tài sản để khởi kiện ra Toà án nhằm kéo dài thời gian thi hành án.

Đương sự phải nộp các khoản thu cho ngân sách Nhà nước, số tiền nhỏ, qua xác minh thì đương sự không có điều kiện thi hành nên chỉ thực hiện nộp dần hàng tháng. Do số tiền nhỏ nên chấp hành viên không thể thực hiện cưỡng chế xử lý tài sản để thi hành dứt điểm. Các vụ việc, đương sự có tài sản nhưng thỏa thuận trả dần hằng tháng nên kéo dài thời gian thi hành án nhiều năm.

Đồng quan điểm, ông Đỗ Thành Đông- Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Châu Thành cho biết thêm, hiện số biên chế được phân bổ còn thiếu, trong khi lượng án thụ lý của Chi cục cao, án khó khăn phức tạp nhiều, chỉ tiêu kế hoạch công tác giao cao. Bên cạnh đó, công tác THADS không thể đơn phương chấp hành viên tổ chức thi hành mà còn phải phối hợp và phụ thuộc nhiều cơ quan chức năng như trong cưỡng chế thi hành án, xác minh điều kiện thi hành án, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản…

Để tháo gỡ những “điểm nghẽn” trên, Chi cục Chi cục THADS huyện Châu Thành sẽ thực hiện tốt vai trò Thường trực Ban Chỉ đạo THADS huyện, chủ động tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền chỉ đạo các ngành phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác THADS. Xây dựng kế hoạch công tác khoa học trên cơ sở chỉ tiêu nhiệm vụ được giao, gắn chỉ đạo với kiểm tra, chú trọng kiểm tra những hồ sơ có kê biên cưỡng chế, hồ sơ tồn lâu năm, hồ sơ có phản ánh, kiến nghị.

Phân công chấp hành viên, công chức giải quyết án theo chỉ tiêu từng tháng chặt chẽ, khoa học nhằm giải quyết đúng, nhanh chóng, chính xác, bảo đảm chỉ tiêu giao nhưng vẫn tuân thủ đúng quy định pháp luật. Thay đổi chấp hành viên (kiểm điểm xử lý) khi 2 tháng liền không hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ.

Thiên Di

Tin cùng chuyên mục